Nhạc Việt - thật và ảo: Phần nhìn đang át phần nghe

29/08/2013 10:32
Theo Quỳnh Nguyễn/Tuổi trẻ
Sau những chia sẻ của các nhạc sĩ, nhà sản xuất, đạo diễn chương trình âm nhạc về "Nhạc Việt - thật và ảo", tiến sĩ Văn Thị Minh Hương - giám đốc Nhạc viện TP.HCM - cũng đã trao đổi những nhận định đáng quan tâm.

Tiến sĩ Văn Thị Minh Hương - Giám đốc Nhạc viện TP.HCM
Tiến sĩ Văn Thị Minh Hương - Giám đốc Nhạc viện TP.HCM

* Thưa bà, vì sao công chúng ngày nay có vẻ dễ bị "đánh lừa" giữa những giá trị thật - ảo trong âm nhạc?

- Công chúng Việt Nam hầu hết đều quan tâm đến thanh nhạc và nhạc nhẹ chứ chưa để ý đến khí nhạc và hai mảng chính khác của âm nhạc là nhạc cổ điển (tinh hoa của nhân loại) và nhạc truyền thống (tinh hoa của từng quốc gia).

Tôn trọng sự khác biệt
Ðiều thành công nhất của người nghệ sĩ là tìm được đúng sân khấu của mình để đứng. Hà Anh Tuấn vẫn nghĩ ngành âm nhạc và giải trí phát triển cần có sự phân hóa đa dạng, và chúng ta cần tôn trọng tất cả những màu sắc cá tính khác nhau, tôn trọng sự khác biệt. Không thể và không nên đồng nhất mọi quy chuẩn thước đo về nghề, về tài năng và về nghệ thuật, trừ một nguyên tắc cơ bản: sự tôn trọng trong ứng xử trên công luận truyền thông. Mà điều đó thì các cơ quan và truyền thông có vai trò kết nối quyết định.
Ca sĩ Hà Anh Tuấn
Tôi không cho rằng nhạc nhẹ hay nhạc thị trường là dở. Tôi chỉ cảm thấy khán giả bây giờ hơi dễ dãi trong thưởng thức âm nhạc. Nhạc nhẹ hay nhạc thị trường đều sẽ có giá trị của nó nếu được nhìn nhận, đầu tư và phát triển một cách nghiêm túc. Nhưng hình như khán giả hiện nay ít nghe nhạc mà là xem nhạc.

Khán giả đã vô tình để cho các thứ khác trên sân khấu, chứ không phải âm nhạc hay giọng hát ca sĩ, dẫn dắt mình. Phần nhìn đang át phần nghe, đã thế các chương trình hiện nay còn lạm dụng âm lượng của âm thanh cùng các kỹ thuật phòng thu tiên tiến khác để đánh lừa tai nghe của khán giả. Lâu dần người nghe sẽ không còn nhận ra âm thanh nào là thật, âm thanh nào là giả, âm nhạc nào là hay và âm nhạc nào là chưa hay nữa. Những người trong nghề chúng tôi vẫn hay đùa với nhau rằng chỉ có cúp điện mới biết ca sĩ nào hát hay hoặc dở, truyền cảm hay không.

* Chẳng lẽ ca sĩ "vô can" trong việc này?

- Cũng như nhiều quốc gia khác, Nhà nước đã có những động thái để giữ gìn và mang nhạc cổ điển hay nhạc truyền thống đến gần công chúng hơn. Còn với nhạc nhẹ - vốn dễ sống hơn hai mảng nhạc kia, thì được "xã hội hóa". Tôi tin một xã hội phong phú tồn tại nhiều thị hiếu là tốt, nhưng có những thị hiếu cần được định hướng bởi các cơ quan quản lý, truyền thông, nhà sản xuất, bầu sô... Về mặt này thì nói thật là chúng ta làm chưa tốt.

Còn ca sĩ đương nhiên có tài mới thành sao. Nhưng những ngôi sao ca nhạc hiện nay (phần lớn hát bằng bản năng và năng khiếu) được đánh bóng, tâng bốc từ người hâm mộ và giới truyền thông nhiều quá nên có khi họ hơi ngộ nhận về tài năng của bản thân. Sự ngộ nhận đó kèm theo sự dễ dãi của một bộ phận khán giả lẫn sự thỏa hiệp giữa nhiều "thế lực" khác nhau dẫn đến sự mất cân bằng trong thưởng thức và sai lệch trong việc đánh giá các giá trị thật - ảo.

* Vậy làm cách nào để lấy lại sự cân bằng cũng như nhận diện được những giá trị thật - ảo trong làng nhạc hiện nay?

- Cái gốc của vấn đề từ giáo dục cả thôi. Vì sao hầu hết người Việt đều hiểu đơn giản âm nhạc là ca khúc? Vì trong giờ âm nhạc của phần lớn các trường mầm non (bậc học đầu tiên của trẻ), các cháu được dạy hát những ca khúc. Cách tiếp cận với âm nhạc đúng nhất từ giai đoạn đầu tiên là tập cho con trẻ nghe những âm thanh âm nhạc và phải là những âm thanh thật từ các nhạc cụ mộc chứ không phải từ nhạc cụ điện tử.

Người ta còn khuyến khích dùng âm nhạc để thai giáo (tức dạy cho trẻ từ trong bụng mẹ). Và loại âm nhạc cần dùng trong giai đoạn này là các bản hòa tấu nhạc cổ điển, nhạc truyền thống (với các nhạc cụ mộc, âm thanh chân thật) hay giọng hát của người mẹ. Giọng hát cũng là một nhạc cụ. Giọng hát hay là giọng hát phát ra những âm thanh hay, truyền cảm, làm lay động lòng người.

Âm nhạc hay âm thanh đều là những ngành khoa học. Ngành khoa học nào muốn đi lên hay phát triển bền vững đều phải có nền tảng. Vì sao các thầy Trần Hiếu, Quốc Trụ... đã trên 80 tuổi mà giọng hát vẫn "rền rền" và biểu diễn thoải mái cho dù cúp điện, trong khi không ít giọng ca đình đám của thị trường sau vài năm nổi tiếng đã hư thanh quản, mất giọng? Cái gì cũng phải học hết, không học chính quy thì cũng phải học ai đó.

Ca sĩ học từ nhạc sĩ cũng là chuyện thường. Lý tưởng nhất vẫn là trước khi thể hiện ca khúc của một nhạc sĩ nào đó, ca sĩ nên tìm hiểu về hoàn cảnh ra đời của ca khúc, gặp gỡ, trò chuyện cùng nhạc sĩ để hiểu thêm về tâm tư mà nhạc sĩ gửi gắm vào ca khúc cũng như mong đợi ca khúc của mình được ca sĩ truyền tải, sáng tạo thêm như thế nào. Nhạc sĩ cũng có quyền đòi hỏi ca sĩ phải tôn trọng ý riêng của mình hay phản ứng khi những sáng tạo của ca sĩ có phần đi quá tâm tư tình cảm mà mình đặt vào ca khúc. Biết lắng nghe cũng là một cách học.

Thời gian sẽ đánh giá đúng

Với tư cách là một nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc (ethnomusicologist), tôi đã nghe rất nhiều các bài bản của những ca sĩ được báo chí "tôn vinh" một cách thiếu suy xét vì hầu hết ca sĩ hiện nay đều "hét" chứ không còn "hát" nữa.

Tất cả các nhạc phẩm vui hay buồn đều diễn tả một kiểu và lại bị một toán vũ điệu phía sau ca sĩ vung tay, múa chân làm phân tán sự chú trọng vào lời ca. Mặt khác, các ca sĩ hiện nay chỉ dồn vào y phục, càng hở hang càng tốt, chịu ảnh hưởng nhiều cách diễn xuất của các nghệ sĩ Hàn Quốc.

Chỉ với thời gian mới đánh giá đúng mức tài nghệ của một ca sĩ "chuyên nghiệp". Có ca sĩ nào dám nhìn sự thật và tự kiểm thảo mình để biết rõ những ưu, khuyết điểm để tự sửa đổi cho mình hay hơn, giỏi hơn, tốt đẹp hơn?

Tôi đã sống trong nghề nhạc sĩ và làm văn nghệ từ gần 50 năm ở hải ngoại, trình diễn trên 3.500 buổi ở 70 quốc gia trên thế giới mà lúc nào cũng thấy mình vẫn còn cần học hỏi rất nhiều ở những người thầy (lớn tuổi có, nhỏ tuổi cũng có).

Nhất tự vi sư, bán tự vi sư. Ai cũng có thể làm thầy của mình và mình phải biết chấp nhận những lời phê bình chính đáng để vươn lên cao hơn nữa trong nghề nghiệp.

GS.TS Trần Quang Hải (Paris, Pháp)

Theo Quỳnh Nguyễn/Tuổi trẻ