Nhớ thầy - nhà văn, nhà giáo Nguyễn Anh Đào

20/11/2018 07:17
Thanh Vĩnh
(GDVN) - Thầy đã về cõi hạc nhưng những tác phẩm của nhà văn, nhà giáo Nguyễn Anh Đào thì vẫn còn đó, vẫn song hành cùng cuộc đời.

LTS: Ngày Nhà giáo Việt Nam đang đến rất gần, với mong muốn được thể hiện tình cảm cùng sự tri ân sâu sắc nhất của mình đối với người thầy đã khuất - nhà văn, nhà giáo Nguyễn Anh Đào, tác giả Thanh Vĩnh đã gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Nhanh quá thầy ơi! Đã hơn bảy năm kể từ ngày thầy ra đi nhưng trong tâm trí chúng em vẫn nhớ nguyên hình dáng thầy, gương mặt đôn hậu của thầy, những lời thầy khuyên hôm nào vẫn như văng vẳng...

- Làm người tử tế rất khó, làm một người phụ nữ tốt còn khó hơn nhiều.

- Sao vậy thầy?

- Là bởi, phụ nữ không chỉ sống cho mình, người phụ nữ là con gái, em gái, chị gái… rồi sẽ thành vợ, thành mẹ, thành cô, thành dì, thành thím, thành mợ, rồi thành bà nội, bà ngoại… Vai trò nào cũng có những khó khăn riêng, muốn trọn vẹn đâu dễ.

Làm người, sống cho mình, cho đời đã khó. Làm phụ nữ, phải biết hy sinh, phải biết cho đi, nhiều khi vì xung quanh, chịu nhận thiệt thòi mà chưa chắc đã được ghi nhận, biết đến.

Nhớ thầy - nhà văn, nhà giáo Nguyễn Anh Đào ảnh 1Nơi tình yêu ở lại

Hơn nữa, bây giờ, phụ nữ bình đẳng với nam giới trong mọi lĩnh vực công tác. Thậm chí có những lĩnh vực, phụ nữ chiếm số đông. Thế nên, nó mới khó con ạ.

Mà con có biết rằng: Có được một người phụ nữ tốt là sẽ có được một gia đình tốt, có được những đứa con ngoan không?

- Vâng con hiểu rồi thầy ạ. Vĩ đại thật. Nhưng nặng nhọc quá thầy ơi.

- Nặng nhọc mà vẻ vang đó con.

- Làm sao cho tròn phận sự hả thầy?

 - Còn có cách nào ngoài việc phải nỗ lực. Sẽ rất nặng nhọc chứ không chỉ là nặng nhọc. Nhưng thầy tin, nếu cố gắng, quyết tâm, con sẽ làm được…

Đó là một góc trong câu chuyện của thầy trò tôi, lần gặp ấy tôi không thể nghĩ đó lại là lần sau cuối.

Khi ấy, trời vừa sang xuân, mưa phùn giăng mờ ngõ nhỏ. Thầy ốm, cơn bệnh hiểm nghèo, bệnh viện khám, cấp đơn thuốc để thầy về nhà điều trị.

Vợ chồng tôi đến thăm, ăn với thầy cô một bữa cơm, trò chuyện với thầy cô trọn một buổi, rồi vội vã ra về.

Còn bao nhiêu công việc đang đợi, tôi không nán thêm được nữa. Chia tay, thầy cô ra tận ngõ tiễn chúng tôi.

Thầy dặn: Năm nay thầy cũng đã bảy mươi, nếu “cố” được thầy trò mình còn có thể gặp nhau lần nữa; còn không, nhận được tin, con lên tiễn thầy một đoạn nhé!

Tôi suýt kêu lên, rồi lặng thắt vì lo sợ khi nghe thầy nói thế. Thầy ạ, câu nói đơn giản ấy, con biết, từ miệng một người từng bươn trải bao năm với đời, với nghề dạy học như thầy, hết núi cao Lao Cai lại trung du quê nhà - toàn là những vùng đất nếu không nghèo thì cũng khó -  là sự tự biết trước cuộc sống của mình những ngày tới, một cách điềm tĩnh, an nhiên.

Cái điềm tĩnh, an nhiên của một con người đã sống hết mình với đời. Hiểu thế, mà sao khi nghe thầy nói vậy, tôi vẫn thấy xót buốt tận tim.

Nhà văn, nhà giáo Nguyễn Anh Đào (Ảnh: tác giả cung cấp).
Nhà văn, nhà giáo Nguyễn Anh Đào (Ảnh: tác giả cung cấp).

Trở về với cả núi công việc sau lần ấy, tôi còn nhận thư thầy gửi bài cộng tác. Không ngờ, đau bệnh như vậy mà thầy vẫn viết.

Nhấc điện thoại thăm thầy, tôi thốt ra miệng ý nghĩ đó, thầy cười nhẹ rồi nói: Thế cô không nhớ, cô đã từng nói sẽ “theo dõi” sức khoẻ tôi qua số bài vở tôi gửi cộng tác với chương trình văn nghệ phát thanh do cô phụ trách à!

Ôi thầy ơi, sự minh mẫn của thầy lại khiến tôi khâm phục.

Những năm tháng đẹp của cuộc đời, thầy đã cống hiến cho nghiệp trồng người, ươm con chữ nơi vùng cao heo hút. thầy đã hoàn thành trọng trách với đàn em, nghĩa vụ với đất nước.

Nghỉ hưu, thầy có thể an nhàn vui tuổi già. Vậy mà, thầy luôn trăn trở với trang viết. Vốn sống, đam mê văn chương, trách nhiệm tự thân với cuộc đời… tất cả những điều ấy thôi thúc thầy cầm bút, thôi thúc thầy phải tư duy…

Vì điều gì? Vì mình - Thầy đã nói với tôi như thế - Trước hết là vì mình. Viết để thấy mình còn có ích, mình không bị “văng” ra khỏi cuộc sống ầm ã, cuồn cuộn, sôi sục này.

Viết cũng là cách để mình sống cuộc đời thứ hai đầy ý nghĩa. Cuộc đời ấy thuộc về giá trị những trang viết của mình lưu lại cho đời.

Muốn lưu lại, muốn những trang viết ấy, tức chính là cuộc đời thứ hai ấy của mình được dài lâu, dài lâu hơn cuộc đời thực của mình thì trang viết ấy phải thực có giá trị.

Thầy tin vậy. Và thầy truyền cho tôi niềm tin ấy. Để bây giờ, tôi có thêm nghị lực đi cùng nghiệp viết. Điều ấy, vô cùng quan trọng đối với tôi!

Tôi vẫn nhớ nguyên cuộc sống những năm 80, 90 thế kỷ trước của cả đất nước mình. Đói nghèo hiện hữu khắp nơi, bởi hậu quả chiến tranh, bởi một cơ chế quan liêu bao cấp, bởi tư duy trì trệ, giáo điều...

Một ngày công nông nghiệp ở quê tôi, có vụ, chỉ được 1,3 lạng (0,13 kg) thóc ướt. Đồng lương nhà giáo hồi ấy, không nói, ai cũng biết nó eo hẹp chừng nào.

Chả biết tự lúc nào trong dân gian có câu nói vui: Nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà… nghèo! Ôi chao! Ba nhà đầu, nghe thì “tầm cỡ” vậy mà khi kết lại, lại chỉ là/bằng nhà… nghèo.

Nhớ thầy - nhà văn, nhà giáo Nguyễn Anh Đào ảnh 3Truyện ngắn: Điều em chưa nói với thầy...

Nghe rồi cười, cười mà thấy sống mũi cay nhức. Thế mà thầy lại gánh trên vai trọng trách của tận hai trong số ba nhà nghèo ấy.

Thời đó, có không ít người đã không thể trụ lại với nghề dạy học bởi nỗi thiếu đói. Thế mà thầy vẫn cần mẫn lên lớp, vẫn hết lòng với lũ trò nghèo chúng tôi, vẫn âm thầm sáng tác (Chuyện này, tận mãi sau này tôi mới biết).

Cũng mãi sau này, khi đã lớn, tôi mới biết nhà thầy hồi đó rất nghèo, thiếu thốn đủ bề. Vậy mà, đến tận bây giờ, tôi vẫn không hiểu thầy đã chắt chiu cách nào, để mỗi khi kết thúc năm học, thầy luôn có quà tặng thưởng những học sinh có kết quả học tập xếp loại khá trở lên.

Quà thầy tặng chúng tôi là cây bút, là đôi tập giấy Lửa Việt. Đơn sơ vậy mà quý giá biết bao.

Với tôi, đó luôn là một trong những phần thưởng giàu ý nghĩa nhất. Những cây bút, tập giấy ấy, đã góp phần giúp tôi trưởng thành. Tình thầy ấm áp, bao dung chúng tôi biết mấy.

Cũng hồi đó, còn bé tí, tôi không biết thầy sống và làm việc, rồi sáng tác văn chương khi nào.

Cho đến khoảng những năm đầu thế kỷ XXI này, khi tác phẩm của thầy liên tiếp được xuất bản, tạo tiếng vang trong dư luận, được Hãng phim truyện Đài Truyền hình Việt Nam chuyển thể thành kịch bản phim và lên sóng, được công chúng đón nhận, yêu mến, tôi mới biết đến và vô cùng khâm phục sự miệt mài làm việc, nỗ lực cống hiến của thầy.

Tôi vẫn nhớ như in buổi gặp mặt cộng tác viên Đài phát thanh – truyền hình  Vĩnh Phúc năm ấy.

Thầy trò sau gần 30 năm mới gặp lại. Vui quá chừng. Tôi tự hào vô cùng khi gặp lại thầy giáo cũ bây giờ đã là một nhà văn danh tiếng.

Thầy vui khi thấy con bé con nhút nhát ngày xưa giờ đã là một nhà báo. Thầy ân cần:

- Tranh thủ mà viết con nhé.

- Ôi con mà viết được văn ư. Khó lắm thầy ơi. Con không làm được đâu.

- Thầy tin con làm được.

- Con đang làm báo, rất bận, thầy biết thế. Nhưng bận mấy cũng cố mà viết. Nghề báo cho con vốn sống. Tâm hồn, sự rung động chân thành, nghĩa vụ, trách nhiệm của người làm báo với cuộc đời sẽ cho con cách viết. Con sẽ làm được.

Rồi thầy cười vui: Tôi với cô thi đua với nhau nhé.

Tôi thầy nghe, lòng tôi rưng rưng. Ở thầy, hình như không có trở ngại nào có thể khiến thầy nguôi vợi năng lượng sống và nhiệt tâm với cuộc đời, với trang viết. Điều ấy, muốn có được, con còn phải cố gắng rất nhiều, cố gắng suốt đời, thưa thầy!

Nhớ thầy - nhà văn, nhà giáo Nguyễn Anh Đào ảnh 4Thầy tôi

Và tôi nhớ: Khi mình còn là đứa trò cấp 2 trường làng, được học lớp thầy chủ nhiệm và dạy môn Văn.

Thú thật, trước khi học Văn thầy dạy, tôi chỉ là một học trò với điểm tổng kết trung bình môn Văn “cố lắm” mới đạt trên 5 phảy.

Tôi không ghét Văn, nhưng không thích học. Vì sao? Vì tôi không tìm thấy hứng thú? Vì tôi mải chơi? Hay vì tất cả những điều này và còn điều nào khác nữa?

Chỉ biết, tôi đã có được điểm 8 đầu tiên cho môn Văn qua bài văn nghị luận về tác phẩm Nam quốc sơn hà sau khi nghe thầy bình giảng bài thơ này.

Và hơn thế, bắt đầu từ điểm 8 đó, tôi thích học văn, học khá hẳn với điểm trung bình cuối năm đạt 7,8.

Tôi có được điều đó, là nhờ thầy!

Vâng lời thầy, tôi đã tập viết. Những trang viết đầu tiên thật vụng về, ngô nghê. Chỉ là những tản văn nho nhỏ, ghi lại cảm nghĩ, chiêm ngẫm của tôi với cuộc sống xung quanh. Vậy mà được báo chí đăng tải, được bạn đọc đồng cảm.

Ôi khó mà nói hết rằng tôi đã hân hoan thế nào. Cảm ơn thầy! Sau mẹ, thầy là người thứ hai động viên tôi cầm bút.

Vẫn biết, con đường văn chương xa lắc, nhọc nhằn, người viết lắm khi như khách lữ hành đơn độc, và thành công từ văn chương là không hề dễ dàng nhưng tôi đã cầm bút.

Dẫu chưa là thành quả gì, thì ít nhất, tôi cũng đã vượt lên chính sự tự ti, vượt lên chính bản thân mình. Điều đó với tôi là một chiến thắng lớn.

Vậy mà khi Báo Văn nghệ đăng truyện ngắn đầu tay của tôi; truyện ngắn đó, may mắn sao được độc giả đón nhận, yêu mến.

Tôi vui lắm, cứ nhủ mình rằng, đợi đến kỳ nghỉ lễ 2/9 năm đó, tôi sẽ lên thăm thầy, sẽ tự tay cầm tới “khoe” với thầy tờ báo Văn nghệ có đăng truyện ngắn của mình để tôi được thấy niềm vui trên gương mặt thầy…

Nhưng, đau buồn sao, lại như là định mệnh, vào đúng ngày tôi định lên thăm thầy, khi trời vừa hửng sáng, chuông điện thoại bỗng đổ dồn, chúng tôi nhận tin dữ: thầy đã về cõi hạc.

Thầy ơi! Thầy đã về cõi hạc. Cuộc đời thứ nhất của thầy - Nhà giáo Nguyễn Anh Đào - người con của đất Tứ Yên (huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) - cuộc đời vật chất (chữ của thầy) đã khép lại nhưng mọi người thấy rằng:

Cuộc đời thứ hai, cuộc đời tinh thần - thuộc về những “Câu chuyện bên hồ” (Tiểu thuyết, Nxb. Hội Nhà văn, 2000); “Bóng thời gian” (Tiểu thuyết, Nxb. Hội Nhà văn, 2002); “Tình núi” (Tập truyện ngắn, Nxb. Văn hóa dân tộc, 2006); “Bóng núi” (Nxb. Văn hóa dân tộc, 2007); “Người con trang Sơn Đông” (Tiểu thuyết dã sử, Nxb. Phụ nữ, 2013), vv… - là những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Anh Đào thì vẫn còn đó, vẫn song hành cùng cuộc đời. Điều đó, thật là kỳ diệu phải không thầy!

Con tin, nơi xa ấy, hẳn thầy mỉm cười hài lòng.

Còn đứa học trò nhỏ của thầy vẫn luôn nhớ thầy nhiều lắm, thầy ạ!

Thanh Vĩnh