Ông lão mù và tiếng độc huyền cầm bên bờ sông Hậu

14/12/2017 07:59
Minh Ngọc
(GDVN) - Tiếng đàn không chỉ giúp ông mưu sinh, mà đó còn là nỗi lòng của ông. Nó như sợi dây duy nhất và linh thiêng níu ông với cuộc sống này.

Cặm cụi và nhẫn nại, tiếng độc huyền cầm bên bến đò sông Hậu nối đôi bờ cứ vừa thanh thót vừa ai oán như muốn nói lên nỗi lòng của người chơi đàn, khiến những vị khách qua đường ai ai cũng chăm chú lắng nghe như thể không muốn bỏ sót bất cứ nốt nhạc nào.

Ở đó, ông lão mù vẫn bền bỉ mỗi ngày, chơi đàn và lắng nghe tiếng lòng từ sông nước trên sông.

Nhiều năm nay rồi, những người thường qua lại bến đò từ bờ Cần Thơ sang phía Thị xã Bình Minh (Vĩnh Long) hoặc ngược lại, họ vẫn coi ông như người thân.

Ngày nào cũng vậy, chiếc phà chở bao niềm ao ước và cả một thời u buồn của ông lão khiếm thị Trương Thanh Liêm (66 tuổi, quê tại huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre) khiến lòng người xốn xang.

Ông lão mù Trương Thanh Liêm chơi đàn trên chuyến phà sông Hậu (Ảnh: tác giả cung cấp).
Ông lão mù Trương Thanh Liêm chơi đàn trên chuyến phà sông Hậu (Ảnh: tác giả cung cấp).

Những người khách trên phà bị ông thu hút. Họ nhìn ông, nhìn đôi tay điêu luyện của ông.

Ông hăng say và miệt mài chở nỗi niềm riêng của mình. Tiếng đàn như hòa vào sóng nước, quyện vào lòng người, nao nao cả khúc sông quê từng ngày, từng ngày.

Bị mù từ khi lên 3, gia cảnh nghèo khó, bố mất sớm, ông một mình rong ruổi làm đủ nghề để kiếm sống. Tuy đôi mắt không nhìn thấy nhưng ông vẫn vô cùng lạc quan.

Ngày trước, ông cũng từng là một tay chơi guitar có hạng. Tất nhiên ông học lỏm trên đài, xong tự mày mò để học, rồi tự sắm cho mình một cây đàn để kiếm cơm.

Nhưng họa vô đơn chí, trong một đêm trú mưa ông bị kẻ gian nẫng mất cây đàn quý. Cuộc sống quẩn quanh với nỗi lo cơm áo gạo tiền đã khơi gợi cho ông Liêm suy nghĩ sẽ tự làm cho mình một cây đàn để mua vui những lúc mệt mỏi.

Chỉ với những nguyên liệu vô cùng đơn giản như: một miếng gỗ, một cái thau nhỏ và dây phanh xe đạp. Cây đàn dài chưa được 1m, rộng chừng 20cm, hai đầu đóng đinh nhô lên.

Dây đàn buộc vào đầu đinh kéo từ dưới lên trên ngang qua một thau nhôm úp màu trắng làm thành hộp cộng hưởng.

Ông đã sáng chế ra cây đàn vô cùng độc đáo. Cây đàn này cũng chính là công cụ giúp ông kiếm tiền nuôi sống bản thân suốt bao năm qua.

Cây đàn như báu vật của ông lão mù luôn được treo cẩn thận mỗi khi đi về (Ảnh: tác giả cung cấp).
Cây đàn như báu vật của ông lão mù luôn được treo cẩn thận mỗi khi đi về (Ảnh: tác giả cung cấp).

Tôi hỏi ở xứ này còn mấy người biết làm đàn như ông không. Ông lắc đầu, bảo làm gì có ai. 

Nhìn cây đàn của ông mà lòng buồn the thắt. Nó vẫn thay ông hát, về một thời dĩ vãng vàng son, đầy đam mê và tiếc nuối; và về một ngày mai vô định, với bao nỗi day dứt, xót đau. 

Nhịp đàn của ông lúc chậm rãi mà phóng túng, như chính phong thái khoan thai, thư thả và những bước chân tự do đầy kiêu hãnh của người đã trải qua gần hết một đời trong buồn vui sướng khổ vô cùng.

Đời lấy của ông đôi mắt, nhưng trả cho ông tài đàn. Ngoài 40 tuổi, một người phụ nữ yêu mến tiếng đàn yêu và cả người cầm đàn đã cùng ông gá nghĩa.

Ông đàn, bà bán vé số, cuộc sống đắp đổi qua ngày, ấy vậy mà cũng đã hơn 20 năm nay. Giờ bà đã yếu sức, bệnh tật lại liên miên nên không đi bán vé số nữa. Mình ông, vẫn đàn, đổi nốt trầm nốt bổng lấy cuộc sống của cả hai người.

Cứ thế, ngày ngày bên bến phà sông Hậu, khi nhiều người mệt mỏi bởi nỗi lo cơm áo gạo tiền đè nặng, thì ở đó lại lảnh lót trong ồn ào hỗn tạp âm thanh của đời thường là tiếng độc huyền cầm da diết của ông lão mù.

Những điệu nhạc trầm buồn hay thánh thót vang vọng làm nhiều người bừng tỉnh. Họ lặng im thả hồn vào tiếng đàn, miên man những giai âm đặc biệt và thưởng thức.

Những bản tình ca bolero, những xề, xang, xê, cống, líu... hay rất nhiều bản nhạc như hơi thở quê hương cùng với sóng sông Hậu như tạo nên bản hợp ca với tiếng đàn của lão mù, cứ da diết mãi không thôi.

Hình như ông dồn hết tâm sự lòng mình vào tiếng đàn. Tiếng đàn cứ thổn thức, như miên man ngược về thời xa vắng, về một miền hoài niệm xa lắc của người đã trải qua bao nhiêu mùa mưa nắng trên miền sông nước hùng vĩ này.

Tiếng đàn độc huyền của ông không lớn, nhưng rất đặc biệt, hoàn toàn không giống các nhạc cụ khác. Nó như chính lòng người đang trò chuyện vui vẻ, trầm bổng với mình. 

Tiếng đàn không ngân dài, nhưng vang xa. Nghe như nước đổ, quặn thắt, chung chiêng dội vào lòng thuyền, nghe lang thang hun hút trên sóng nước. Cây đàn như chở nặng tiếng lòng của ông bao năm rồi.

Nhiều du khách trong nước, và cả ngoài nước đã vô cùng thích thú khi đi trên chuyến phà nối đôi bờ sông Hậu này có ông lão mù chơi đàn như thế.

Họ không chỉ ngạc nhiên về cây đàn của ông, mà còn cả về sự am hiểu với âm nhạc của ông, đặc biệt là âm nhạc dân gian, âm hưởng của miền tây sông nước.

Ông bảo, tiếng đàn không chỉ giúp ông mưu sinh, mà đó còn là nỗi lòng của ông. Nó như sợi dây duy nhất và linh thiêng níu ông với cuộc sống này. Tiếng đàn của ông là những sợi tâm tình rút ra từ chính trái tim ông, êm ái và đầy mê mải.

Chiều sông Hậu hiền hòa, chuyến phà cuối cùng trong ngày cũng đã đưa hết khách sang sông.

Ông vẫn ôm cây độc huyền cầm của mình, chở cả những tâm tư thoát lên từng nốt, từng cung bậc của âm thanh, hòa vào tiếng sóng nước êm ái của sông Hậu miên man từng ngày.

Minh Ngọc