Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu KT-XH-PT lý giải bất ngờ về nhạc Trịnh

05/10/2012 07:26
Quốc Khánh
(GDVN) - Gần đây, có một số ý kiến cho rằng nhạc Trịnh triết lý nửa vời, ru ngủ con người bằng những ngôn từ ủy mị, bi lụy…Vậy tính chất triết học trong nhạc Trịnh Công Sơn được thể hiện như thế nào? Sự thực cái buồn trong nhạc Trịnh có làm cho người ta bị ru ngủ, an phận hay không?
Phóng viên báo Giaoduc.net.vn đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Nguyễn Văn Vịnh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội và Phát triển (KT-XH-PT), Chủ tịch Hội Phong thủy Việt Nam về chủ đề tính chất triết học trong nhạc Trịnh.

Là một người yêu nhạc Trịnh và nghe rất nhiều những bài hát của ông, tiến sỹ Nguyễn Văn Vịnh tỏ ra khá thông hiểu về bản chất của tính triết lý trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Vịnh cho rằng: “Đây là cách nhìn riêng của tôi còn cũng đã có rất nhiều người viết về tính chất triết học trong nhạc Trịnh Công Sơn. Có một xu hướng cho rằng Trịnh Công Sơn ảnh hưởng của đạo phật. Xu hướng khác có thể thấy Trịnh Công Sơn có không ít những bài hát liên quan đến giáo lý của ky-tô giáo. Trong nhạc Trịnh có rất nhiều câu liên quan đến giáo đường như “em nhớ mang theo hành trang qua khoảng trời vắng, qua chân địa đàng”…

Nhưng điều quan trọng không phải việc Trịnh Công Sơn đề cập đến phật giáo hay Ki-tô giáo mà chúng ta cần nói đến 2 vấn đề lớn của triết học. Vấn đề thứ nhất là: Nhìn chung thế giới này là cái gì? Trả lời câu hỏi này thì có nhiều ngành khoa học tham gia. Và họ mô tả thế giới theo con đường tiếp cận, các logic khác nhau. Trịnh Công Sơn ít đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này.

Đúng như tiến sỹ Nguyễn Văn Vịnh nhận định, Trịnh Công Sơn coi sống giữa đời chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng.
Đúng như tiến sỹ Nguyễn Văn Vịnh nhận định, Trịnh Công Sơn coi sống giữa đời chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng.

Câu hỏi thứ hai, nghe thì rất đơn giản nhưng lại rất siêu hình đó là: Con người là gì? Trịnh Công Sơn là người cố gắng đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này. Câu trả lời này nó bao hàm những nội dung như ta là ai, ta đi từ đâu đến, ta đi về đâu. Trong lúc ta chưa đi về đâu thì ta phải làm cái gì.

Và việc đi tìm về nguồn cội “ta là ai” đó, Trịnh cũng không tìm kiếm nhiều. Nhưng câu hỏi đi về đâu có thể coi là một nỗi ám ảnh đối với ông. Thậm chí mỗi ngày, Trịnh “dọa chết” một lần và đầy những ám ảnh về cái chết.

Nhưng khi chưa “chết” mà vẫn phải đối diện với các tình thế của đời sống là “tham, sân, si” thì Trịnh Công Sơn cố gắng tránh xa nó bằng những giáo huấn của nhà Phật.

Nhưng còn có một cái nữa mà Trịnh Công Sơn khác hơn mọi người. Đó là có thể thân phận con người còn lớn hơn điều gì đó mà người ta vẫn định vị, vẫn mô tả. Và Trịnh Công Sơn muốn đẩy con người theo một chiều kích mới. Trịnh Công Sơn không đặt con người vào tình huống của những việc lớn lao, to tát mà ông đặt con người trong các tình thế ứng xử  trong đời sống hàng ngày.

Đời sống hàng ngày, chính là chuyện giận hờn, yêu, ghét… Trịnh Công Sơn thấy rằng bản chất việc con người cầm súng bắn nhau dù là ở phía nào cũng vô nghĩa như nhau. Đó có thể coi là tư tưởng yêu hoà bình. Trịnh Công Sơn thấy con người có trách nhiệm yêu thương. Nhưng trách nhiệm yêu thương đó lớn quá. Do vậy, với một tâm hồn khá trẻ trung và có thể coi là đa tình, Trịnh Công Sơn coi tình yêu đôi lứa như một cứu cánh. Cho nên người ta thấy nhiều hơn cả trong nhạc Trịnh Công Sơn là những cuộc tình. Dù nói về cái gì cũng lấp ló đâu đó những cuộc tình mặc dù cuộc tình đó có thể pha rất nhiều đắng cay tủi hờn.

Không phải mọi triết lý về con người theo chiều hướng đó đều gọi là ru ngủ. Nếu như vậy thì Khổng Tử là người ru ngủ loài người đầu tiên khi ông đưa ra thuyết chính danh định phận. Tất nhiên, có những người không ru ngủ con người mà kêu gọi họ đứng dậy và thanh toán một phần loài người khác, thì đó là Hitler.

Còn nói rằng Trịnh Công Sơn ru ngủ người khác vì một động cơ nào đó thì tôi không tin. Bởi ông là một nhà duy mỹ thuần khiết. Chính vì vậy, ý kiến của ông luôn mang tính độc lập.

Nếu chúng ta cứ quy rằng những bài hát của Trịnh Công Sơn đưa lớp thanh niên vào con đường yêu đương trụy lạc, quên đi nhiệm vụ, quên đi tranh đấu thì: xét ở góc độ khoa học, sự quy chụp đó là mọi rợ, xét ở góc độ nhân tính thì nó là xa lạ.

Niềm vui của con người thì giống nhau nhưng nỗi buồn khác nhau. Còn việc cảm nhận được nỗi buồn của con người ở tất cả mọi tình huống của đời sống và cả trong thiên nhiên như mưa, gió nắng… thì phải có tài năng. Hơn nữa, chủ đề về nỗi buồn mới là chủ đề vĩnh cửu của văn học và nghệ thuật trong đó có âm nhạc. Và cái gì động chạm đến nỗi buồn sẽ đi đến bất tử. Đó là một nguyên lý mỹ học.

Không phải lúc nào người ta cũng cần buồn và không phải lúc nào người ta cũng có thể vui. Người ta có thể nghe nhạc Trịnh trong các tâm trạng khác nhau và ở mỗi tâm trạng có thể cảm nhận khác nhau. Nhưng ở phương diện của thẩm mỹ học mà nói, cái bi bao giờ cũng đưa con người đến cái cao quý.

Ở đây, chúng ta phải nói đến khả năng diễn ngôn bất tận của Trịnh Công Sơn cho một chủ đề nỗi buồn của con người.”
Quốc Khánh