Ra mắt tuyển tập văn xuôi của gia đình nhà văn Nguyễn Như Phong

16/04/2021 16:19
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nét độc đáo ở đây là bốn tác giả của bốn bộ tuyển tập đồ sộ đều là thành viên trong một gia đình.

Sau một thời gian dài công phu chuẩn bị, sưu tầm các tác phẩm đã xuất bản cùng với một số bản thảo còn lưu giữ được, được sự ủng hộ của Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, bốn bộ tuyển tập văn xuôi của các nhà văn Nguyễn Tử Siêu, Hoài An, Nguyễn Thiên Lương và Nguyễn Như Phong đã ra mắt bạn đọc vào ngày 16/4 tại Hà Nội.

Nét độc đáo nhất ở đây là bốn tác giả của bốn bộ tuyển tập đồ sộ đều là thành viên trong một gia đình.

Cụ Nguyễn Tử Siêu là ông ngoại của nhà văn Nguyễn Như Phong. Nhà văn Hoài An là con rể cụ Nguyễn Tử Siêu và là thân sinh nhà văn Nguyễn Như Phong.

Nhà văn Nguyễn Thiên Lương là con trai cụ Nguyễn Tử Siêu và là em ruột của thân mẫu nhà văn Nguyễn Như Phong.

Bốn bộ tuyển tập văn xuôi của gia đình nhà văn Nguyễn Như Phong đã ra mắt bạn đọc vào ngày 16/4 tại Hà Nội. (Ảnh: Cao Kim Anh)

Bốn bộ tuyển tập văn xuôi của gia đình nhà văn Nguyễn Như Phong đã ra mắt bạn đọc vào ngày 16/4 tại Hà Nội. (Ảnh: Cao Kim Anh)

Được độc giả Việt Nam biết đến từ lâu, nhà văn Nguyễn Tử Siêu xuất thân trong một gia đình nho học, thân sinh đỗ Cử nhân, bào huynh đỗ Tú tài Hán học, bản thân đã qua tam trường vào năm cuối chế độ thi cử cũ, chuyển sang thi cử bằng quốc văn. Cụ Nguyễn Tử Siêu là thầy thuốc Đông y, viết văn và dịch sách thuốc.

Về viết văn, Cụ chuyên viết về lịch sử trong khoảng thời gian 20 năm (1925-1945) cụ đã xuất bản hơn 20 cuốn với nội dung cổ vũ lòng yêu nước, chống cường quyền ngoại xâm, tiêu biểu như: “Tiếng sấm đêm đông”, “Hai bà đánh giặc”, “Vua bà Triệu”, “Đinh Tiên Hoàng”… cùng với nhiều cuốn sách Đông Y nổi tiếng được dịch tiêu biểu như: “Y học tùng thư”, “Sách thuốc trẻ em” …

Nhà văn Hoài An là một cây bút chuyên viết bút ký, phóng sự xuất sắc từng nhiều năm làm biên tập ở Báo Văn nghệ.

Nét độc đáo nhất ở đây là bốn tác giả của bốn bộ tuyển tập đồ sộ là những người ruột thịt trong một gia đình. Trong ảnh là nhà văn Nguyễn Như Phong. (Ảnh: Cao Kim Anh)

Nét độc đáo nhất ở đây là bốn tác giả của bốn bộ tuyển tập đồ sộ là những người ruột thịt trong một gia đình. Trong ảnh là nhà văn Nguyễn Như Phong. (Ảnh: Cao Kim Anh)

Ông tham gia cách mạng từ năm 1945. Năm 1952 làm phóng viên báo Đại đoàn Quân Tiên phong, rồi phóng viên báo Quân đội nhân dân từ năm 1954 đến năm 1960, sau đó chuyển về báo Văn nghệ cho đến lúc nghỉ hưu.

Văn của ông dung dị với lối kể chuyện dí dỏm, nhiều chi tiết ám ảnh. Ông viết bút ký, phóng sự có giọng điệu rất riêng và đẫm chất “văn”.

Những tác phẩm nổi tiếng để đời của ông có “Tủa Chùa, miền đất lạ”, “Bí mật củ sắn, con lợn ở làng Đại Lâm”, “Đồng cỏ Mộc Châu”…

Hoài An ít miêu tả mà cứ đủng đỉnh vừa kể chuyện, vừa khám phá rồi bất ngờ buông một vài nhận xét gần như đúc kết kinh nghiệm sống.

Nhà văn Nguyễn Thiên Lương là nhà văn của lính, của nhiều hệ thiếu nhi. Ông là thứ nam của nhà văn, lương y Nguyễn Tử Siêu.

Ông đi giao liên từ năm 14 tuổi, năm 1954 được điều lên Tây Bắc tham gia chiến dịch Trần Đình với chức vụ Tiểu đội trưởng bộ binh Tiểu đội I, Đại đội 261, Trung đoàn 102, Đại đoàn 308.

Bạn đọc nhỏ tuổi cả nước đã một thời say sưa đón đọc “Thú rừng Tây Nguyên” của tác giả Thiên Lương do nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành vào những năm 1970-1980 và được tái bản nhiều lần.

Tiếp đến là “Cao nguyên thất thủ”, đây là cuốn Ký sự viết về số phận của Sư đoàn 23 quân đội Việt Nam Cộng hòa trong chiến dịch Buôn Ma Thuột.

Nhà văn, Đại tá Nguyễn Như Phong, nguyên Phó Tổng biên tập báo Công an Nhân dân, nguyên Tổng biên tập báo Năng lượng Mới, khởi nghiệp văn chương bằng những truyện ngắn trên báo Văn nghệ từ năm 1978 khi còn là một anh lính công binh ở Lào.

Lễ ra mắt tuyển tập của bốn tác giả trong một gia đình của Nhà văn Nguyễn Như Phong được đông đảo khán giả chờ đợi và đón nhận. (Ảnh: Cao Kim Anh)

Lễ ra mắt tuyển tập của bốn tác giả trong một gia đình của Nhà văn Nguyễn Như Phong được đông đảo khán giả chờ đợi và đón nhận. (Ảnh: Cao Kim Anh)

Mặc dù đã có tuổi nhưng ông đã tới tất cả các dự án khai thác dầu khí trong và ngoài nước và viết được nhiều thiên phóng sự về một lĩnh vực mà đối với ông là hoàn toàn mới mẻ.

Nguyễn Như Phong là một cây bút đa dạng: Tiểu thuyết, phóng sự, bình luận, kịch bản điện ảnh, viết tin bài thông tấn, chụp ảnh… Và ở thể loại nào ông cũng gặt hái được nhiều thành công. Ông cũng là nhà văn, nhà báo nổi tiếng xông xáo, ham đi, ham viết.

Nguyễn Như Phong đã được 3 giải thưởng về tiểu thuyết “Vì bình yên cuộc sống” của Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam, cùng 11 giải Báo chí quốc gia và nhiều giải thưởng trong các cuộc thi Truyện ngắn, Bút ký của báo Văn nghệ, Đài Tiếng nói Việt Nam.

Bộ tuyển tập của Nguyễn Như Phong gồm 14 tập. Trong đó có 1 tập Bút ký chính trị, 2 tập phóng sự và 11 cuốn Tiểu thuyết.

Trong các tiểu thuyết của Nguyễn Như Phong thì đã có 5 cuốn được chính tác giả chuyển thể thành kịch bản phim truyền hình nhiều tập như Cổ cồn trắng, Bí mật những cuộc đời; Chạy án; Đồng tiền quỷ ám và Bí mật Tam giác Vàng.

Phát biểu tại lễ ra mắt tuyển tập của gia đình Nhà văn Nguyễn Như Phong, Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: “Truyền thống thơ văn được truyền nối bởi các thế hệ trong một gia đình đó là điều hiếm có và đáng tự hào cho nền văn học Việt Nam.

Lễ ra mắt tuyển tập của 4 tác giả trong một gia đình của Nhà văn Nguyễn Như Phong được đông đảo khán giả chờ đợi và đón nhận. Đó là tín hiệu rất đáng mừng cho nền văn học nước nhà khi những tưởng sự vội vã, hiện đại mà người ta quên mất chất văn, chất nghệ sĩ trong cuộc sống”.

Cao Kim Anh