Văn mẫu đang là chiếc phao giúp nhiều giáo viên đạt chỉ tiêu giao cao ngất

31/08/2021 07:35
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cô giáo cũng nói nếu không làm thế để học sinh viết tự do sẽ có nhiều em viết không đạt như đáp án, barem chấm điểm, và lúc đó thì chỉ tiêu không đạt có mà u đầu.

Câu chuyện văn mẫu, học theo khuôn mẫu đã được đề cập từ rất lâu trong ngành giáo dục nhưng vẫn chưa được khắc phục. Mới đây nhất, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu chấm dứt cách dạy và học theo văn mẫu, bài mẫu vốn triệt tiêu sự sáng tạo thì đề tài này đã nóng trở lại trên mặt báo và các diễn đàn giáo dục.

Văn mẫu đang là cứu cánh để giáo viên đạt chỉ tiêu chất lượng cao ngất ngưỡng (Ảnh có tính chất minh họa, nguồn: Youtube.)

Văn mẫu đang là cứu cánh để giáo viên đạt chỉ tiêu chất lượng cao ngất ngưỡng (Ảnh có tính chất minh họa, nguồn: Youtube.)

Nhiều bài viết đã chỉ ra thực trạng, nguyên nhân và đưa ra những giải pháp nhằm khắc phục việc dạy và học theo văn mẫu ở các nhà trường hiện nay.

Tuy nhiên, với góc nhìn của người viết cũng là một giáo viên đang trực tiếp giảng dạy, để chấm dứt cách dạy và học theo mẫu không dễ dàng gì trong khi những tài liệu dạy học chính khóa (cụ thể là sách giáo khoa) và cách ra đề kiểm tra, đề thi như hiện nay vẫn theo một khuôn mẫu định sẵn.

Sách giáo khoa cũ, giáo khoa mới tiểu học đang dạy theo khuôn mẫu

Ngay từ lớp 2, học sinh đã được yêu cầu viết đoạn văn ngắn kể về người thân, về gia đình, về cô giáo, về ảnh Bác Hồ, về cây cối, về biển…

Sau mỗi đề bài, bao giờ cũng có những gợi ý đóng khung yêu cầu học sinh làm theo những hướng dẫn cụ thể. Ví như, kể về người thân trong gia đình em. Sau đề bài là gợi ý cách kể như người đó là ai? Người đó làm nghề gì? Kể công việc cụ thể người đó thường làm? Tình cảm của em với người đó…

Nội dung phía trên trong sách giáo khoa cũ, nội dung phía dưới trong sách giáo khoa mới (Ảnh Đỗ Quyên)

Nội dung phía trên trong sách giáo khoa cũ, nội dung phía dưới trong sách giáo khoa mới (Ảnh Đỗ Quyên)

Hay như đề yêu cầu kể viết một đoạn văn ngắn kể về cô giáo (hoặc thầy giáo) cũ của em (theo gợi ý): Cô giáo (thầy giáo) lớp cũ của em tên là gì? Cô dạy em lớp mấy? Tình cảm của cô đối với em thế nào? Em nhớ nhất điều gì ở cô?...

Đề kiểm tra của nhà trường cũng yêu cầu học sinh viết đoạn văn ngắn, điều đáng nói là barem hướng dẫn chấm có thang điểm cụ thể cho từng ý đã được gợi ý trước đó.

Ví dụ với đề kể về cô giáo cũ của em, phần barem chấm điểm ghi rõ: Học sinh trả lời được những ý đã nêu (trong gợi ý), như tên của giáo viên, tình cảm của cô (thầy) đối với học sinh, em nhớ nhất điều gì…mà không mắc lỗi, biết diễn đạt thì đạt điểm tối đa. Sai một ý hay trình bày chưa trôi chảy thì giáo viên căn cứ vào đó để trừ điểm.

Thế nên, khi dạy, thường thì giáo viên cũng hướng dẫn học sinh trả lời theo những câu gợi ý và khi viết thì ráp vào, chỉnh sửa lỗi viết câu để tạo ra đoạn văn như mẫu.

Nhiều thầy cô giáo không dám để học sinh viết theo suy nghĩ của riêng mình vì sợ viết lan man, không giống như đáp án chấm bài của nhà trường thì các em sẽ mất điểm.

Học sinh gần như được mặc định sẵn với kiểu viết văn nếu kể về thầy cô giáo cũ thì bao giờ cũng là cô giáo (thầy giáo) cũ của em tên là…; Cô dạy em năm lớp một. Cô rất thương yêu và chăm sóc học sinh. Em nhớ nhất…Vì thế, khi chấm những bài văn kiểu này của lớp nào, các em cũng làm gần y chang nhau.

Sách giáo khoa mới lớp 2 hiện nay, nhiều bài yêu cầu viết đoạn văn ngắn cũng đưa ra mẫu gợi ý giống như sách giáo khoa cũ. Ví như kể về người thân, đầu tiên cũng là người đó là ai? Em và người đó thường làm việc gì? Tình cảm của em với người đó thế nào?

Với kiểu gợi ý mặc định thế này mà đề kiểm tra của trường cũng đưa ra barem dựa vào các câu hỏi gợi ý như thế thì đảm bảo rằng không nhiều thầy cô giáo dám cho các em học sinh làm kiểu khác. Bởi như thế, khi chấm bài kiểm tra, học sinh sẽ không đạt yêu cầu thì trách nhiệm giáo viên sẽ phải gánh chịu.

Còn khống chế chỉ tiêu thi đua vẫn sẽ còn cách dạy theo khuôn mẫu và sử dụng văn mẫu

Có lần chấm văn của một lớp có hơn 30 học sinh nhưng phải gần 30 em có bài làm gần như y chang nhau. Điều khác duy nhất là có em viết về cây cam, em viết cây bưởi, cây chanh, cây mãng cầu…nhưng những câu gợi ý sau thì giống nhau đến từng dấu phẩy.

Mới chấm bài đầu tiên, tôi thấy rất vui vì với học sinh lớp 2 mà viết khá hay, diễn đạt trôi chảy và có sử dụng hình ảnh so sánh làm đoạn văn thêm sinh động.

Đặt bút cho điểm khá cao. Tuy nhiên đọc bài tiếp rồi bài tiếp nữa, tôi thấy bài nào cũng giống y chang nhau chỉ khác mỗi tên cái cây.

Tôi lại phải lấy bài đã cho điểm sửa lại thang điểm. Dù không thể cho điểm cao nhưng cũng không thể cho điểm dưới trung bình.

Thế là bài nào viết đẹp hơn tý được cao hơn từ 0.5 đến 1 điểm. Khi trao đổi với đồng nghiệp về sự giống nhau của các bài văn, cô giáo nói rằng hướng dẫn cho học trò viết theo gợi ý trong sách và các em chỉ thay loại cây vào cho khác một tý.

Cô giáo cũng nói nếu không làm thế để học sinh viết tự do sẽ có nhiều em viết không đạt như barem chấm điểm, và lúc đó thì chỉ tiêu không đạt có mà u đầu.

Chỉ tiêu chất lượng giao cao ngất thì văn mẫu cũng là cứu cánh của thầy cô

Cũng có những thầy cô giáo cương quyết không dạy mẫu để học sinh chỉ việc thuộc chép vào. Tuy thế gần tới ngày thi, ngày kiểm tra cũng buộc phải cho những học sinh này những “bí kíp” làm bài mẫu.

Giáo viên thương trò mà cũng thương chính mình. Bởi, với chỉ tiêu phải hoàn thành chất lượng môn học cao ngất (có trường 80%, có trường hơn 90%) mà học sinh bị điểm trung bình là không thể được.

Thế là, cô phải cho văn mẫu để trò học thuộc, học tủ để khi vào kiểm tra có cái mà làm. Việc tủ đề không có gì khó vì nó đã được giới hạn trong đề cương ôn tập của nhà trường.

Kêu gọi xóa văn mẫu, xóa cách dạy mẫu theo kiểu đóng khung nhưng không đổi mới cách ra đề, chấm thi, không bỏ việc khống chế chỉ tiêu thi đua hàng năm mà chỉ tiêu năm sau luôn phải cao hoặc ít nhất là bằng năm trước thì nhiều thầy cô giáo vẫn không dám thoát ly cách dạy mẫu của mình.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên