Trò người H’Mông muốn làm thầy dạy sử

25/04/2014 05:42
Xuân Trung
(GDVN) - Chàng trai người H’Mông Vừ Mí Kỵ, sinh năm 1996, giải nhì quốc gia lịch sử đang hoàn thành chặng đường còn lại để đạt ước mơ trở thành thầy dạy sử.

Trong số 51 học sinh đạt giải nhì Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông năm 2014 do bộ GD&ĐT tổ chức năm nay đáng chú ý nhất có em Vừ Mí Kỵ, quê ở Sủng Là, Đồng Văn, Hà Giang. Kỵ là một trong những học sinh dân tộc ít người vùng cao Việt Bắc vượt qua bao gian khó để giành được giải cao và được tuyển thẳng vào đại học năm 2014. 

Trò nghèo và cuộc sống khó khăn để theo ngành sử

Vừ Mí Kỵ là con thứ 4 trong một gia đình có 8 anh chị em, khi mới 3 tuổi, em đã mồ côi mẹ, hai năm sau bố đi bước nữa và sinh thêm được 4 người em. Cuộc sống gia đình khó khăn khiến anh chị em trong nhà không được học hành đầy đủ, bản thân các chị do không được học nên đã lấy chồng, hiện ở nhà còn 2 em nhỏ (một 10 và 6 tuổi) cũng không có điều kiện tới trường.

Vừ Mí Kỵ - cậu học trò dân tộc H'Mông xuất sắc giành giải nhì sử quốc gia và được tuyển thẳng vào đại học năm 2014. Ảnh Xuân Trung
Vừ Mí Kỵ - cậu học trò dân tộc H'Mông xuất sắc giành giải nhì sử quốc gia và được tuyển thẳng vào đại học năm 2014. Ảnh Xuân Trung
Vừ Mí Kỵ tâm sự rằng, đáng lẽ lứa tuổi của các em là được đến trường nhưng do hoàn cảnh và do em đi học ở xa nên các em phải ở nhà giúp bố mẹ làm việc. Thời còn học trường làng ở Sùng Là, do bố mẹ không biết tiếng Kinh nên Vừ Mí Kỵ phải tự học tiếng Kinh. Năm học cuối cấp 2, Vừ Mí Kỵ dự thi học sinh giỏi môn sử của tỉnh Hà Giang và xuất sắc đạt giải nhì, sau đó được tuyển thẳng vào trường Vùng cao Việt Bắc để học tiếp.

Lên lớp 10, Vừ Mí Kỵ phải học xa nhà khoảng 350km, mỗi năm chỉ được về 2 lần vào dịp hè và Tết. Đi học với bao nỗi lo âu sau lưng, nhớ các em, thương bố mẹ, Vừ Mí Kỵ càng quyết tâm theo đuổi ước mơ của mình trở thành thầy giáo. Thời gian đầu nhớ nhà Vừ Mí Kỵ không ngủ được, nhưng sau 2-3 năm học em đã bắt quen với môi trường, cũng đã dần quen với điều kiện xa nhà, xa người thân và mọi thứ trở nên bình thường để tiếp tục tập trung vào học môn mà em yêu thích từ nhỏ.

Vừ Mí Kỵ vẫn thường nói rằng, em là người duy nhất trong gia đình được đi học cẩn thận, cơ bản. Nhưng chính bố mẹ, các em mới là niềm tự hào của em, đã giúp Vừ Mí Kỵ vượt qua nhiều khó khăn để đến với trường, với lớp. Mỗi lần có dịp chia sẻ về vùng quê nghèo khó của mình, Vừ Mí Kỵ lại nhớ về tháng ngày cả nhà phải ăn mèn mén thay cơm mà hiện tại bây giờ vẫn duy trì. “Trên quê em chủ yếu là làm nương rẫy, trồng ngô, hiện tại ở nhà vẫn ăn mèn mén, người ta làm chỉ đủ ăn mà thôi, còn thu nhập thì không có” Vừ Mí Kỵ cho hay.

Khi được hỏi tại sao em lại chọn lịch sử là môn theo đuổi và thi học sinh giỏi, Vừ Mí Kỵ chỉ đáp: “Bản thân em thích sử và muốn được học sử, muốn tìm hiểu môn học này. Môn sử cũng có nhiều điều thú vị nhất là tìm hiểu về nguồn gốc dân tộc mình, biết được trước kia tổ tông mình là ai, là ông vua nào, đất nước mình đã từng trải qua những giai đoạn nào để có được ngày hôm nay”.

Cách học sử của Vừ Mí Kỵ là chủ yếu thiên về viết, theo bật mí của em lịch sử cần diễn đạt, và cách học tốt nhất để vừa nhớ và rèn luyện kỹ năng diễn đạt chính là viết. Việc tìm hiểu thêm kiến thức bên ngoài, theo Vừ Mí Kỵ trước tiên phải học được kiến thức cơ bản trước, kiến thức ngoài chỉ là bổ sung cho kiến thức cơ bản. Nguồn tham khảo của chàng trai người H’Mông thường lấy từ sách do các thầy ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội biên soạn, những buổi chủ nhật lại lên phòng CNTT nhà trường để xem các bài giảng về lịch sử trên mạng.

Tuy nhiên, em cũng khẳng định chính kiến thức trong sách giáo khoa là kiến thức cơ bản mà mình phải nắm chắc trước khi muốn tìm hiểu sách tham khảo. Với em cô giáo chỉ mang tính chất hướng dẫn, còn việc thích hay không thích môn sử là do cá nhân.

Sẽ về quê làm thầy dạy sử

Vừ Mí Kỵ cho biết, mỗi ngày em thường dành từ 1 đến 2 giờ để học lịch sử, vì không phải trường chuyên nên thời gian còn phân chia cho các môn học khác. Nhưng với môn sử Vừ Mí Kỵ có một tình cảm đặc biệt, cách học sử của Vừ Mí Kỵ cũng “đặc biệt”, học sử khó nhất là nhớ sự kiện, cách nhớ của em là ghép sự kiện với nhau, ví dụ ngày 12/3 là sinh nhật Vừ Mí Kỵ, ứng với đó sẽ tương ứng với sự kiện gì đó trong lịch sử…

Tới bây giờ khi đạt được thành tích như ngày hôm nay Vừ Mí Kỵ không thể quên những tháng ngày người mẹ hiền là cô giáo Hoàng Thị Đặng luôn ở bên chăm sóc, chỉ bảo và hướng dẫn cho em cách học sử, yêu sử như thế nào. 

Khi được hỏi vì sao không chọn các ngành khác có thu nhập cao hơn, Mý Kỵ khẳng định: “Em nghĩ chọn ngành điều đầu tiên bản thân mình phải thích, thích thì mới làm được, sau này nếu mình có chọn được ngành nào tốt mà mình không thích thì làm một thời gian cũng nản đi, em nghĩ chọn ngành thích là điều quan trọng”.

“Cô Đặng là người hướng dẫn em nhiều nhất khi em xuống dưới xuôi học, nhờ cô mà em mới hiểu được nhiều điều và tiến bộ nhanh như vậy, cũng vì xa nhà nên cô đều quan tâm, hỏi thăm tới chúng em” Vừ Mí Kỵ nói về cô giáo chủ nhiệm.

Tâm sự thêm, Vừ Mí Kỵ cho biết, em đã quyết định lựa chọn khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội là trường để học với mong muốn ước mơ làm thầy dạy sử cho quê hương trở thành hiện thực.

Trao đổi với chúng tôi, cô Hoàng Thị Đặng, giáo viên dạy lịch sử Trường Vùng cao Việt Bắc (chủ nhiệm lớp em Vừ Mí Kỵ) cho biết, em Vừ Mí Kỵ là một trong những học sinh dân tộc H’Mông có điều kiện vô cùng khó khăn của lớp, nhà xa, mẹ mất sớm, đôi khi giáo viên cũng vận động quỹ lớp để ủng hộ Kỵ vượt qua và tiếp tục đi học, bằng chứng thời gian qua Kỵ không phụ lòng thầy cô, các bạn và đã giành giải cao mang về cho nhà trường. 

“Em Kỵ do đã mất mẹ nên thiếu thốn tình cảm, Ban giám hiệu cũng đã có quy định phải nâng đỡ những học sinh như vậy, trân trọng những bài viết của các em, vừa động viên, khuyến khích, cuối năm các em đạt giải cũng có phần thưởng cho em. Với các em chăm học thì phải biết nhân lên, nhất là môn lịch sử” cô Đặng cho hay.

Cô giáo Hoàng Thị Đặng cũng tâm sự, làm giáo viên ở vùng cao phải biết tâm lý học sinh, biết quan tâm tới học sinh của mình, vì phần lớn các em là người dân tộc thiểu số, nhiều khi trong lúc viết bài các em còn quên viết cả tiếng dân tộc mình vào vở, lúc đó giáo viên phải lại hướng dẫn từng tí, từng cách viết, cách nói năng. 

Là giáo viên dạy lịch sử đã 21 năm, theo cô Đặng điều quan trọng với người thầy dạy môn này trước hết phải tâm huyết, có tay nghề vững, nắm bắt kịp thời nội dung, thay đổi cấu trúc ra đề. Điều quan trọng hơn khi ôn luyện phải rèn cho các em có kỹ năng viết. Bởi theo lời cô Đặng, học sinh dân tộc khác với học sinh khác là khả năng tư duy rất thực tế, tư duy trừu tượng yếu, giáo viên mất nhiều thời gian để chữa từng câu, từng chữ, thậm chí là uấn nắn cả chữ viết cho học sinh.
Xuân Trung