Vì kỷ cương và sức khỏe trẻ em, Sở giáo dục Hà Nội nên đối diện, đối thoại

18/04/2019 09:49
Hồng Thủy
(GDVN) - Những gì Báo phản ánh đang được cha mẹ học sinh Thủ đô đặc biệt quan tâm và cần câu trả lời chính thức từ người có trách nhiệm.

Chương trình Sữa học đường được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quyết định 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 có ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc.

Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chọn sữa tươi cho Chương trình không chỉ vì nó tốt nhất cho sức khỏe, sức bật chiều cao của con trẻ, mà đây còn là một giải pháp chính sách thực tiễn gắn ngành nghề chăn nuôi bò sữa với đầu ra ổn định.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận thức sâu sắc ý nghĩa của Chương trình và tình nguyện đấu tranh với mọi biểu hiện làm không đúng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường.

Vì kỷ cương và sức khỏe trẻ em, Sở giáo dục Hà Nội nên đối diện, đối thoại ảnh 1Đề nghị lãnh đạo Hà Nội chỉ đạo làm rõ vụ thêm 14 chất khác vào Sữa học đường

Bước đầu, sau những phản ánh của Báo về tình trạng sữa bột pha lại của Vinamilk bị đưa vào Chương trình Sữa học đường tại một số địa phương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa và có thể cả Hà Nam, đã thay đổi sản phẩm về đúng sữa tươi.

Thành công tuy còn khiêm tốn, nhưng chứng minh được niềm tin vào kỉ cương phép nước, trách nhiệm với con trẻ cũng như đồng vốn ngân sách sẽ giúp các địa phương nhận diện và điều chỉnh những gì chưa đúng.

Đó cũng là tinh thần cầu thị rất đáng biểu dương.

Tiếc rằng ngay giữa Thủ đô, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vẫn né tránh trách nhiệm triển khai sao cho đúng, sức khỏe của trẻ em thụ hưởng chương trình cùng kỷ cương phép nước xem ra vẫn chưa được Sở xem trọng đúng mực.

Phải nói rạch ròi như vậy, là vì Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có quán triệt sâu sắc Quyết định 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mới thông qua gói ngân sách 1200 tỷ đồng cho Chương trình. 

Nhưng đơn vị được giao triển khai là Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội lại đang bộc lộ nhiều vấn đề bất cập.

Vì sao chuyên gia tư vấn dinh dưỡng cho Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thay đổi giữa chừng?

Đồng hành với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trong suốt quá trình tập huấn triển khai Chương trình từ trước khi đấu thầu, Phó giáo sư Tiến sỹ Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng trường học, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, đã trở thành gương mặt quen thuộc.

Phó giáo sư Tiến sĩ Bùi Thị Nhung, ảnh: Phạm Mai / Vietnam Plus.
Phó giáo sư Tiến sĩ Bùi Thị Nhung, ảnh: Phạm Mai / Vietnam Plus.

Báo Vietnam Plus ngày 12/10/2018 có bài phỏng vấn Phó giáo sư Bùi Thị Nhung và được bà chia sẻ thẳng thắn:

"Trong quyết định ban hành Chương trình sữa học đường của Chính phủ năm 2013 có mục tiêu cụ thể về việc đến năm 2020 phải cải thiện khẩu phần canxi, sắt và vitamin D của trẻ tăng 30%. 

Khi đó, Bộ Y tế đã có quyết định số 5040 giao cho Viện Dinh dưỡng nghiên cứu các tiêu chuẩn để bổ sung vi chất vào thực phẩm.

Viện Dinh dưỡng đã có rất nhiều năm nghiên về bổ sung vi chất, bổ sung đa vi chất cải thiện tình trạng trí lực, thể lực của trẻ em. 

Vì thế, khi nhận được quyết định đó, chúng tôi đã tổng hợp lại các nghiên cứu trước đây cũng như các quy định của Tổ chức y tế thế giới, Nghị định 09 của Thủ tướng về bổ sung vi chất vào thực phẩm, tham khảo các nước trên thế giới để đưa ra các tiêu chí cụ thể về hàm lượng của vitamin D, sắt, canxi trong chương trình sữa học đường phù hợp với trẻ em Việt Nam. 

Vì kỷ cương và sức khỏe trẻ em, Sở giáo dục Hà Nội nên đối diện, đối thoại ảnh 3Đừng lấy sức khỏe trẻ em Hà Nội tham gia Sữa học đường ra đánh cược cho Vinamilk

Báo cáo đã được gửi lên Bộ Y tế. Chắc là trong thời gian sớm nhất sẽ có được quyết định về tiêu chí bổ sung vi chất vào sữa học đường."

Khi đó nhà báo Phạm Mai xác quyết lại với câu hỏi:

"Nghĩa là điểm khác của sữa học đường với các sữa tươi thông thường khác là được bổ sung ba loại vi chất gồm vitamin D, canxi và sắt, thưa bà?"

Phó giáo sư, tiến sỹ Bùi Thị Nhung khẳng định:

"Đúng vậy, và hàm lượng các chất này được đảm bảo đáp ứng yêu cầu phát triển của trẻ với các chỉ số cụ thể do Viện Dinh dưỡng khuyến nghị dựa trên các nghiên cứu cụ thể về thể trạng trẻ em Việt Nam." [1]

Đây là khẳng định xuyên suốt của Phó giáo sư Tiến sĩ Bùi Thị Nhung và khẳng định này phù hợp với Quyết định 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 5450/QĐ-BYT của Bộ Y tế.

Chúng tôi không tìm thấy bất cứ phát biểu nào của Phó giáo sư Bùi Thị Nhung về 14 loại vi chất Vinamilk đã pha vào sản phẩm phục vụ Chương trình Sữa học đường tại Hà Nội, trái quy định của Thủ tướng, Bộ Y tế và chính Hồ sơ mời thầu của Hà Nội.

Cho đến khi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phát hiện ra vấn đề, Vinamilk đã pha vượt quy định 14 vi chất vào sản phẩm cung cấp cho Chương trình Sữa học đường Hà Nội, thì không thấy Phó giáo sư Bùi Thị Nhung xuất hiện nữa.

Ảnh chụp màn hình bản tự công bố sản phẩm sữa học đường (thực phẩm bổ sung) của Vinamilk với 17 loại vitamin và khoáng chất được đưa vào.
Ảnh chụp màn hình bản tự công bố sản phẩm sữa học đường (thực phẩm bổ sung) của Vinamilk với 17 loại vitamin và khoáng chất được đưa vào.

Sản phẩm Vinamilk cung cấp cho Chương trình Sữa học đường Hà Nội không còn là sữa tươi theo QCVN 5-1:2010/BYT mà là một dạng thực phẩm chức năng, bổ sung vượt 14 vi chất so với Hồ sơ mời thầu cũng như các khuyến cáo của Phó giáo sư Bùi Thị Nhung trước đây.

Thay vào đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội mời một chuyên gia dinh dưỡng khác, cũng xuất thân từ Viện Dinh dưỡng quốc gia, bác sĩ Trần Khánh Vân, Phó Trưởng khoa Vi chất dinh dưỡng.

Những gì bác sĩ Trần Khánh Vân phân tích trên truyền thông và trao đổi với báo chí khi được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội mời tham gia giao ban báo chí của Thành ủy Hà Nội ngày 16/4/2019, chúng tôi đã phân tích trong bài trước.

Quan điểm của bác sĩ Trần Khánh Vân không chỉ trái Quyết định 1340/QĐ-TTg, Quyết định 5450/QĐ-BYT, mà trái luôn cả công văn số 437/DDHĐ&NN ngày 17/9/2018 của Viện Dinh dưỡng quốc gia.

Sản phẩm của Vinamilk trái quy định hồ sơ mời thầu Sữa học đường Hà Nội

Cơ quan chức năng phụ trách chuyên môn về an toàn thực phẩm là Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế vẫn chưa lên tiếng.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã mời Phó chánh thanh tra Bộ Y tế Nguyễn Văn Nhiên sau khi ông trả lời phỏng vấn một số báo, bảo vệ việc pha 14 vi chất trái quy định kia, để giải thích với dư luận và một số cơ quan truyền thông đã đánh đồng phát biểu của ông Nhiên với quan điểm của Bộ Y tế.

Giám đốc sở Chử Xuân Dũng vẫn nặng lòng với tỉ lệ % tham gia hơn là sản phẩm đúng hay sai quy định?

Trong quá trình phân tích, phản biện cách triển khai Chương trình Sữa học đường tại Hà Nội, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhiều lần liên hệ với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Chúng tôi đề nghị được trao đổi, đối thoại, cung cấp thông tin và giải đáp thắc mắc, ngõ hầu làm cho việc triển khai đúng quy định và hiệu quả, nhưng không nhận được hợp tác, ngay cả khi có chỉ đạo của Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý về việc trả lời Báo.

Trước những băn khoăn, thắc mắc của dư luận, Phó giám đốc Phạm Xuân Tiến là người thay thầy Chử Xuân Dũng - Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Chương trình Sữa học đường và là đại diện Bên mời thầu Gói thầu 01 mua sữa cho Chương trình Sữa học đường, để trả lời báo chí.

Liên quan đến 14 vi chất, thầy Tiến phải nhờ cậy chuyên gia.

Khi chưa phát hiện ra 14 vi chất vượt quy định này, Phó giáo sư Tiến sĩ Bùi Thị Nhung thường đồng hành cùng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Khi sự việc vỡ lở, quan điểm của Phó giáo sư Bùi Thị Nhung vẫn không thay đổi. Và người có thể nói ngược chính những gì Phó giáo sư Bùi Thị Nhung đã đồng hành với Sở tuyên truyền về dinh dưỡng học đường trước đó đã được chọn để giải thích với công luận.

Vì sức khỏe và tương lai con em Thủ đô, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sớm đối thoại để tìm giải pháp triển khai chương trình Sữa học đường cho đúng. Ảnh minh họa: Báo Hà Nội Mới.
Vì sức khỏe và tương lai con em Thủ đô, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sớm đối thoại để tìm giải pháp triển khai chương trình Sữa học đường cho đúng. Ảnh minh họa: Báo Hà Nội Mới.

Sự tiền hậu bất nhất này là từ phía Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, còn chuyên gia mỗi người có quan điểm riêng, chỉ xin nêu ra đây để rộng đường dư luận minh xét.

Ngày 17/4/2019, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Về sữa học đường, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội được Tạp chí Giáo dục Thủ đô cho biết, đã báo cáo Bí thư:

Hà Nội cũng đã triển khai Đề án sữa học đường nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ mẫu giáo và tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ em uống sữa hàng ngày.

Hiện toàn thành phố đã có gần 90% trẻ mẫu giáo, tiểu học tham gia chương trình. [2]

Báo Hà Nội Mới ngày 17/4/2019 có bài "Chương trình Sữa học đường: Tăng số trẻ thụ hưởng", dẫn lời thầy Chử Xuân Dũng cho biết:

"Mặc dù tỷ lệ trẻ mầm non và học sinh tiểu học uống sữa học đường ở khối công lập đã đạt bình quân 92% và vẫn đang có chiều hướng tăng, song ở các nhóm trẻ ngoài công lập, số trẻ được uống sữa học đường còn thấp. Đây là vấn đề sẽ được đặc biệt quan tâm trong thời gian tới, nhằm tạo sự bình đẳng cho mọi trẻ em, đúng như mục tiêu của Chương trình Sữa học đường đã đặt ra". [3]

Học sinh Hà Nội đang uống thực phẩm chức năng mà cứ ngỡ Sữa học đường?

Thầy Chử Xuân Dũng trả lời phỏng vấn Báo Hà Nội Mới như vậy khiến chúng tôi có cảm giác, phải chăng đến giờ phút này, thầy hoàn toàn không để tâm gì đến sản phẩm phục vụ Chương trình Sữa học đường tại Hà Nội mà chỉ quan tâm đến % tham gia?

Mặc dù những gì Báo phản ánh đang được cha mẹ học sinh Thủ đô đặc biệt quan tâm và cần câu trả lời chính thức.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội không đủ dũng khí thừa nhận cái sai trong việc đấu thầu một đường, cung cấp một nẻo để mà sửa sai, tiếp tục cái sai bằng cách cậy nhờ bác sĩ Trần Khánh Vân và Phó chánh thanh tra Nguyễn Văn Nhiên?

Thiết nghĩ, nếu thực sự vì con trẻ, thực sự thượng tôn pháp luật và thấm nhuần ý nghĩa của Chương trình, thầy Chử Xuân Dũng cùng ban lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nên chấp nhận đối thoại để cùng thực hiện Chương trình cho đúng.

Đó là mong mỏi lớn nhất của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam khi thực hiện loạt bài phân tích, phản biện và góp ý với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về cách thức triển khai Chương trình Sữa học đường.

Chúng tôi chỉ mong làm sao để ly sữa đến tay các em thực sự là sữa tươi đúng quy định của Thủ tướng theo Quyết định 1340/QĐ-TTg, Quyết định 5450/QĐ-BYT của Bộ Y tế và kiểm soát được nguồn sữa tươi nguyên liệu chuẩn quy định theo Thông tư 29/2017/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Vì sức khỏe trẻ em Thủ đô, để bảo vệ kỉ cương phép nước, thể hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, mong quý thầy lãnh đạo Sở hãy vượt qua những gì đang ngăn cản mình đối diện sự thật, để đối thoại và tìm ra giải pháp tốt nhất.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://www.vietnamplus.vn/chuyen-gia-vien-dinh-duong-bat-mi-thanh-phan-sua-hoc-duong/529320.vnp

[2]http://sogd.hanoi.gov.vn/tin-tuc-su-kien/bi-thu-thanh-uy-ha-noi-hoang-trung-hai-lam-viec-voi-so-gddt-ha-noi-c525-7182.aspx

[3]http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-duc/932369/chuong-trinh-sua-hoc-duong-tang-so-tre-thu-huong

Hồng Thủy