Vì sao cựu Phó Chủ tịch Sacombank bị bắt tạm giam?

02/08/2017 07:06
Mai Anh
(GDVN) - Ông Trầm Bê vừa bị bắt tạm giam 4 tháng để điều tra hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an ngày 1/8 phát thông tin: Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Chủ tịch Hội đồng Tín dụng Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín - Sacombank) và ông Phan Huy Khang (nguyên thành viên Hội đồng Tín dụng, nguyên Tổng Giám đốc Sacombank) về hành vi "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Khoản vay 1.800 tỷ đồng

Hai ông Trầm Bê, Phan Huy Khang bị khởi tố, bắt giam vì liên quan đến vụ án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam - VNCB, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh - gọi tắt là Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm, đã gây thất thoát cho Sacombank 1.800 tỉ đồng.

Ông Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị ngân hàng Sacombank vừa bị bắt tạm giam 4 tháng để điều tra hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. ảnh: Công an Nhân dân.
Ông Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị ngân hàng Sacombank vừa bị bắt tạm giam 4 tháng để điều tra hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. ảnh: Công an Nhân dân.

Theo tài liệu điều tra, vào tháng 4/2013, Phạm Công Danh đến gặp ông Trầm Bê (thời điểm đó là Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Chủ tịch Hội đồng Tín dụng Sacombank) đề nghị cho vay 1.800 tỉ đồng. 

Ông Trầm Bê đồng ý cho ông Danh vay tiền tại Sacombank với tài sản bảo đảm là tiền gửi của VNCB tại Sacombank. 

Sau khi thỏa thuận, ông Trầm Bê trực tiếp dẫn ông Danh đến gặp ông Phan Huy Khang (khi đó là Tổng Giám đốc Sacombank) để bàn làm hồ sơ vay tiền. 

Để hợp thức hóa hồ sơ vay tiền, ông Danh chỉ đạo cấp dưới lập biên bản họp Hội đồng quản trị của Ngân hàng Xây dựng về việc dùng khoản tiền 1.800 tỉ đồng của ngân hàng này gửi tại Sacombank làm tài sản bảo đảm cho 6 công ty vay tiền của Sacombank.

Ngày 25/4/2013, ông Trầm Bê ký phê duyệt 2 tờ trình của Sacombank về việc chấp thuận chủ trương cấp tín dụng cho các công ty của Phạm Công Danh. 

Trên cơ sở chỉ đạo của ông Trầm Bê, lãnh đạo Sacombank Chi nhánh Hưng Đạo và Chi nhánh quận 8 đã duyệt và chuyển vào tài khoản ông Danh 1.800 tỉ đồng. 

Ngày 27/4/2013, ông Danh chuyển 1.700 tỉ đồng trả nợ cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), số tiền còn lại ông giữ trong tài khoản. 

Vì sao cựu Phó Chủ tịch Sacombank bị bắt tạm giam? ảnh 2

Bắt tạm giam cựu Phó Chủ tịch Sacombank

Đến tháng 4/2014, do 6 công ty của Phạm Công Danh không trả được nợ vay nên Sacombank đã tự động thu nợ gốc 1.800 tỉ đồng và 35 tỉ đồng tiền lãi từ tài khoản tiền gửi của VNCB tại Sacombank. 

Vì 6 công ty nói trên không có tài sản bảo đảm, không nhận nợ với VNCB nên VNCB không thu hồi được số tiền đã bị Sacombank trừ nợ. 

Qua vụ việc ông Trầm Bê cho vay 1.800 tỷ đồng, cơ quan điều tra cho rằng Sacombank mà trực tiếp là ông Trầm Bê có sai phạm là cho vay khi chưa thẩm định nguồn vốn tự có và nguồn trả nợ vốn vay để xác định tính khả thi, hiệu quả của phương án vay và khả năng hoàn trả nợ vay. 

Mặt khác, Sacombank lập các báo cáo kiểm tra, giám sát vốn vay với nội dung khách hàng sử dụng vốn đúng mục đích, hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường khi chưa có đủ căn cứ là thực hiện chưa đầy đủ quyền và nghĩa vụ của Tổ chức tín dụng theo quy định tại Điều 21 Quyết định 1627 và Khoản 3 Điều 94 Luật các Tổ chức tín dụng…

Với những sai phạm này, ông Trầm Bê và người có liên quan bị bắt và điều tra nhằm làm rõ hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Được biết, liên quan đến vụ án Phạm Công Danh, C46 - Bộ Công an cho biết đã khởi tố thêm 25 bị can, bắt tạm giam 16 người cùng với tội danh "Cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại 4 ngân hàng gồm: VNCB, Tiên Phong Bank, BIDV và Sacombank. 

Ngoài ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang bị khởi tố, bắt tạm giam còn có Nguyễn Việt Hà (Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Lộc Việt), Đỗ Phương Nam (Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đại Phát)… Một số bị can đang thi hành án, 5 bị can được tại ngoại.

Nghi án vượt trần 

Ngoài sai phạm liên quan đến vụ án Phạm Công Danh, trước đó trong báo cáo năm 2013 của Southern Bank (Ngân hàng Phương Nam), mặc dù không giữ vị trí chủ chốt nhưng ông Trầm Bê đang nắm giữ 8,36% vốn điều lệ của ngân hàng này với tổng số cổ phần lên tới 334,6 triệu đơn vị.

Con trai ông Trầm Bê là Trầm Trọng Ngân đang giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị cũng có 176,8 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ 4,42% vốn.

Còn con gái ông Trầm Bê là Trầm Thuyết Kiều cũng đang có trong tay 294,2 triệu cổ phần Southern Bank, tương đương 7,36% vốn ngân hàng.

Gia đình ông Trầm Bê nắm cổ phần 2 ngân hàng là Sacombank và Southern Bank. Hàng dưới từ trái sang: Ông Trầm Trọng Ngân, bà Trầm Thuyết Kiều, ông Trầm Khải Hòa - ảnh nguồn VnExpress
Gia đình ông Trầm Bê nắm cổ phần 2 ngân hàng là Sacombank và Southern Bank. Hàng dưới từ trái sang: Ông Trầm Trọng Ngân, bà Trầm Thuyết Kiều, ông Trầm Khải Hòa - ảnh nguồn VnExpress

Bên cạnh đó, em gái ông Trầm Trọng Ngân là bà Trầm Thuyết Kiều - người đang giữ chức Phó Tổng Giám đốc Southern Bank cũng nắm số cổ phần tương đương 7,36% vốn. Chồng của bà Trầm Thuyết Kiều là ông Lê Trọng Trí cũng sở hữu 0,67% vốn của ngân hàng. 

Những thông tin này đã dấy lo ngại cho rằng, việc các cá nhân gia đình ông Trầm Bê sở hữu vốn điều lệ vượt quá quy định tại Southern Bank là phạm luật và gây mất an toàn cho hệ thống ngân hàng.

Bởi theo quy định tại Khoản 1 Điều 55 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011) về tỷ lệ sở hữu cổ phần, "một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng".

Khoản 3 Điều 55 cũng quy định "cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng".

Như vậy chiếu theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, thì cả ông Trầm Bê và con gái Trầm Thuyết Kiều đều vi phạm về tỉ lệ sở hữu vốn điều lệ tại Southern Bank, khi vượt quá 5% (cá nhân ông Trầm Bê: 8,36%; bà Trầm Thuyết Kiều 7,36%). 

Tương tự nếu xét 3 thành viên trong gia đình ông Trầm Bê, theo quy định những người có liên quan đến cổ đông không vượt quá 20%, trong khi tổng số vốn điều lệ của gia đình ông Trầm Bê trong Southern Bank là 806,58 triệu cổ phần (chiếm 20,14%).

Ngoài Southern Bank, trong lĩnh vực ngân hàng, gia đình ông Trầm Bê cũng được nhiều người biết đến khi cá nhân ông và con trai là Trầm Khải Hòa đều giữ chức vụ cao cấp tại Ngân hàng cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, Mã CK: STB). 

Ông Trầm Bê từng nắm vị trí Chủ tịch Sacombank còn ông Trầm Khải Hòa từng làm Ủy viên Hội đồng quản trị nhà băng này.

Mai Anh