Vì sao hai bờ eo biển Đài Loan căng thẳng?

31/12/2017 07:09
PHẠM DOÃN TÌNH
(GDVN) - Đài Loan là vấn đề nhạy cảm nhất của Trung Quốc ở cả đối nội lẫn đối ngoại, và dễ bị đẩy lên căng thẳng bởi những lý do không dễ gì giải quyết được.

Căng thẳng giữa hai bờ eo biển Đài Loan đang leo thang trong thời gian gần đây, khi Trung Quốc liên tục sử dụng các máy bay chiến đấu và do thám tiến hành các hoạt động tập trận quân sự xung quanh hòn đảo này.

Trong khi đó, chính quyền Đài Loan cũng không ngừng đưa ra những tuyên bố cứng rắn, khi cáo buộc Trung Quốc đang “tạo ra sự nguy hiểm cho hòa bình và an ninh trong khu vực”.

Đồng thời họ cũng cảnh báo Đài Loan sẽ có hành động thích hợp để đáp trả khi cần thiết, khiến cho tình hình càng trở nên phức tạp.

Vậy lý do nào lại khiến cho tình hình hai bờ eo biển Đài Loan ngày càng “nóng” lên như vậy?

Thứ nhất, do Nhận thức chung 1992 về nguyên tắc “một Trung Quốc”.

Năm 1949, cuộc nội chiến ở Trung Quốc kết thúc. Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa ra đời.

Bộ máy chính quyền Trung Hoa Dân quốc thiết lập từ năm 1912 sau Cách mạng Tân Hợi, được Tưởng Giới Thạch đưa sang đảo Đài Loan và chính thể này được tiếp tục duy trì đến ngày nay.

Từ đây, Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là một tỉnh ly khai và sẽ thống nhất lại với Trung Quốc, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết.

Trong khi đó, chính quyền Đài Loan lại cho rằng mình không phải là một phần của Cộng hòa Dân chủ nhân dân Trung Hoa.

Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Reuters)
Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Reuters)

Bước ngoặt đã xảy ra vào ngày 25/10/1971, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết 2758, trục xuất Trung Hoa Dân quốc khỏi Liên Hợp Quốc và thay vào đó là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, khiến quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan liên tục nổi sóng.

Trong bối cảnh đó, năm 1992, Hiệp hội Quan hệ hai bờ eo biển Trung Quốc và Quỹ Giao lưu hai bờ eo biển Đài Loan đã tiến hành trao đổi và hiệp thương nhằm giảm bớt căng thẳng.

Kết quả, hai bên đã đạt được nhận thức chung về sự tồn tại của một đất nước Trung Quốc, gọi là “Nhận thức chung 1992”.

Nội dung chính của "Nhận thức chung 1992" là nguyên tắc chỉ có 1 nước Trung Quốc, nhưng tùy cách hiểu mỗi bên (Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hoặc Trung Hoa Dân quốc).

Nhận thức chung này đã tạo điều kiện cho hai bên xây dựng mối quan hệ mềm dẻo hơn và vượt qua phần nào tình trạng đối đầu bắt nguồn từ sự chia rẽ trong cuộc nội chiến Trung Quốc năm 1949 trở về trước.

Trung Quốc luôn nhất quán quan điểm không cho Đài Loan tuyên bố độc lập bằng bất cứ giá nào, trong khi Đài Loan tạo dựng mối quan hệ với Trung Quốc ra sao lại tùy thuộc vào nhận thức của người đứng đầu hòn đảo này.

Dưới thời nhà lãnh đạo tiền nhiệm Mã Anh Cửu, quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan khá nồng ấm, khi hai bên thường xuyên có các cuộc trao đổi đoàn cấp cao và ký kết một loạt thỏa thuận kinh tế mang tính bước ngoặt.

Thế nhưng, đến thời bà Thái Anh Văn nắm quyền lãnh đạo, quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan bắt đầu tăng nhiệt và ngày càng trở nên căng thẳng.

Các máy bay chiến đấu của Trung Quốc tập trận quanh không phận Đài Loan (Ảnh: AP)
Các máy bay chiến đấu của Trung Quốc tập trận quanh không phận Đài Loan (Ảnh: AP)

Thứ hai, Dân Tiến đảng lên nắm quyền và xu hướng đòi độc lập cho Đài Loan. 

Trước cuộc bầu cử lãnh đạo Đài Loan diễn ra năm 2016, Quốc Dân đảng đã nắm quyền liên tục trong 2 nhiệm kỳ. Cuối nhiệm kỳ thứ 2, nhà lãnh đạo Mã Anh Cửu đã có cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Singapore.

Quan hệ hợp tác hai bờ eo biển Đài Loan đã có những bước phát triển nhảy vọt, nhất là về kinh tế - thương mại - đầu tư.

Tuy nhiên với kết quả bầu cử phần thắng thuộc về Tiến sĩ Thái Anh Văn của Dân Tiến đảng, đã làm thay đổi cục diện quan hệ hai bờ, khi bộ máy chính quyền mới không chấp nhận "Nhận thức chung 1992".

Mặt khác tâm lý muốn tuyên bố Đài Loan độc lập, không để bị Trung Quốc kiểm soát ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội Đài Loan, nhất là trong giới trẻ.

So sánh con số thống kê qua các cuộc khảo sát những năm gần đây có thể thấy rõ điều này.

Những năm 1990, có khoảng 25% dân số Đài Loan xác định bản thân mình là người Trung Quốc; 17,6% số người coi mình là người Đài Loan, và hơn 50% dân số lưỡng lự trong việc xác nhận thân phận.

Đến năm 2014, chỉ còn 3% dân số Đài Loan xác định mình là người Trung Quốc, trong khi có tới hơn 60% tự nhận mình là người Đài Loan, và hơn 30% người dân ở trạng thái lưỡng lự.

Trong số những người tự nhận mình là người Đài Loan, thì có tới trên 70% là ở độ tuổi dưới 40.

Điều đó cho thấy, nếu xu hướng này tiếp tục gia tăng thì một bản sắc Đài Loan duy nhất sẽ chiếm ưu thế trong cộng đồng dân cư Đài Loan trong tương lai gần.

Ngoài ra, theo một cuộc khảo sát hồi đầu năm 2017 của Trung tâm Nghiên cứu bầu cử thuộc Đại học Chính trị Quốc gia (Đài Loan) về xu hướng muốn độc lập khỏi Trung Quốc, thì có tới ba phần tư số người được hỏi ủng hộ cho việc Đài Loan độc lập.

Trong đó, số người dưới 40 tuổi chiếm tới 84%.

Đặc biệt, có tới 43% trong số những người này khẳng định vẫn ủng hộ việc Đài Loan độc lập ngay cả khi Trung Quốc phát động một cuộc chiến tranh ngăn chặn. [1]

Chính xu hướng này đã khiến cho thái độ của chính quyền đương nhiệm tại đảo Đài Loan ngày càng cứng rắn hơn với Trung Quốc, dẫn đến hy vọng về một cuộc chuyển biến chính trị trong hòa bình để tiến tới thống nhất Đài Loan vào Trung Quốc đại lục ngày càng gặp nhiều thách thức.

Thứ ba, Bắc Kinh lo ngại chính sách “mập mờ chiến lược” của Hoa Kỳ đối với vấn đề Đài Loan.

Năm 1979, Hoa Kỳ chính thức công nhận nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và ngừng quan hệ ngoại giao chính thức với nước Trung Hoa Dân quốc, đồng thời tuyên bố rằng:

Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là “Chính quyền hợp pháp duy nhất của Trung Quốc”.

Thuật ngữ “duy nhất” ở đây có nghĩa là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là nước Trung Quốc duy nhất, mà không có sự xem xét Trung Hoa Dân quốc như một thực thể có chủ quyền riêng.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ lại không nhượng bộ yêu cầu của Trung Quốc về việc công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Đài Loan.

Mà thay vào đó, Washington thừa nhận lập trường của Trung Quốc cho rằng “Đài Loan là một phần của Trung Quốc”.

Binh sĩ Đài Loan tập trận phòng thủ trước sự răn đe từ bên ngoài (Ảnh: AP)
Binh sĩ Đài Loan tập trận phòng thủ trước sự răn đe từ bên ngoài (Ảnh: AP)

Do đó, một mặt Hoa Kỳ duy trì quan hệ chính thức với Trung Quốc, một mặt lại có quan hệ không chính thức với Đài Loan thông qua Đạo luật quan hệ Đài Loan vào năm 1979, nhằm bảo vệ lợi ích an ninh và thương mại của Hoa Kỳ ở Đài Loan.

Chính sách “một Trung Quốc” và Đạo luật quan hệ Đài Loan được duy trì từ đó dưới mọi chính quyền của Hoa Kỳ.

Việc tồn tại hiểu biết này đã duy trì được sự ổn định ở hai bờ eo biển Đài Loan, cho phép cả Đài Loan và Trung Quốc theo đuổi những sự chuyển đổi về chính trị và kinh tế - xã hội của họ trong một nền hòa bình tương đối.

Tuy nhiên, trong suốt quá trình đó, Trung Quốc luôn phản đối việc Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan, trong khi Hoa Kỳ vẫn đều đặn hàng năm cung cấp vũ khí cho Đài Loan theo thỏa thuận trong Đạo luật quan hệ Đài Loan 1997.

Chỉ tính trong khoảng 10 năm trở lại đây, Hoa Kỳ đã thực hiện các thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan có trị giá lên tới 23,7 tỷ USD - một con số không hề nhỏ.

Riêng trong năm 2017, Washington đã ký bản hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loan có trị giá 1,4 tỷ USD và nhiều khả năng sẽ có những bản hợp đồng lớn nữa trong tương lai, bởi hôm 29/12 vừa qua, bà Thái Anh Văn đã tuyên bố rằng “sẽ tiếp tục tăng ngân sách quốc phòng trong phạm vi hợp lý”. [2]

Ngoài ra, hôm 12/12, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ký phê chuẩn Đạo luật ủy quyền quốc phòng cho năm tài chính 2018, bất chấp những cảnh báo từ Bắc Kinh về một hành động quân sự để thống nhất Đài Loan nếu Hoa Kỳ và Đài Loan vượt qua “giới hạn đỏ”.

Theo Đạo luật ủy quyền quốc phòng vừa ký, Hoa Kỳ đã mở ra khả năng tái khởi động chương trình thăm viếng nhau giữa các chiếm hạm của quân đội Hoa Kỳ và Đài Loan - điều có thể khiến Trung Quốc mất kiên nhẫn.

Tóm lại, tình trạng căng thẳng giữa hai bờ eo biển Đài Loan nhiều khả năng sẽ tiếp tục bị đẩy lên cao trong thời gian tới, bởi ba lý do cơ bản nêu trên sẽ khó mà giải quyết được.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.washingtonpost.com/news/monkey-cage/wp/2017/01/02/yes-taiwan-wants-one-china-but-which-china-does-it-want/?utm-term=.3c91e50886ba

[2] http://www.scmp.com/news/china/policies-politics/article/2100657/us-approves-first-arms-sales-taiwan-under-trump-us14

PHẠM DOÃN TÌNH