Vì sao sáng kiến kinh nghiệm chiếm ưu thế trong xếp loại viên chức, xét thi đua?

01/06/2023 06:40
KIM OANH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một khi tiêu chí sáng kiến kinh nghiệm không còn được đề cao như trước đây nữa sẽ giúp cho việc xét thi đua, khen thưởng thuận lợi và công bằng hơn.

Có một nghịch lý vẫn đang tồn tại trong ngành giáo dục từ nhiều năm nay là khi đánh giá viên chức hay xếp loại giáo viên thì hiệu quả giảng dạy, công tác không được ưu tiên hàng đầu. Những phong trào, những công việc tưởng chừng như vu vơ khó minh chứng đôi khi lại giúp cho giáo viên được đánh giá cao và có được danh hiệu thi đua mà nhiều giáo viên mong muốn.

Chuyện giáo viên viết sáng kiến kinh nghiệm hằng năm vẫn luôn được nói đến trong mỗi lần xét thi đua cuối năm học cho viên chức ngành giáo dục bởi cho dù giáo viên có đạt được bao nhiêu thành tích trong giảng dạy mà không có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải cũng chỉ được đề nghị công nhận danh hiệu Lao động tiên tiến là cùng.

Sáng kiến kinh nghiệm luôn được đề cao trong xét thi đua (Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn)

Sáng kiến kinh nghiệm luôn được đề cao trong xét thi đua (Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn)

“Ít nhất 50% nhiệm vụ hoàn thành vượt mức” vẫn khá chung chung

Ngày 13/8/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/8/2020.

Tại Điều 12 quy định Tiêu chí xếp loại chất lượng viên chức ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ như sau:

“1. Viên chức không giữ chức vụ quản lý đạt được tất cả các tiêu chí sau đây thì xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ:

a) Thực hiện tốt các quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 3 Nghị định này;

b) Hoàn thành 100% nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả cao, trong đó ít nhất 50% nhiệm vụ hoàn thành vượt mức”.

Như vậy, so với Nghị 56 của Chính phủ trước đây, những viên chức khi được đánh giá là Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì không bắt buộc phải có sáng kiến kinh nghiệm nữa.

Tuy nhiên, chính vì Nghị định số 90/2020/NĐ-CP quy định: “Ít nhất 50% nhiệm vụ hoàn thành vượt mức” nhưng ngành 50% vượt mức ấy là như thế nào không được cụ thể hóa.

Vì thế, mỗi đơn vị sẽ có một hướng dẫn giao nhiệm vụ từ đầu năm học theo những công việc “vượt mức” khác nhau. Nhưng, tựu chung lại sẽ có tiêu chí, như: Tham gia các hội thi, cuộc thi đạt giải cấp huyện, cấp tỉnh đạt giải; Lập kế hoạch cá nhân, kế hoạch bài dạy; Hoàn thành hồ sơ sổ sách, các loại báo cáo đúng qui định ; Hoàn thành kế hoạch giáo dục theo đúng chương trình giáo dục, kế hoạch bài dạy; duy trì sĩ số; tỉ lệ học sinh giỏi, yếu kém; Soạn bài, chuẩn bị đồ dùng dạy học, kiểm tra đáng gia học sinh đúng qui định;

Nhập điểm, ghi học bạ đúng qui định; Lên lớp đúng giờ, không tùy tiện bỏ giờ, bỏ buổi; Tham gia các buổi lễ đầy đủ, các hoạt động do trường tổ chức; Học sinh lớp chủ nhiệm không bị kỉ luật; Chỉ tiêu về bảo hiểm y tế đạt 100%; Chỉ tiêu thu học phí đạt 100%; vận động xã hội hóa được nhiều...

Với những tiêu chí như vậy, giáo viên phải hoàn thành các nhiệm vụ và không sai sót, sớm về thời gian từ một nửa trở lên được xem là các nhiệm vụ đã vượt mức, được xét ở mức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Những giáo viên không chứng minh được những tiêu chí này vượt mức thì tự đánh giá và được xếp loại viên chức Hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thế nhưng, trong số những nhiệm vụ như vậy, chỉ có tỉ lệ học sinh giỏi, yếu kém, các khoản thu là minh chứng được cụ thể. Những cái còn lại không thực sự rõ ràng.

Những giáo viên gặp tổ trưởng dễ tính thì họ không ghi vào biên bản, không nêu ra trong cuộc họp mà chỉ nhắc nhở riêng nhưng nếu gặp tổ trưởng nguyên tắc thì mỗi lần báo cáo chậm họ ghi; nhập điểm chậm họ ghi; ghi sổ đầu bài sai sót họ ghi và báo cáo cho Ban giám hiệu.

Vì thế, tổng kết năm học sẽ thống kê lại, ai không bị vướng vào tiêu chí nào và có một số phong trào thi đua đạt thành tích sẽ đề nghị xét xuất sắc, ai vướng một vài tiêu chí thì xếp loại tốt. Hiệu quả giảng dạy tưởng chừng phải được xem trọng nhất nhưng lại cũng chỉ là 1 tiêu chí, 1 nhiệm vụ mà thôi.

Vì thế, việc xếp loại viên chức của giáo viên vẫn mang định tính nhiều hơn là định lượng và cũng mang tính hên xui.

Xét danh hiệu thi đua trông chờ vào sáng kiến kinh nghiệm

Về cơ bản, chỉ những giáo viên vi phạm, bị nhắc nhở nhiều lần, bị Ban giám hiệu lập biên bản, hoặc có đơn thư từ phía phụ huynh thì mới không được xét danh hiệu thi đua. Còn lại, gần như giáo viên, nhân viên trong trường đều được xét danh hiệu Lao động tiên tiến.

Trong số những viên chức đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, Hội đồng thi đua khen thưởng sẽ lựa chọn 15% đủ tiêu chí để xét và đề nghị cấp trên công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở và một số danh hiệu cao hơn, như: Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh (thành phố); Bằng khen của Bộ; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh…

Trong các danh hiệu kể trên, danh hiệu nào cũng cần phải có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải từ giải C cấp huyện trở lên. Trong đó, chỉ có danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở là dễ đạt hơn cả vì chỉ cần 1 lần sáng kiến kinh nghiệm đạt giải là đủ tiêu chí để xét và đề nghị. Các danh hiệu khác đòi hỏi phải nhiều lần đạt giải sáng kiến kinh nghiệm trong các năm mới có thể được xét.

Chính vì những danh hiệu này đòi hỏi phải có sáng kiến kinh nghiệm mới được xét nên giáo viên luôn mong chờ đề tài của mình gửi đi sẽ đạt giải nhằm hướng tới danh hiệu thi đua cuối năm. Có danh hiệu từ Chiến sĩ thi đua trở lên, số tiền thưởng sẽ cao hơn gấp nhiều lần Lao động tiên tiến.

Điều quan trọng là có danh hiệu Chiến sĩ thi đua trở lên thì mới được nhà trường xét nâng lương trước hạn. Đồng lương của giáo viên thấp nên mỗi lần tăng lương trước hạn dù là 6 tháng, 9 tháng thì cũng là một khoản đáng kể cho một bộ phận giáo viên hiện nay.

Chính vì vậy, nhiều giáo viên họ đã đầu tư theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Có người viết bằng trải nghiệm, kinh nghiệm của bản thân và cũng có người nhờ cậy các mối quan hệ khác nhau để xin xỏ đề tài từ các địa phương khác hoặc tạo mối quan hệ với người chấm sáng kiến kinh nghiệm.

Cuối năm, những giáo viên nào đạt giải sáng kiến kinh nghiệm đều mừng rỡ. Bởi đó là điều kiện cần và đủ để họ xét các danh hiệu thi đua cho cá nhân mình. Những viên chức không viết, hoặc viết sáng kiến kinh nghiệm mà không đạt giải thì tất nhiên chỉ xét ở danh hiệu Lao động tiên tiến mà thôi.

Một số thầy cô có học sinh giỏi cấp huyện cấp tỉnh; thi giáo viên giỏi; chủ nhiệm giỏi đạt giải, chất lượng giảng dạy đảm bảo, thậm chí vượt chỉ tiêu nhưng không có sáng kiến kinh nghiệm cũng phải ngậm ngùi đứng giáo viên chỉ cần làm cầm chừng nhưng có sáng kiến kinh nghiệm được giải cấp cơ sở (cấp huyện đối với giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở).

Nghịch lý này đã tồn tại suốt hàng chục năm qua khiến cho nhiều giáo viên tâm huyết với nghề đôi lúc nản chí vì công sức thực sự không được ghi nhận một cách xứng đáng.

Cũng vì thế, mà khi Quốc hội ban hành Luật số 06/2022/QH15 Luật Thi đua, Khen thưởng, có hiệu lực từ 01/01/2024 không còn đề cao sáng kiến kinh nghiệm khi xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở là điều mà người lao động, nhất là đội ngũ nhà giáo tâm đắc, vui mừng.

Một khi tiêu chí sáng kiến kinh nghiệm không còn được đề cao nữa sẽ giúp cho việc xét thi đua, khen thưởng thuận lợi và công bằng hơn.

Suy cho cùng, sáng kiến kinh nghiệm chũng chỉ là một đầu việc rất nhỏ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của giáo viên ở mỗi năm học. Có cũng được mà không có cũng chẳng sao vì điều cần nhất của người thầy là năng lực chuyên môn và phẩm chất để truyền thụ, giảng dạy cho học trò.

Vậy nhưng, hàng chục năm qua, sáng kiến kinh nghiệm vẫn đang “thống trị” khi xét thi đua các danh hiệu từ Chiến sẽ thi đua cơ sở trở lên. Có điều, đa phần những sáng kiến kinh nghiệm đã được các cấp chấm, công nhận giải không có giá trị thực tiễn và hiếm được áp dụng trong công việc hàng ngày.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

KIM OANH