Vì sao vay ngân hàng 6,9 tỷ đồng nhưng phải trả hơn 18 tỷ đồng?

06/01/2016 13:47
Hồng Minh
(GDVN) - Nếu tính cả số tiền đã trả, đến 22/12/2015 tổng cộng vợ chồng bà Long phải trả cho ngân hàng Nam Á hơn 18 tỷ đồng cho số nợ vay 6,9 tỷ đồng.

Chiều ngày 5/1, một phụ nữ trung niên mang quan tài đến đặt trước Ngân hàng TMCP Nam Á, chi nhánh Nha Trang để phản đối việc cưỡng chế kê biên khách sạn Long Thành do bà làm chủ. 

Trả lời báo chí, người phụ nữ này giới thiệu tên Đào Thị Long (49 tuổi), chủ khách sạn Long Thành ở đường Ngô Sĩ Liên, TP.Nha Trang.

Theo bà Long, trước năm 2010, vợ chồng bà vay của Ngân hàng TMCP Nam Á chi nhánh Nha Trang 6,9 tỉ đồng. Đến năm 2013, bà Long đã trả lãi hơn 4 tỉ đồng. Hiện, bà còn nợ lãi trong hạn 2,5 tỉ đồng. Do không trả đúng hạn nên ngân hàng phạt thêm khoản nợ quá hạn là 5,8 tỉ đồng.

Bà Long đưa quan tài đến trước Ngân hàng TMCP Nam Á chi nhánh Nha Trang (ảnh nguồn CAND)
Bà Long đưa quan tài đến trước Ngân hàng TMCP Nam Á chi nhánh Nha Trang (ảnh nguồn CAND)

Bà Long cho biết, trước đó bà thương lượng với ngân hàng để bán khách sạn Long Thành cho người khác với giá cao, nhưng ngân hàng không đồng ý. Ngân hàng đề nghị Cục Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa tiến hành kê biên khách sạn để thi hành án.

Liên quan đến việc bà Long mang quan tài đến đặt trước Ngân hàng TMCP Nam Á, trao đổi với báo Giáo Dục Việt Nam, ông Quang Nhựt Tiến - Giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á chi nhánh Nha Trang xác nhận có sự việc xảy ra.

Theo đó, năm 2008 và 2009, vợ chồng bà Long vay nợ Ngân hàng Nam Á chi nhánh Nha Trang tổng cộng 6,9 tỉ đồng.

Đến nay, vợ chồng bà mới trả cho ngân hàng 4 tỉ đồng tiền lãi và 200 triệu đồng tiền gốc. Tính đến 22/12/2015, cộng cả tiền gốc, tiền lãi và tiền phạt quá hạn, vợ chồng bà Long còn nợ ngân hàng Nam Á 14,68 tỉ đồng. 

Do vợ chồng bà Long không trả nợ nên năm 2012, Ngân hàng TMCP Nam Á chi nhánh Nha Trang kiện vợ chồng bà Long ra TAND Khánh Hòa.

Đến tháng 3/2012, TAND Khánh Hòa chấp nhận hòa giải hai bên và yêu cầu vợ chồng bà Long trong vòng 5 tháng phải trả đủ tiền gốc và lãi cho ngân hàng.

Tuy nhiên, quá thời hạn vợ chồng bà Long không trả nợ nên Cục thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa cho biết, ngày 7/1 sẽ tiến hành kê biên khách sạn Long Thành để thi hành án.

Về việc kê biên khách sạn Long Thành, ông Tiến khẳng định: Vụ việc bà Long không trả nợ trong thời gian kéo dài đã được TAND Khánh Hòa thụ lý do đó kê biên tài sản để thi hành án là hoạt động bình thường, nằm trong lộ trình xử lý của TAND Khánh Hòa cũng như Cục Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa.

Một chi tiết đang chú ý trong vụ việc này là số tiền phạt khoản nợ vay quá hạn của vợ chồng bà Long lên đến 5,8 tỉ đồng với bà Long, khoản phạt trên gần bằng số tiền nợ gốc ban đầu. Nếu tính cả số tiền đã trả thì đến 22/12/2015 vợ chồng bà Long phải trả ngân hàng hơn 18 tỷ đồng cho số nợ vay 6,9 tỷ đồng. 

Về khoản tiền phạt này, ông Tiến khẳng định ngân hàng Nam Á không làm sai. Số nợ của vợ chồng bà Long diễn ra trong thời gian dài, ngân hàng căn cứ vào các điều khoản của ngân hàng và căn cứ vào pháp luật để thực hiện. 

Trong khi đó, phân tích rõ hơn khoản phạt trên, trao đổi với báo Giáo Dục Việt Nam, cán bộ tín dụng một ngân hàng lớn (xin được giấu tên) cho biết, qua thông tin trên báo chí rõ ràng bà Long đã sai khi không trả nợ gốc và lãi trong khoảng thời gian dài.

Vụ việc đã có biên bản hòa giải, trong biên bản hòa giải nêu rõ 5 tháng bà Long phải trả tiền cho ngân hàng. Quá thời gian trên, quyết định thi hành án được thực hiện.

“Vấn đế đáng nói ở đây là việc định giá tài sản thế chấp, theo nguyên tắc phải ba bên gồm khách hàng, thi hành án và ngân hàng. Tuy nhiên do quá thời hạn, khách hàng không trả nợ nên thi hành án có quyền thực hiện định giá và kiểm kê tài sản”, cán bộ tín dụng này cho hay.

Ở góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế TS. Bùi Trinh cho rằng, cách định giá tài sản thế chấp hiện nay của ngân hàng không rõ ràng. Có vụ việc, tài sản thu hồi với giá thấp hơn giá trị thật tuy nhiên có vụ việc tài sản được định giá cao hơn so với thực tế dẫn đến bán tài sản không thu hồi được vốn, gây ra nợ xấu.

Riêng vụ việc xảy ra ở Ngân hàng Nam Á chi nhánh Nha Trang, theo PGS.TS Bùi Quang Bình - Chủ nhiệm khoa kinh tế, Trường đại học Kinh tế Đà Nẵng, để hiểu bản chất vụ việc cần làm rõ quy định cho vay tại Ngân hàng Nam Á và quan trọng hơn là Hợp đồng vay vốn giữa bà Long và ngân hàng.

Về nguyên tắc, nợ quá hạn ngân hàng không chỉ phạt phần nợ gốc chưa trả mà phạt trên chính phần lãi suất khách hàng chưa thanh toán. Điều này lý giải tại sao dù khoản vay chỉ ban đầu chỉ là 6,9 tỷ đồng nhưng phạt nợ quá hạn lên đến 5,8 tỷ đồng.

Được biết Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) được thành lập năm 1992. Tổng tài sản tính đến quý 3/2015 của NamABank là  32.759 tỷ đồng, dư nợ cho vay 19.269 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu khoảng 1,31%.

Trước đó có nhiều thông tin NamABank được sáp nhập với EximBank, Viet Capital Bank. Tuy nhiên sau 2 nghi án sáp nhập cho đến nay NamABank vẫn đang tự túc.

Hồng Minh