Vì sao xã hội dị ứng với giáo viên dạy thêm, còn bác sĩ làm thêm không ai soi?

13/11/2021 06:41
Thuận Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Chúng tôi trưởng thành, đỗ đạt, đi làm nhờ học thêm, nên học thêm là có tác dụng. Tại sao ngành y dược làm thêm mà giáo dục không được dạy thêm?"

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề dạy thêm học thêm, đại biểu Nguyễn Công Long đặt câu hỏi: “Chúng tôi trưởng thành, đỗ đạt, đi làm nhờ học thêm, nên học thêm là có tác dụng. Tại sao ngành y được làm thêm mà giáo dục không được dạy thêm?"

(Ảnh minh họa, nguồn: Báo Lao động)(Ảnh minh họa, nguồn: Báo Lao động)

Không riêng gì vị đại biểu của tỉnh Đồng Nai, hiện không ít thầy cô giáo vẫn thường hay thắc mắc vì sao lại cấm giáo viên dạy thêm trong khi nhiều ngành nghề khác vẫn có quyền làm thêm? Giáo viên dạy thêm cũng phải bỏ trí tuệ, mồ hôi công sức của mình ra. Bao năm học hành để tích lũy kiến thức, dạy thêm cũng là cách bán kiến thức một cách hợp lý.

Mọi sự lý giải đều có cái lý của nó, tuy nhiên nếu đi sâu vào vấn đề bác sĩ làm thêm và giáo viên dạy thêm sẽ có nhiều điều khác biệt. Vì những khác biệt này mà ngành giáo dục chưa thể quản lý việc dạy thêm học thêm hiện nay nên mới sinh ra việc cấm dạy thêm như thế.

Sự khác biệt giữa bác sĩ làm thêm và giáo viên dạy thêm

Bác sĩ làm ở bệnh viện công và mở thêm phòng mạch riêng để khám chữa bệnh. Trong thực tế, bác sĩ giỏi, có tiếng mới có bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh.

Bác sĩ không thể lấy quyền của mình để ép bệnh nhân phải tới phòng khám riêng. Bệnh nhân tìm đến phòng mạch của bác sĩ phần đông là vì tiếng tăm có y thuật cao, có lương tâm đạo đức nghề nghiệp.

Bác sĩ cũng không biết những bệnh nhân nào sẽ đến phòng mạch của mình. Cả bác sĩ và bệnh nhân hoàn toàn xa lại với nhau.

Giáo viên dạy thêm chỉ số ít thầy cô giáo giỏi có tiếng thì học sinh ở xa, ở trường khác, lớp khác mới tự tìm đến còn phần đa là các thầy cô giáo dạy chính học sinh của mình trên lớp.

Giáo viên giỏi có học sinh học thêm đã đành, giáo viên chưa giỏi, thậm chí bị học trò rỉ tai nhau thầy cô ấy dạy dở, dạy khó hiểu, "dạy buồn ngủ muốn chết"…nhưng lớp học thêm vẫn có khi đông nghèn nghẹt.

Học sinh học thêm cũng theo năm, theo mùa. Còn học thầy cô giáo ấy trên trường thì còn học thêm, năm sau học thầy cô giáo khác cũng hết học thêm.

Bác sĩ không có quyền ép bệnh nhân đến phòng mạch riêng nếu họ không muốn nhưng giáo viên thì khác, không ít thầy cô giáo đều có thể lấy quyền của mình để ép học sinh dù chính các em và phụ huynh đôi khi không muốn học.

Có những giáo viên đã dùng đủ mọi cách mà nhiều người quen gọi là “thủ thuật” để lôi kéo, giữ chân học sinh vào lớp học thêm như nhá đề, mớm đề kiểm tra, cho biết trước thời gian kiểm tra 15 phút, hay những học sinh đi học thêm thường được ưu ái hơn.

Có em không thuộc bài cũ cho khất, cho nợ, cho gỡ, những em không đi học thêm thì cứ thẳng tay cho điểm. Sự ưu ái, thiên vị được thể hiện rõ ràng ở những học sinh đi học thêm và những em không đi. Tóm lại, bác sĩ giỏi mới làm thêm được còn giáo viên dở vẫn có thể dạy thêm rất đông.

Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT cũng đã quy định rất rõ:

b) Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.

Tuy thế, chuyện này ở nhiều địa phương vẫn chưa thể quản lý dẫn đến nhiều phụ huynh bức xúc khi gặp tình trạng giáo viên gây sức ép cho học sinh để lôi kéo về lớp dạy thêm.

Kiến thức học khá nặng, không học thêm sẽ khó theo kịp, sẽ khó thi vào trường chất lượng cao

Đại biểu tỉnh tỉnh Đồng Nai cho biết: “Chúng tôi trưởng thành, đỗ đạt, đi làm nhờ học thêm, nên học thêm là có tác dụng...” và không đồng tình với cách quản lý theo tư duy "không quản được thì cấm" bởi nếu chỉ cấm thì chưa giải quyết được căn nguyên của vấn đề.

Là người trong nghề, chúng tôi khẳng định rằng, học sinh không đi học thêm sẽ khó theo kịp kiến thức. Đơn cử, học sinh vào lớp 1 năm học 2020-2021 của chúng tôi đã phải học 2 buổi trên trường nhưng đêm về vẫn phải đi học thêm nhưng có em vẫn nắm bài không kịp.

Các em ngoài học ngày, học đêm còn học cả Thứ Bảy, Chủ nhật. Đã có những gia đình vì dạy con học hoài không hiểu nên vợ chồng xích mích nhau.

Bên cạnh đó, một số học sinh khác vốn chậm hiểu nên ngoài thời gian học ở trường các em vẫn phải đi học thêm để giáo viên kèm cặp mới có thể cải thiện lực học.

Người viết đã có không ít học trò cũ nói rằng nếu chỉ học trên trường sẽ không thể thi vào trường đại học y, dược, không thể vào được trường công an, bách khoa khi điểm chuẩn luôn lấy cao chót vót. Học kiến thức trong sách giáo khoa chỉ đảm bảo 50% còn kiến thức chuyên sâu phải học bên ngoài mới có được.

Ngoài ra, những học sinh thi vào trường chuyên lớp chọn, trường điểm chất lượng cao cũng cần luyện rèn ở lớp học thêm.

Có thể nói, nhu cầu học thêm của học sinh khá lớn, cũng nhờ học thêm mà chất lượng học tập được nâng cao. Vì thế, vai trò dạy thêm học thêm theo nhu cầu là không thể phủ nhận.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng nếu dạy thêm ngoài giờ, ngoài nhà trường mà đáp ứng các nhu cầu bổ sung kiến thức cho học sinh thì không thể cấm. Còn bớt nội dung dạy chính thức để dạy thêm ngoài giờ mới là điều đáng lưu ý.

Vấn đề cần làm không phải ban hành điều luật cấm cũng không phải đi rình bắt giáo viên dạy thêm để lập biên bản, răn đe, nêu tên trong ngành như một số địa phương đã làm mà là đưa dạy thêm vào quy cũ.

Giáo viên vẫn có quyền được dạy thêm sau những giờ dạy chính khóa tại trường để vừa đáp ứng nhu cầu của người học cũng như tạo cơ hội cho giáo viên giỏi được mang kiến thức của mình giúp học sinh cũng như giúp chính mình, quan trọng nhất là công cụ nào để quản lý, không để giáo viên lùa học sinh chính khóa đến lớp học thêm, nói cách khác là lấy gì để đảm bảo dạy thêm - học thêm phải trên tinh thần tự nguyện, theo nhu cầu của người học.

Tài liệu tham khảo:

https://nld.com.vn/thoi-su/dua-day-them-vao-nghe-kinh-doanh-co-dieu-kien-20211111223406774.htm

Thuận Phương