Vietjet chính thức lên sàn chứng khoán TP.Hồ Chí Minh

28/02/2017 15:33
Mai Anh
(GDVN) - Sở Giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HOSE) vừa công bố và trao quyết định niêm yết cổ phiếu VJC của Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet.

Chính thức lên sàn

Sáng ngày 28/2/2017, Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) công bố và trao quyết định niêm yết, chào mừng ngày giao dịch đầu tiên cổ phiếu VJC của Công ty cổ phần Hàng không Vietjet

Tham dự và chứng kiến lễ đánh cồng phiên giao dịch đầu tiên có Nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, ông Trần Vĩnh Tuyến – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Vũ Bằng – Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước và đông đảo quan khách quốc tế.

Tham dự và chứng kiến lễ đánh cồng phiên giao dịch đầu tiên của Vietjet có các đồng chí nguyên lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo TP.HCM, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán nhà nước - ảnh trong bài nguồn Vietjet.
Tham dự và chứng kiến lễ đánh cồng phiên giao dịch đầu tiên của Vietjet có các đồng chí nguyên lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo TP.HCM, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán nhà nước - ảnh trong bài nguồn Vietjet.

Vietjet là hãng hàng không tư nhân đầu tiên niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM. Với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng và mức giá chào sàn 90.000 đồng/cổ phiếu, vốn hóa của Vietjet đạt 27.000 tỷ đồng, tương đương 1,2 tỷ USD, chiếm khoảng 1,5% vốn hoá của HOSE (1,63 triệu tỷ đồng tính tới 15/2/2017), Vietjet nằm trong danh sách VN 30 - doanh nghiệp lớn nhất sàn HOSE.

Với việc niêm yết trên HOSE, VJC góp phần nâng cao mức vốn hoá của thị trường và mang đến cơ hội tiềm năng cho nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài.

Vietjet là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên giới thiệu cổ phiếu ra công chúng theo chuẩn mực và quy trình quốc tế (Reg S). Các tổ chức tư vấn nước ngoài là JP Morgan, BNP Paribas, Deutsche Bank.

24 tổ chức quốc tế đã tham gia đặt mua cổ phiếu Vietjet, trong đó có nhiều quỹ đầu tư lớn như GIC, Wellington, Morgan Stanley, Dragon Capital, Vina Capital…

Theo thống kê, năm 2016, thị trường vận tải hàng không tăng trưởng 29% và tỷ lệ hành khách sử dụng đường hàng không tăng từ 0,5% năm 2012 lên 0,8% năm 2016.

Vietjet là hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Viet Nam và nằm trong số ít các hãng trên thế giới có lãi ngay từ năm thứ 2 hoạt động.

Kết thúc năm 2016, Vietjet đạt doanh thu 27.532 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 2.394 tỷ đồng, EPS đạt 8.762 đồng/cổ phiếu ”.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet phát biểu tại lễ đánh cồng phiên giao dịch đầu tiên của Vietjet.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet phát biểu tại lễ đánh cồng phiên giao dịch đầu tiên của Vietjet.

Phát biểu tại lễ đánh cồng phiên giao dịch đầu tiên, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet khẳng định: “Tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao và liên tục, chúng tôi tin tưởng rằng có một tương lai tốt đẹp trên không cho hành khách của mình, cho công ty và cho các nhà đầu tư.

Vietjet hướng tới trở thành hãng hàng không có chất lượng và hiệu quả quản trị công ty niêm yết theo những chuẩn mực tốt nhất tại Việt Nam và trên thế giới.

Bên cạnh việc mang lại những giá trị mới mẻ cho hành khách, chúng tôi mong muốn mang lại những giá trị mới cho nhà đầu tư của mình và cho thị trường vốn Việt Nam và quốc tế”.

Sức hút với nhà đầu tư

Vietjet thành lập vào năm 2007 và chính thức khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên vào tháng 12 năm 2011. Hãng đã trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) với Chứng nhận An toàn khai thác IOSA, hoạt động khai thác của Vietjet đạt chỉ số tin cậy, chỉ số an toàn ở mức cao so với các hãng hàng không trên thế giới.

Trong bản cáo bạch mà Vietjet vừa công bố, có sự xuất hiện của Quỹ đầu tư GIC của Chính phủ Singapore với tỷ lệ cổ phiếu năm giữ 5,5%, và nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác với tỷ lệ sở hữu 15% vốn điều lệ của Vietjet.

Ngoài ra còn có tỷ lệ sở hữu 3,9% của Quỹ VEIL thuộc Dragon Capital.

Việc tham gia của các đối tác nước ngoài trong cơ cấu cổ đông của Vietjet trước khi chào sàn HOSE mang đến lợi thế lớn cả về thương hiệu và tài chính cho hãng hàng không đang trên đà tăng trưởng này.

Tăng trưởng và kết quả kinh doanh các năm tạo sức hút cho cổ phiếu Vietjet.
Tăng trưởng và kết quả kinh doanh các năm tạo sức hút cho cổ phiếu Vietjet.

Hiệu quả hoạt động của Vietjet dẫn đầu trong 4 hãng hàng không đang hoạt động tại Việt Nam và trong nhóm doanh nghiệp dẫn đầu thị trường.

Riêng năm 2016, hãng đã thực hiện 84.535 chuyến bay an toàn với 121.213 giờ bay, tỷ lệ chuyến bay đúng giờ đạt 83,6%.

Độ tin cậy kỹ thuật của VietJet đạt 99,56%, thuộc nhóm cao nhất của đội máy bay A320/321 trong khu vực.

Doanh thu 2016 của Vietjet đạt 27.532 tỷ đồng, tăng 38,7% so với năm 2015. Trong đó, riêng doanh thu về vận chuyển hàng không đạt 15.523 tỷ đồng năm 2016.

Hệ số sử dụng ghế ở mức độ cao bình quân cả năm 2016 cũng ở mức cao nhất thị trường là 88% mỗi chuyến bay.

Vietjet chính thức lên sàn chứng khoán TP.Hồ Chí Minh ảnh 4

Vietjet được chấp thuận lên sàn chứng khoán HOSE

Vietjet chính thức lên sàn chứng khoán TP.Hồ Chí Minh ảnh 5

Nữ doanh nhân giúp hàng triệu người Việt có cơ hội đi máy bay

Về lợi nhận, năm 2016 Vietjet đạt 2.394 tỷ đồng, tăng trưởng 96,5% so với 2015, giúp tỷ lệ thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) lên tới 8.726, mức giá chào sàn dự kiến là 90.000 đồng/CP là phù hợp.

Đây là một lựa chọn khôn ngoan bởi trên thực tế, trong phiên giao dịch đầu tiên khi niêm yết, với biên độ dao động giá +/-20%, thì mức giá trần của cổ phiếu Vietjet có thể lên tới 108.000 đồng/CP.

Đây là mức giá hoàn toàn có thể đạt được vì thị trường chứng khoán Việt Nam đang khá sôi động với VN-Index đã vượt trên ngưỡng 700 điểm, mức cao nhất từ năm 2008 và quan trọng hơn cổ phiếu Vietjet được xếp vào nhóm “tiết cung” với lượng có thể bán khá thấp bởi tỷ trọng lớn cổ phiếu đang nằm trong nhóm cổ đông lớn và sẽ không được bán ra.

Tuy nhiên, yếu tố cung cầu cổ phiếu chỉ là một phần, điều khiến Vietjet được “săn” trên thị trường OTC suốt mấy tháng vừa qua là tiềm năng tăng trưởng của hãng hàng không thế hệ mới này trong tương lai.

Trong 5 năm hoạt động vừa qua, Vietjet đã vận chuyển trên 35 triệu lượt hành khách, được vinh danh với 32 giải thưởng trong nước và 9 giải thưởng quốc tế lớn.

Bên cạnh vị trí “Top 500 thương hiệu hàng đầu châu Á 2016”, Vietjet cũng được bình chọn là “Hãng hàng không giá rẻ tốt nhất châu Á 2015” do TTG Travel Awards bình chọn, cũng như giải thưởng “Hãng hàng không được yêu thích nhất tại Việt Nam”.

Vietjet liên tục trong nhiều năm được bình chọn là “Nơi làm việc tốt nhất” và “Thương hiệu tuyển dụng tốt nhất châu Á”.

Ngoài các giải thưởng và ghi nhận của thị trường trong và ngoài nước, Vietjet được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua vì những đóng góp xuất sắc cho sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam.

Hiện tại, Vietjet đang khai thác 45 tàu bay A320 và A321, thực hiện trên 300 chuyến bay mỗi ngày với 63 đường bay phủ khắp các điểm đến tại Việt Nam và các đường bay quốc tế đến Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Campuchia…

Hãng có kế hoạch phát triển mạng bay rộng khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đang nghiên cứu tiếp tục mở rộng các đường bay trong khu vực và đã ký kết hợp đồng mua sắm tàu bay thế hệ mới, hiện đại với các nhà sản xuất máy bay uy tín trên thế giới.

Vietjet đã ký kết các đơn đặt hàng 119 máy bay Airbus dòng A320/321 và 100 máy bay Boeing 737 MAX. 

Vietjet đang xây dựng Trung tâm Công nghệ Hàng không (thuộc Dự án Học viện Hàng không Vietjet) trở thành cơ sở nghiên cứu và đào tạo chuyên ngành hàng không tiêu chuẩn quốc tế để chủ động về nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành hàng không.

Mai Anh