Vinamilk kiến nghị Chính phủ sớm thoái vốn khỏi doanh nghiệp

04/11/2015 11:00
Mai Anh
(GDVN) - Vinamilk kiến nghị Chính phủ cần sớm công bố lộ trình thoái vốn Nhà nước tại Vinamilk.

Theo nguồn tin của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 21/10 vừa qua, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) chính thức gửi đến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Ủy ban Kinh tế Quốc hội bản đề xuất phương án bán phần vốn Nhà nước tại Vinamilk.

Vinamilk đưa ra bản đề xuất trên trong bối cảnh Chính phủ chủ trương thoái hết vốn khỏi một loạt doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, hiện lộ trình thoái vốn chưa được Tổng công ty Đầu tư & Kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC công bố.

Theo đó, bản đề xuất của Vinamilk gồm 4 nội dung: Thứ nhất, Vinamilk khẳng định đây là thời điểm thuận lợi để thoái vốn Nhà nước.

Minh chứng điều này Vinamilk cho biết môi trường dầu tư Việt Nam đang hấp dẫn do tình hình kinh tế vĩ mô đang được cải thiện. 

Bên cạnh đó, tín hiệu cải cách và đổi mới doanh nghiệp của Chính phủ được khẳng định mạnh mẽ trong thời gian gần đây thu hút sự quan tâm chú ý của cộng đồng nhà đầu tư quốc tế, nhất là trong bối cảnh Việt Nam vừa kết thúc đàm phát để trở thành thành viên chính thức của Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Vinamilk kiến nghị Chính phủ sớm thoái vốn khỏi doanh nghiệp ảnh 2

Chuyên gia Bùi Kiến Thành: Thoái vốn Nhà nước, sợ nhất là bán rẻ cho con cháu

Vinamilk kiến nghị Chính phủ sớm thoái vốn khỏi doanh nghiệp ảnh 3

SCIC thoái vốn, nên để Vinamilk “chọn mặt gửi vàng”

Mặt khác, thị trường chứng khoán Việt Nam đang tăng trưởng tốt, trong khi giá cổ phiếu vẫn rẻ hơn giá cổ phiếu khu vực.

Cùng với đó, kết quả kinh doanh của Vinamilk năm nay dự kiến cao hơn nhiều năm 2014. Chỉ tính riêng lợi nhuận sau thuế trong 9 tháng đầu năm của Vinamilk đã xấp xỉ bằng lợi nhuận sau thuế của Vinamilk trong cả năm 2014.

Trước thuận lợi trên, để nhà đầu tư có sự chuẩn bị tốt, Vinamilk kiến nghị Chính phủ cần sớm công bố lộ trình thoái vốn Nhà nước tại Vinamilk. 

Vinamilk đề xuất chỉ nên chia số lượng cổ phần Nhà nước không quá 3 lần thoái vốn, mỗi đợt tối thiểu 10% vốn điều lệ của Vinamilk. Như vậy sẽ thu hút được những tổ chức lớn có năng lực tài chính thay vì chia nhỏ bán cổ phần nhiều đợt.

Về dài hạn việc bán cổ phần lô lớn có lợi hơn cho hoạt động của doanh nghiệp.

Vì nhà đầu tư khi tham gia với số vốn lớn cũng sẽ nhìn và đánh giá hướng phát triển doanh nghiệp trong thời gian dài thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp phát triển. Điều này phù hợp với mục tiêu phát triển doanh nghiệp, giúp Vinamilk ngày càng phát triển và đóng góp nhiều hơn vào việc phát triển kinh tế đất nước và ngân sách nhà nước.

Vinamilk cũng đề nghị lộ trình đấu giá cần công bô rộng rãi, rõ ràng để giúp nhà đầu tư có phương án tham gia.

Thứ hai, Vinamilk kiến nghị Chính phủ cho phép nâng giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 100%. Vinamilk cho rằng ngành sữa không phải ngành nghề nhạy cảm, ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Việc nâng giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với xu hướng hội nhập.

Vinamilk khẳng định việc nhà đầu tư ngoại được nâng giới hạn sở hữu không đồng nghĩa với việc “xóa số” thương hiệu Việt. Bởi theo quá trình phát triển doanh nghiệp mở rộng cổ đông là điều bình thường. 

Thứ ba phương án thoái vốn, Vinamilk kiến nghị Chính phủ phương án đấu giá đảm bảo công khai minh bạch không gây biến động thị trường. 

Việc chọn phương án đấu giá công khai cho phép xác định giá khởi điểm theo đúng giá trị thực của Vinamilk. Giá trị cổ phiếu Vinamilk đang được các tổ chức tài chính định giá giao động từ 120.00 đồng – 150.000 đồng/cổ phiếu. 

Với tiềm lực Vinamilk hiện tại không nhất thiết phải có nhà đầu tư chiến lược. Bởi Vinamilk là công ty niêm yết, hệ thống quản trị tốt, vốn có thể huy động dễ dàng thông qua thị trường chứng khoán.

Để đảm bảo việc đấu giá minh bạch, Vinamilk kiến nghị cần thuê một tổ chức tài chính quốc tế chuyên nghiệp để tư vấn đấu giá. Đơn vị tư vấn sẽ có trách nhiệm xác định giá thời điểm, xây dựng tiêu chí chọn nhà đầu tư, tổ chức các hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư vào Vinamilk… Cuối cùng đảm bảo kết quả đấu giá khách quan, thành công.

Nội dung cuối cùng trong đề xuất gửi lên Chính phủ và Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vinamilk đưa ra kiến nghị tiêu chí chọn nhà đầu tư. 

Theo đó, Vinamilk cho rằng mục tiêu thoái vốn để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Vì vậy tiêu chí chọn nhà đầu tư phải phù hợp với triết lý kinh doanh của Vinamilk đang theo đuổi, cùng hướng đến lợi ích của cổ đông và người lao động từ đó đóng góp nhiều hơn cho xã hội, cho ngân sách nhà nước.

Nhà đầu tư (cổ đông tương lai) cần tin tưởng vào Hội đồng quản trị, tin tưởng vào định hướng phát triển của Vinamilk. Để đảm bảo điều này Vinamilk kiến nghị đơn vị tư vấn đấu giá cần trao đổi tiêu chí chọn nhà đầu tư với Vinamilk.

F&N bác tin mua 4 tỷ USD cổ phần Vinamilk 

Tờ Straits Times ngày 3/11 đưa tin cho biết, Fraser and Neave (F&N) đã bác bỏ các báo cáo cho rằng hãng đã chào mua 4 tỷ USD cổ phần của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).

Trong một tuyên bố ban hành ngày 3/11, F&N cho biết hãng không gửi lời chào mua 45,1% cổ phần của Vinamilk tới công ty này hoặc Tổng công ty kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

Hiện tại, F&N nắm giữ khoảng 11,4% cổ phần của Vinamilk và là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của công ty sản xuất các sản phẩm từ sữa hàng đầu Việt Nam với giá trị khoảng 550 triệu USD. 

F&N thông qua công ty con là F&N Dairy Investment ban đầu sở hữu 11,04% cổ phần của Vinamilk. Năm ngoái F & N đã chi 100 triệu USD để mua thêm, nâng tỷ lệ cổ phiếu nắm giữ ở Vinamilk lên mức hiện tại.

Các cổ đông nước ngoài còn lại của Vinamilk là Templeton và JP Morgan Singapore.

Trước đó, ngày 2/11, một số nguồn tin trong nước cho biết F&N đã đánh tiếng mua lại toàn bộ 45,1% cổ phần của Vinamilk mà SCIC buộc phải thoái hết. 

Mức giá mà công ty bất động sản và đồ uống của Singapore đưa ra được đồn đoán lên tới 4 tỷ USD, cao gần gấp rưỡi thị giá hiện tại của cổ phiếu Vinamilk.

Thông tin về việc F&N mua lại cổ phần Nhà nước tại Vinamilk đã khiến giá cổ phiếu của công ty sữa hàng đầu Việt Nam tăng hơn 5% trong phiên giao dịch ngày 3/11, đạt 123.000 tỷ đồng. Đây là mức giá kỷ lục của cổ phiếu này sau hơn 9 năm niêm yết.

F&N là tập đoàn bất động sản và đồ uống hàng đầu ở Singapore. Sự quan tâm của F&N đối với thị trường đồ uống Việt Nam được tin là là không hề nhỏ.

Ngoài Vinamilk, F&N còn gián tiếp đầu tư vào Nhà máy bia Việt Nam. ThaiBev, tập đoàn của Thái Lan đã giành được quyền kiểm soát F&N, theo tờ Wall Street Journal, đã từng muốn mua lại một lượng lớn cổ phiếu do Nhà nước nắm giữ tại Tổng công ty rượu, bia, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). 

Mai Anh