Vụ GV mầm non ở Thanh Hóa: Phản ánh của Tạp chí là có cơ sở, GV được ký tiếp

20/07/2022 09:31
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo kết quả kiểm tra, rà soát nội dung Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, các giáo viên đã được giải quyết quyền lợi chính đáng

Ngày 19/7, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã có văn bản số 1888/BC-SGDĐT gửi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về nội dung tòa soạn đã phản ánh trong bài viết : “Thanh Hóa: Giáo viên mầm non rơi cảnh ‘tiến thoái lưỡng nan’, mòn mỏi chờ ký hợp đồng”.

Lỗi tại các trường…chưa giải thích kịp thời

Văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa nhấn mạnh, phản ánh của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam là có cơ sở.

Theo kết quả kiểm tra, xác minh nội dung mà Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa nêu: ngày 31/5/2021, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã có công văn số 7419/UBND-THKH về việc hợp đồng lao động làm giáo viên mầm non của Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa; ngày 17/6/2021, Sở Nội vụ Thanh Hóa cũng đã có công văn số 1470/SNV-TCBC hướng dẫn hợp đồng lao động giáo viên mầm non của Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa.

Sau khi có những văn bản trên, Ủy ban nhân dân thành phố đã thực hiện xét duyệt hồ sơ của 79 người và đề nghị các Hiệu trưởng trường mầm non ký hợp đồng lao động làm giáo viên mầm non theo Nghị Quyết 102/NQ-CP, thời hạn hợp đồng đến 31/12/2021.

Ngày 14/12/2021, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa đã có Công văn số 7423/UBND-NV về việc xin ý kiến tiếp tục thực hiện ký hợp đồng giáo viên mầm non theo Nghị quyết 102/NQ-CP ngày 03/7/2020 của Chính phủ; ngày 14/3/2022 Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa tiếp tục có Công văn số 1253/UBND-NV về việc xin ý kiến tiếp tục thực hiện ký hợp đồng giáo viên mầm non theo Nghị quyết 102/NQ-CP ngày 03/7/2020 của Chính phủ.

Ngày 16/3/2022, Sở Nội vụ ban hành Công văn số 477/SNV-TCBC về việc phúc đáp Công văn số 1253/UBND-NV ngày 14/3/2022 của UBND thành phố Thanh Hóa, trong đó nêu rõ: "Sau khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có ý kiến chỉ đạo thực hiện, Sở Nội vụ sẽ hướng dẫn Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết đối với số lao động hợp đồng làm giáo viên mầm non theo Nghị quyết 102/NQ-CP của Chính phủ".

Các giáo viên mầm non ở Thanh Hóa sẽ được tiếp tục ký hợp đồng lao động và giải quyết quyền lợi. Ảnh minh họa: LC

Các giáo viên mầm non ở Thanh Hóa sẽ được tiếp tục ký hợp đồng lao động và giải quyết quyền lợi. Ảnh minh họa: LC

Ngày 31/5/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa có Công văn số 7667/UBND- THKH về việc giải quyết hợp đồng làm giáo viên tiếng Anh, giáo viên mầm non theo Nghị định số 06/2018/NĐ-CP của Chính phủ; ngày 03/6/2022 Sở Nội vụ có Công văn số 1151/SNV-TCBC về việc hướng dẫn giải quyết HĐLĐ làm giáo viên tiếng Anh, giáo viên mầm non theo Nghị định 06/2018/NĐ-CP và Nghị quyết 102/NQ-CP của Chính phủ.

Trong đó, Mục 1, 2 Công văn số 1151/SNV- TCBC ngày 03/6/2022 nêu rõ: "1. Tiếp tục thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tại Mục 3 Công văn số 5338/UBND-THKH ngày 19/4/2022 để tuyển dụng hết chỉ tiêu biên chế được giao, trong đó ưu tiên tuyển trước số lao động hợp đồng làm giáo viên tiếng Anh, giáo viên mầm non theo Nghị định số 06/2018/NĐ-CP của Chính phủ đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa giao tại Quyết định số 4675/QĐ-UBND ngày 23/11/2018 còn lại chưa được tuyển dụng, sau đó mới tuyển đến thí sinh tự do;

Đối với các trường hợp đã tuyển đủ chỉ tiêu biên chế được giao mà vẫn còn số lượng lao động hợp đồng theo Nghị định 06/2018/NĐ-CP và Nghị quyết số 102/NQCP của Chính phủ: Đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chủ động phương án giải quyết, xử lý đối với số lượng Lao động hợp đồng theo Nghị định 06/2018/NĐ-CP và Nghị quyết số 102/NQCP của Chính phủ còn lại".

Cũng theo văn bản báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, hiện nay do số giáo viên mầm non trong biên chế của thành phố Thanh Hóa cao hơn 01 người so với biên chế được tỉnh giao năm 2022 (do năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh giao biên chế mầm non thấp hơn 53 người so với năm 2021), nên trước mắt thành phố không tổ chức tuyển dụng giáo viên mầm non đối với số hợp đồng lao động theo Nghị định 06/2018/NĐ-CP và Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ.

Với những lý do trên, từ ngày 01/01/2022 đến ngày 01/6/2022, trong thời gian chờ ý kiến của Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Nội vụ cho phép Thành phố Thanh Hóa tiếp tục ký hợp đồng lao động đối với số giáo viên mầm non Nghị quyết 102/NQ-CP của Chính phủ, Hiệu trưởng các trường mầm non chưa giải thích kịp thời và còn lúng túng trong việc ký hợp đồng lao động đối với số giáo viên mầm non nói trên.

Trong suốt thời gian chờ từ ngày 01/01/2022 đến ngày 01/6/2022, các cô giáo mầm non được tuyển theo diện đồng lao động theo Nghị định 06/2018/NĐ-CP và Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ đã không nhận được lời giải thích thỏa đáng từ Hiệu trưởng các trường, đồng thời cũng không có lương, chính vì vậy các cô đã tâm tư và phản ánh tới Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa khẳng định, nội dung Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh: “Thanh Hóa: Giáo viên mầm non rơi cảnh ‘tiến thoái lưỡng nan’, mòn mỏi chờ ký hợp đồng” của tác giả T.Phương – Q.Toản” là có cơ sở.

Ký hợp đồng với giáo viên từ ngày 1/1/2022 đến ngày 31/12/2022

Theo văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, tại Thanh Hóa, từ ngày 31/12/2021, toàn tỉnh Thanh Hóa có 473 lao động theo quy định phải chấm dứt hợp đồng lao động, đòi hỏi phải có hướng giải quyết để đảm bảo quyền lợi và chế độ chính sách cho đội ngũ giáo viên hợp đồng lao động.

Văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho thấy, ngành Giáo dục Thanh Hóa đã có phương án giải quyết cho số giáo viên lao động hợp đồng này.

Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã đồng ý với đề xuất của Sở Nội vụ về phương án giải quyết đối với 473 lao động hợp đồng làm giáo viên Tiếng Anh, giáo viên mầm non.

Cụ thể, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã có ý kiến:

1) Đồng ý để UBND thành phố Thanh Hóa tiếp tục được thực hiện hợp đồng lao động theo Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ đối với 65 hợp đồng lao động làm giáo viên mầm non còn lại, thời hạn hợp đồng lao động kể từ ngày 01/01/2022 đến 31/12/2022.

2) Đối với 22 Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, gồm: Quan Hóa, Lang Chánh, Thường Xuân, Hoằng Hóa, Như Xuân, Như Thanh, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thạch Thành, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Nông Cống, Yên Định, Thiệu Hóa, Hà Trung, Hậu Lộc, Quảng Xương, thị xã Nghi Sơn, thị xã Bỉm Sơn, thành phố Sầm Sơn, Thành phố Thanh Hóa: Được chuyển 408 lao động hợp đồng làm giáo viên Tiếng Anh, giáo viên mầm non theo Nghị định số 06/2018/NĐ-CP của Chính phủ sang thực hiện hợp đồng lao động theo Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ (dưới 12 tháng). Thời hạn hợp đồng lao động làm giáo viên kể từ ngày 01/01/2022 đến ngày 31/12/2022.

3) Giao Sở Tài chính tham mưu, bố trí kinh phí để chi trả cho số lượng lao động hợp đồng làm giáo viên Tiếng Anh, giáo viên mầm non theo Nghị quyết số 102/NQ- CP của Chính phủ đảm bảo theo quy định.

Ngày 11/7/2022 Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa đã ban hành Công văn số 3903/UBND- NV về việc phương án giải quyết hợp đồng lao động đối với giáo viên mầm non theo Nghị định 06/2018/NĐ-CP và Nghị quyết 102/NQ-CP, theo đó:

"Ủy ban nhân dân thành phố giao Hiệu trưởng nhà trường, căn cứ việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn từng tháng để chủ động bố trí nhân lực đảm bảo có đủ giáo viên thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, có thể hợp đồng có thời hạn đối với số giáo viên mầm non hợp đồng theo Nghị quyết 102/NQ-CP mà thành phố đã thống nhất hợp đồng năm 2021; kinh phí thực hiện: Giao phòng Tài chính - Kế hoạch tham mưu kinh phí cụ thể đối với từng trường để thực hiện hỗ trợ theo hướng: Ủy ban nhân dân thành phố hỗ trợ một phần kinh phí; kinh phí còn lại do Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp tự cân đối chi trả từ các nguồn thu hợp pháp của đơn vị, đảm bảo mức thu nhập cho người lao động không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng".

Theo văn bản trả lời của Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, đến nay, số giáo viên mầm non có nguyện vọng tiếp tục công tác đã ký hợp đồng lao động và chi trả tiền lương theo quy định; đội ngũ giáo viên ổn định, yên tâm công tác trong các nhà trường.

Hiện nay tỉnh Thanh Hóa, số lượng giáo viên trong biên chế còn thiếu nhiều (hơn 6.000) so với nhu cầu biên chế tính theo định mức quy định của tỉnh và thiếu rất nhiều (hơn 10.000) so với quy định của các Bộ/ngành.

Nhu cầu hợp đồng lao động làm giáo viên tại các cơ sở giáo dục là lớn, trong khi ngân sách địa phương chi cho sự nghiệp giáo dục để thực hiện hợp đồng lao động còn hạn chế.

Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục chỉ đạo các sở/ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố trong việc khắc phục khó khăn, dành mọi nguồn lực phục vụ sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà.

Trần Phương