Vụ mầm non Việt-Bun không nhận trẻ: Lý do gì cũng không thể cao hơn quyền trẻ em

31/08/2022 06:32
Nguyễn Nhất
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Khi dư luận, báo chí phản ánh về vụ Trường mầm non Việt - Bun từ chối nhận trẻ, Sở Lao động và Sở Giáo dục cần vào cuộc để bảo vệ quyền trẻ em".

Liên quan đến vụ việc Ai cho Hiệu trưởng mầm non Việt-Bun từ chối quyền học được hiến định của trẻ?, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hai Bà Trưng, bà Nguyễn Thị Thu Hiền chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận Hai Bà Trưng từ chối trả lời phóng viên bởi không đúng "Tôn chỉ mục đích".

Theo đó, con anh T. là bé N.H. P. A. sinh tháng 4 năm 2020. Bé có hộ khẩu tại Đồng Nhân, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng. Theo đúng quy định, gia đình anh làm thủ tục để con được theo học đúng tuyến tại Trường Mầm non chất lượng cao Việt - Bun. Gia đình có đưa cháu đến trường một lần, các cô quan sát và theo lời cô Chi, Hiệu trưởng nhà trường là: "Con em chậm hơn các bạn thì mọi hoạt động sẽ không bắt nhịp được với các bạn. Các cô phải dừng lại để hỗ trợ con em sẽ ảnh hưởng đến các bạn khác, lâu dần con em sẽ rơi vào trạng thái cô lập".

Đến 20/7, nhà trường công bố danh sách trúng tuyển thì không có tên bé P.A. Đến ngày 1/8, các cháu được nhận đã nhập học. Đến ngày 23/8, bà ngoại của cháu có đến trường thì cô Chi, Hiệu trưởng có bảo bà ký vào giấy xin tự nguyện rút hồ sơ. Như vậy, sau gần 1 tháng các cháu đã nhập học gia đình anh T. mới đến lấy hồ sơ chứ không phải rút hồ sơ trong quá trình xét duyệt.

Ngay sau khi bài báo đăng tải, rất nhiều ý kiến của độc giả gọi điện đến đường dây nóng và gửi mail về Tòa soạn bày tỏ bức xúc liên quan đến vụ việc.

Để có thêm góc nhìn liên quan đến quyền của trẻ em trong vụ việc này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có trao đổi với bà Phạm Thị Minh Hiền (Đại biểu Quốc hội khóa XIV), một người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh liên quan đến công tác xã hội và quyền trẻ em.

Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận Hai Bà Trưng có trách nhiệm như thế nào trong vụ việc này?

Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận Hai Bà Trưng có trách nhiệm như thế nào trong vụ việc này?

Quyền trẻ em là cao nhất

Theo bà Phạm Thị Minh Hiền, trong hai năm diễn ra đại dịch Covid-19, trẻ nhỏ là đối tượng chịu thiệt thòi nhất khi không được đến lớp và giao tiếp với môi trường xung quanh. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất lẫn trí tuệ của trẻ. Bởi vậy, khi đại dịch đi qua, trẻ có quyền được đến trường để tiếp cận các hình thức học tập giúp trẻ phát triển.

Thời gian gần đây, có nhiều vấn đề giáo dục gây chú ý như thiếu giáo viên mầm non, trường mầm non "quá tải" phụ huynh bốc thăm để được học ở trường công...

Trong khi đó, cơ quan chức năng địa phương nơi xảy ra vụ việc không nhận bé P.A đã không có sự nhạy cảm, quan tâm đúng mức đến quyền của trẻ.

Bé P.A mới chỉ 2 tuổi, ở giai đoạn tập ăn, tập nói, nhà trường không thể kiểm tra và đánh giá năng lực, hành vi của cháu bé trong 1 - 2 buổi giống như “khám lâm sàng”, rồi đưa ra quan điểm chủ quan. Điều này, có thể gây tổn thương đến phụ huynh và gia đình trẻ.

"Cháu bé mới 2 tuổi, đang trong giai đoạn được chăm sóc nên nhà trường không thể nói trẻ sẽ học chậm hơn bạn bè khác. Về nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp, chuẩn mực của người làm trong ngành giáo dục không cho phép giáo viên từ chối nhận trẻ, khi chưa có kết luận của cơ quan chức năng.

Để đánh giá năng lực, hành vi của một đứa trẻ cần có cơ quan y tế có chuyên môn kiểm tra”, bà Hiền cho hay.

Bà Phạm Thị Minh Hiền nhấn mạnh, trong Hiến pháp và Luật trẻ em, cùng nhiều luật khác đã có những quy định các nhóm quyền của trẻ em cần được ưu tiên cao nhất, trong đó có quyền học tập.

Việc lãnh đạo Trường mầm non chất lượng cao Việt - Bun đưa ra bất kỳ lý do nào như về hành vi tự chủ, tư duy của cháu... những lý do này cũng không thể vượt qua quyền của trẻ em.

"Mục tiêu, chức năng quan trọng nhất của trường mầm non là chăm sóc và giáo dục trẻ em. Còn về vấn đề tự chủ của nhà trường, hoặc các tiêu chuẩn chất lượng cao được nhà trường đặt ra, vẫn nằm sau quyền của trẻ em", bà Hiền nhấn mạnh.

Bà Phạm Thị Minh Hiền cho hay, trong vụ việc trên, hồ sơ nhập học của trẻ đúng tuyến, nhà trường không thể nào có quyền từ chối nhận trẻ. Nếu có khó khăn, nhà trường phải phối hợp với cơ quan quản lý để khắc phục, không nên đổ lỗi với bất cứ nguyên nhân nào, bởi người gánh chịu sẽ là trẻ em.

Nhà trường cũng phải có trách nhiệm trả lời nguyên do từ chối nhận trẻ với phụ huynh, người đại diện hợp pháp cho cháu bé. Việc từ chối trả lời báo chí, đồng nghĩa nhà trường đang đi từ cái sai này, sang cái sai khác.

"Việc nhà trường từ chối trả lời báo bởi không đúng tôn chỉ mục đích là rất lòng vòng. Trong khi đó, câu trả lời quan trọng nhất về việc tại sao đơn vị không tiếp nhận trẻ lại không có”, bà Hiền cho hay.

Trẻ phải được tiếp cận các dịch vụ công về học tập

Theo bà Phạm Thị Minh Hiền, trong vụ việc trên, khi nhà trường từ chối nhận trẻ, gia đình có quyền đưa con đến trường khác để bé học tập. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn là trách nhiệm của nhà nước phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ đến cùng, không thể để cháu bé chuyển trường là kết thúc mọi việc.

"Trong vụ việc trên, cơ quan chức năng đã làm chưa đến nơi đến chốn. Quyền được học tập của bé P.A đã bị xâm phạm, cơ quan chức năng phải chủ động vào cuộc, không nhất thiết phải theo quy trình cụ thể", bà Hiền nhấn mạnh lại.

Phân tích về giải pháp cụ thể, bà Hiền cho rằng, đáng lẽ, Ủy ban Nhân dân quận Hai Bà Trưng phải chỉ đạo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội cần phối hợp cùng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hai Bà Trưng để về địa phương làm rõ. Từ đó giúp cho trẻ được tiếp cận với các dịch vụ công về học tập, đảm bảo quyền lợi như các em khác. Nếu nhà trường vi phạm, cơ quan chức năng có thể xử phạt vi phạm hành chính.

Bởi vậy, bà Hiền đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cần vào cuộc vụ việc này, đây là hai đơn vị đều có trách nhiệm về quyền của trẻ em.

Theo bà Hiền, khi có bất cứ thông tin phản ánh nào trong dư luận, hai đơn vị trên cũng có thể phối hợp để làm rõ. Từ đây, cơ quan chức năng sẽ yêu cầu các bên liên quan phải giải quyết dứt điểm tránh để dư luận xấu.

Nguyễn Nhất