Vụ nhận 1,5 tỷ đồng của người vi phạm, Chủ tịch huyện hỏi: Biết để làm gì?

11/07/2016 16:13
Chí Nhân
(GDVN) - Công an huyên Gia Lâm đang thụ lý, điều tra vụ nghi án nhận 1,5 tỷ đồng để cho sai phạm tồn tại… nhưng thời gian đã trôi đi quá lâu mà chưa có kết quả.

Chiều 8/7, liên hệ làm việc với Công an huyện Gia Lâm theo giấy giới thiệu số 1540 của Công an TP. Hà Nội về việc cung cấp thông tin cho báo chí vụ nghi án nhận 1,5 tỷ đồng để cho sai phạm tồn tại thuộc khu vực Soi Ba Za (xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội)

Cơ quan công an huyện Gia Lâm cho biết, hiện chưa thể cung cấp được thông tin gì về vụ án vì đang trong quá trình điều tra, sau khi có kết luận, kết quả điều tra sẽ báo cáo lại để dư luận, công chúng được biết.

“Theo ý kiến của lãnh đạo chỉ đạo, vụ việc đang trong quá trình điều tra, nên vẫn chưa thể cung cấp thông tin gì. Sau khi có kết luận, kết quả điều tra sẽ có báo cáo lại theo ý kiến chỉ đạo do Thượng tá Đặng Hữu Quân, Phó trưởng Công an huyện.

Hiện tại thì anh Quân đang đi họp nên không phát ngôn được. Lãnh đạo tôi cho biết hiện về vụ việc trên cũng không cung cấp hoặc trao đổi được gì vì đang điều tra”, ông Đỗ Đức Anh, cán bộ tham mưu Công an huyện Gia Lâm cho biết.

Nhằm làm rõ thêm thông tin, trao đổi với phóng viên, ông Lê Anh Quân, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm không thẳng thắn trả lời mà thắc mắc rằng: "Vấn đề trên đã đăng tải thì các ông hỏi để làm gì?"

Sau đó, ông Quân hạ giọng và yêu cầu phóng viên phải có công văn mới trả lời.

"Địa bàn xã Ninh Hiệp là một địa bàn phức tạp, vừa qua thì trong quá trình bầu cử nên chưa xử lý được. Đây là sai phạm đã tồn tại từ lâu, tôi cũng mới về nhưng để xử lý được cũng cần phải có thời gian. Còn có gì thì cứ gửi công văn sang, chúng tôi sẽ trả lời", ông Quân cho biết thêm.

Trước đó, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có bài phản ánh, trong một thời gian dài, hơn trăm hộ gia đình, cá nhân thuộc xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội ngang nhiên vi phạm luật đất đai, trật tự xây dựng. Để được tồn tại, các hộ dân phải "góp" tiền và nộp cho UBND xã với số tiền 1,5 tỷ đồng.

Sau khi chính quyền xã Ninh Hiệp nhận 1,5 tỷ đồng của người dân, sai phạm vẫn tồn tại cho đến nay (Ảnh Chí Nhân)
Sau khi chính quyền xã Ninh Hiệp nhận 1,5 tỷ đồng của người dân, sai phạm vẫn tồn tại cho đến nay (Ảnh Chí Nhân)

Để có địa điểm làm ăn, kinh doanh, buôn bán bông, vải, sợi, các hộ gia đình, cá nhân trên đã thuê lại của 16 hộ gia đình (được UBND xã Ninh Hiệp ký hợp đồng cho thuê đất trồng cây hàng năm từ những năm 2013) thuộc khu vực Soi Ba Za (đoạn giáp đường liên xã Dốc Lã – Trung Mầu) để xây dựng hàng loạt các công trình trái phép.

Trước những sai phạm trên, UBND xã Ninh Hiệp cũng nhiều lần lập biên bản, tổ chức cưỡng chế.

Do "sức ép" của chính quyền, các hộ dân được "mách nước" rồi góp tiền nộp cho UBND xã Ninh Hiệp 1,5 tỷ đồng dưới tên gọi "nộp tự nguyện", "vệ sinh môi trường", "nông thôn mới".

Sau khi nộp xong tiền, lãnh đạo UBND xã Ninh Hiệp cũng "im lặng" để mặc một số hộ xây dựng hàng loạt công trình trái phép trên đất nông nghiệp, sử dụng sai mục đích đất.

Theo điều tra của phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 16/4/2014, UBND xã Ninh Hiệp ban hành Kế hoạch số 151/KH-UBND về việc “phối hợp, giải tỏa dỡ bỏ vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, cảnh quan môi trường đợt 1, thực hiện công tác duy trì sau giải tỏa trên địa bàn xã Ninh Hiệp”.

Kế hoạch do ông Nguyễn Bá Khánh, Chủ tịch UBND xã Ninh Hiệp (nay đã chuyển công tác) ký và được ông Dương Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm phê duyệt.

Sau khi được Bí thư Đảng ủy "vẽ đường", các hộ xây dựng trái phép, sử dụng sai mục đích đã "góp tiền" để nộp cho UBND xã (Ảnh Chí Nhân)
Sau khi được Bí thư Đảng ủy "vẽ đường", các hộ xây dựng trái phép, sử dụng sai mục đích đã "góp tiền" để nộp cho UBND xã (Ảnh Chí Nhân)

Nội dung của kế hoạch trên nêu rõ, tổ chức giải tỏa, dỡ bỏ, thu giữ, xử lý hàng hóa, phông bạt, nguyên vật liệu lấn chiếm lòng đường và vỉa hè; phương tiện để dưới lòng đường; lều lán; cùng các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, cảnh quan môi trường và thực hiện việc duy trì sau giải tỏa chống tái vi phạm.

Ngày 23/04/2014, UBND xã Ninh Hiệp đã gửi Thông báo số 164/TB-UBND gửi đến các hộ gia đình, cá nhân về việc giải tỏa, xử lý vi phạm.

Tiếp đến, tại biên bản làm việc ngày 26/04/2014, UBND xã Ninh Hiệp đã làm việc trực tiếp với những hộ gia đình có liên quan, yêu cầu các hộ gia đình tự giác tháo dỡ toàn bộ lều lán, mái che, mái vẩy, di chuyển toàn bộ hàng hóa ra khỏi khu vực Soi Ba Za, sử dụng đất theo đúng mục đích, nội dung hợp đồng đã ký.

Việc các hộ đề nghị sử dụng lều lán, bán hàng đến hết năm là không thực hiện được. Yêu cầu các hộ tự giác dỡ bỏ, di chuyển hàng hóa vật liệu kiến trúc ra khỏi khu vực.

Chỉ đạo xuyên suốt của UBND huyện Gia Lâm và xã Ninh Hiệp là kiên quyết xử lý, tổ chức cưỡng chế các công trình trái phép, sử dụng sai mục đích theo đúng tinh thần Năm trật tự văn minh đô thị của Thành phố Hà Nội.

 Tuy nhiên, chỉ đạo của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Ninh Hiệp (nay đã chuyển công tác) lại hoàn toàn ngược lại.

Trong Biên bản cuộc họp ngày 18/5/2014, ông Hùng chỉ đạo một cách khó hiểu: "Giao cho UBND xã thống nhất phương án sử dụng mái che vẩy để đảm bảo tính ổn định, lâu dài cho các hộ được kinh doanh hết năm 2014. Giao cho UBND quản lý, khi các hộ kinh doanh xây dựng đề nghị cấp phép xây dựng... Về việc các hộ tự nguyện đóng góp kinh phí xây dựng nông thôn mới, giao cho UBND xã xây dựng phương án sử dụng kinh phí vào công trình, phần việc cụ thể...".

Sau khi được Bí thư Đảng ủy "vẽ đường", các hộ xây dựng trái phép, sử dụng sai mục đích đã "góp tiền" để nộp cho UBND xã.

Phiếu thu ngày 06/6/2014 của UBND xã Ninh Hiệp ghi rõ: Người nộp tiền là bà Nguyễn Thị Xuyên, thôn 1, đại diện cho các hộ thuê đất trồng cây hàng năm khu Soi Ba Za; lý do nộp tiền: thu tự nguyên đóng góp quỹ vệ sinh môi trường với địa phương năm 2014; số tiền 1,5 tỷ đồng...

Sau khi các hộ dân nộp đủ số tiền 1,5 tỷ đồng thì mọi biện pháp cưỡng chế, ngăn chặn của UBND xã Ninh Hiệp dường như dừng lại. Người dân vẫn sử dụng sai mục đích, các công trình kiên cố xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp vẫn tồn tại.

Như vậy, số tiền 1,5 tỷ đồng mà UBND xã thu của người dân năm 2014 để cho sai phạm tồn tại rõ ràng là vi phạm pháp luật. Số tiền 1,5 tỷ đồng là rất lớn và hiện nay đang "nằm ở túi ai" người dân cũng không hề hay biết.

Việc sử dụng số tiền này vào mục đích gì? Có hay không việc trục lợi cá nhân? Động cơ nào khiến Bí thư Đảng ủy Nguyễn Mạnh Hùng lại có chỉ đạo cấp phép xây dựng và thu tiền của người vi phạm?

Những nghi vấn trên cần được Công an huyện Gia Lâm và Công an Tp. Hà Nội sớm điều tra làm rõ để trả lời trước công luận.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Chí Nhân