Vụ THPT Lương Thế Vinh vượt rào tuyển sinh: Quảng Ninh đã làm tròn trách nhiệm?

20/08/2022 07:31
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- THPT Lương Thế Vinh được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đồng ý tăng thêm 135 chỉ tiêu.

Như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin, 135 học sinh được tuyển vào lớp 10 Trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Cẩm Phả, Quảng Ninh) đã được trở lại trường sau khi bị nhà trường cho nghỉ học, trả lại hồ sơ.

Trước đó, Quyết định số 1139/QĐ-Ủy ban Nhân dân, ngày 29/4 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh phê duyệt cho Trường Trung học Phổ thông Lương Thế Vinh được tuyển 675 chỉ tiêu.

Tuy nhiên, trong quá trình tuyển sinh, đơn vị này đã tuyển vượt 135 em. Sau đó trường đã có các văn bản đề xuất lên thành phố Cẩm Phả và Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất tăng thêm các chỉ tiêu nhưng không được chấp thuận.

Nguyên nhân là do cơ sở giáo dục này không đảm bảo được quy định về diện tích đất theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT và để ổn định quy mô của trường trong năm học tiếp theo và không ảnh hưởng đến tỷ lệ phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Cẩm Phả.

Ngày 14/8, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh có văn bản số 4550 về việc tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông năm học 2022-2023, đồng ý với đề xuất bổ sung chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 cho một số trường tư thục có cấp trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh nói chung và Trường Trung học Phổ thông Lương Thế Vinh nói riêng.

Để đảm bảo các điều kiện học tập sau khi được bổ sung chỉ tiêu, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư của Trường Trung học Phổ thông Lương Thế Vinh và Ban Giám hiệu khẩn trương đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, bố trí đội ngũ cùng các điều kiện khác, đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của nhà trường.[1]

Ông Đinh Quốc Vương, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Cẩm Phả cùng lãnh đạo nhà trường đối thoại với phụ huynh ngày 13/8. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)
Ông Đinh Quốc Vương, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Cẩm Phả cùng lãnh đạo nhà trường đối thoại với phụ huynh ngày 13/8. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Việc có trường tự ý “xé rào”, tuyển vượt chỉ tiêu được giao, sau đó mới xin cơ quan nhà nước có thẩm quyền đồng ý bổ sung số hồ sơ tuyển thừa khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều.

Có ý kiến đặt ra băn khoăn rằng, các cơ quan chức năng tại tỉnh Quảng Ninh có làm đúng chức trách nhiệm khi cơ quan quản lý phải “chạy” theo sự đã rồi, sẽ tạo tiền lệ xấu về tuyển sinh không chỉ tại Quảng Ninh mà trên cả nước?

Trước đó, công tác thẩm định, quản lý phân bổ chỉ tiêu của Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh đã chính xác hay chưa?

Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Nguyễn Văn Ly - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam bày tỏ lo ngại, việc Quảng Ninh tăng chỉ tiêu học sinh trong một thời gian ngắn cho trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh thêm 135 em như vậy liệu có đảm bảo chất lượng giáo dục.

"Chúng ta đã có Thông tư 18/2018/TT-BGDĐT và Thông tư Số: 03/VBHN-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT quy định rõ ràng, do vậy xác định chỉ tiêu cần tuân thủ theo các quy định hiện hành", Tiến sĩ Nguyễn Văn Ly cho biết.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Ly, việc tăng chỉ tiêu trong thời gian ngắn như vậy nếu không đảm bảo chất lượng về cơ sở vật chất, con người để thực hiện công tác giảng dạy sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

"Việc giao chỉ tiêu cho các trường chúng ta cũng đã có những quy định cụ thể dựa trên cơ sở vật chất hiện có để giao chỉ tiêu. Nếu số người học vượt quá cơ sở vật chất thì tất nhiên sẽ ảnh hưởng. Không chỉ từ sự việc của Quảng Ninh, các địa phương các cần xây dựng một kế hoạch dài hơi, đảm bảo về mặt thời gian để các trường chủ động tuyển sinh.

Việc chuẩn bị cơ sở vật chất phù hợp với tuyển sinh, số lượng người học mới có thể đảm bảo chất lượng giáo dục", Tiến sĩ Nguyễn Văn Ly cho biết thêm.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Ly, không chỉ ở cấp trung học phổ thông, bậc đại học cũng có nhiều vấn đề liên quan đến tuyển sinh vượt chỉ tiêu. Hiện nay, chúng ta đã có Nghị định 04/2021/NĐ-CP Chính phủ quy định phạt về vượt chỉ tiêu.

Trong đó mức quy định vượt chỉ tiêu ở cấp Trung học phổ thông sẽ bị từ 1 - 20 triệu đồng (mức 20 triệu đồng dành cho nơi tuyển vượt từ 20% chỉ tiêu trở lên). Việc phạt đã có quy định nhưng bị cho là khá nhẹ.

Do vậy để đảm bảo không lặp lại những "tiền lệ xấu", Tiến sĩ Nguyễn Văn Ly cho rằng Quảng Ninh phải có những biện pháp cụ thể xử lý dứt điểm, tránh những nghi ngại không cần thiết, đảm bảo sự việc không lặp lại.

Nêu quan điểm với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông ngoài công lập tại Hà Nội cho rằng, sự việc tại trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh ở Quảng Ninh là hi hữu.

“Hàng năm chúng tôi đều phải căn cứ vào cơ sở vật chất con người của trường để xin chỉ tiêu của Sở. Sở căn cứ trên các yếu tố nhất định cấp chỉ tiêu cho chúng tôi. Có năm được duyệt đúng với đề xuất, có năm ít hơn đề xuất do các cơ quan quản lý phân bổ số lượng dựa trên số học sinh lớp 9 hiện có.

Việc tự ý xé rào tuyển sinh sẽ rất khó xảy ra nếu Sở quản lý chặt chẽ. Như trường chúng tôi thì chưa để xảy ra chuyện đó. Nếu việc tuyển sinh không xử lý ổn thỏa, rất dễ tạo tiền lệ xấu cho các trường”.

Cũng bày tỏ về sự việc tại trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hữu, chuyên gia tư vấn đào tạo cho rằng:

“Về chỉ tiêu tuyển sinh, chúng ta có Luật Giáo dục và các thông tư, hướng dẫn của ngành giáo dục về vấn đề chỉ tiêu tuyển sinh và phương thức tuyển sinh của các trường phổ thông ngoài công lập. Tuyển sinh và xác định chỉ tiêu của nhóm trường này phải phù hợp với các Luật, quy định liên quan.

Việc Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh có văn bản cấp chỉ tiêu cho trường Lương Thế Vinh rồi sau đó tiếp tục ra văn bản thay thế chạy theo sự đã rồi cho thấy sự không thống nhất.

Ở đây dễ dàng nhận thấy là các bên đều đã thực hiện không tốt vai trò của mình dẫn đến câu chuyện thực tế đã xảy ra là 135 em học sinh được tuyển thêm.

Sự việc này rất dễ tạo tiền lệ xấu trong tuyển sinh bởi trường Lương Thế Vinh đã làm được thì không có gì đảm bảo các trường khác không thực hiện được”.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hữu sự việc của trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh rất giống với việc quy hoạch chạy theo dự án trong phát triển đô thị, thay vì dự án phải chạy theo quy hoạch.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hữu sau sự việc của Trường Lương Thế Vinh, các địa phương cần có kế hoạch cụ thể, đảm bảo thời gian để các trường tuyển sinh, tránh những tiền lệ xấu. Ảnh: NVCC

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hữu sau sự việc của Trường Lương Thế Vinh, các địa phương cần có kế hoạch cụ thể, đảm bảo thời gian để các trường tuyển sinh, tránh những tiền lệ xấu. Ảnh: NVCC

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hữu, việc xã hội hóa các loại hình đào tạo để giảm bớt gánh nặng cho giáo dục công và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước là việc mà nhiều quốc gia trên thế giới đang làm. Các cơ quan nhà nước cần tạo điều kiện để giáo dục ngoài công lập phát triển.

Các cơ quan nhà nước cần thực hiện đúng kế hoạch, đảm việc chuẩn bị cho năm học mới của các nhà trường từ đó có biện pháp chấn chỉnh, xử lý sai phạm, đảm bảo sự công bằng trong giáo dục cho mọi học sinh.

Các địa phương cần có rà soát cụ thể về biến động số lượng học sinh hàng năm và xây dựng chiến lược từ nhiều năm trước trong việc quy hoạch, đầu tư hạ tầng, nhân lực cho giáo dục, đáp ứng nguyện vọng học tập chính đáng của học sinh, đảm bảo sự phát triển cho các trường ngoài công lập phát triển.

Cùng với đó, Quảng Ninh cần xử lý nghiêm cá nhân, tập thể sai phạm thay vì phải “chạy theo” để xử lý sự việc “đã rồi,” làm ảnh hưởng đến ngành giáo dục như câu chuyện tại trường Lương Thế Vinh.

* Tài liệu tham khảo:

[1]https://www.vietnamplus.vn/quang-ninh-bo-sung-chi-tieu-voi-135-em-hoc-sinh-o-cam-pha-bi-tra-ho-so/811035.vnp

[2] https://baoquangninh.com.vn/quang-ninh-dong-y-tuyen-bo-sung-chi-tieu-cho-mot-so-truong-tu-thuc-3200083.html

Trần Phương