Vụ xé đề cương môn Sử: 'Lãnh đạo Bộ cần đả thông tư tưởng'

08/04/2013 20:15
Ngọc Quang
(GDVN) - "Ở những nước có nền giáo dục tốt nhất thế giới như Mỹ, Anh, Pháp họ đều rất coi trọng lịch sử, thì chẳng có lý do gì mà Việt Nam ta lại coi thường môn Sử như vậy. Sự việc học sinh trường Nguyễn Hiền xé đề cương cảnh báo ở những kỳ thi sắp tới sẽ còn có rất nhiều điểm 0 môn Sử".

GS.TS Đỗ Thanh Bình, Trưởng khoa Sử Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhận định, việc các em học sinh ở Trường THPT Nguyễn Hiền (TPHCM) xé đề cương môn Sử và reo mừng vì không phải thi môn này là một điều hết sức đáng tiếc.

Ông bày tỏ: "Tâm trạng của tôi lúc này rất buồn, dẫu biết rằng các em còn trẻ nên ứng xử nhiều lúc chỉ mang tính bột phát, nhưng ở một khía cạnh khác, chúng ta phải dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, hành động ngày hôm nay của các em xuất phát từ việc chính những nhà quản lý của ngành giáo dục chưa nhận thức đúng về môn Sử. Hành động xé đề cương và reo mừng ấy, đối với môn học nào cũng không được, nhưng đối với môn Sử thì còn đáng tiếc hơn, nó giống như một sự chối bỏ của nhiều bạn trẻ với lịch sử dân tộc".

GS.TS Đỗ Thanh Bình cho biết, ông phản đối việc loại bỏ môn Lịch sử ra khỏi một kỳ thi quan trọng như vậy không phải vì ông đang dạy môn này mà cần phải hiểu nó là một môn khoa học chứ không phải học thuộc lòng trả bài cho xong.

GS Bình phân tích: “Những môn học khác cũng quan trọng, nhưng Sinh học, Hóa học hay Vật lý thì nó là những môn có thể được phát triển thành chuyên ngành riêng biệt, còn lịch sử cần phải xác định là kiến thức nền cho các môn học khác. Một khi đã là người Việt Nam thì không thể không hiểu biết tường tận về lịch sử Việt Nam. Nhưng rất tiếc ở ta, nếu không thi các em sẽ không học. Giờ này, chắc là nhiều em thấy vui mừng vì thoát môn Sử, phao thi đề cương xé và ném khắp nơi. Thật đáng lo ngại cho thế hệ tương lai của nước nhà”.

GS.TS Đỗ Thanh Bình - Trưởng Khoa Sử, ĐH Sư phạm Hà Nội.
GS.TS Đỗ Thanh Bình - Trưởng Khoa Sử, ĐH Sư phạm Hà Nội.
GS.TS Đỗ Thanh Bình cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, việc dạy sử của ta hiện nay cần phải thay đổi, mà muốn thay đổi được thì những người giữ chức vụ quan trọng của ngành phải được "đả thông tư tưởng". Khi xác định tầm quan trọng của môn Sử, các cấp quản lý sẽ đưa ra được biện pháp thích hợp.
"Vừa rồi tôi đi bồi dưỡng kiến thức cho nhiều giáo viên phổ thông, các bạn ấy cho biết là ở trường họ chỉ được coi là hạng trung bình, kể cả khi đề bạt một giáo viên vào vị trí lãnh đạo thì giáo viên môn Sử rất hiếm khi được chú ý, mà chủ yếu  vẫn chỉ là Văn và Toán. Ở các nước phát triển nhất thế giới, họ luôn coi môn Lịch sử là một trong những môn học chính, bởi nó là nền tảng kiến thức cơ bản cho nhiều môn học khác. Ngay cả Mác-Ăngghen cũng nói rằng trong các môn khoa học thì chỉ công nhận khoa học lịch sử mà thôi. Ở những nước có nền giáo dục tốt nhất thế giới như Mỹ, Anh, Pháp họ đều rất coi trọng lịch sử, thì chẳng có lý do gì mà Việt Nam ta lại coi thường môn Sử như vậy. Sự việc học sinh trường Nguyễn  Hiền xé đề cương cảnh báo ở những kỳ thi sắp tới sẽ còn có rất nhiều điểm 0 môn Sử", ông Bình nhận xét.

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố 6 môn thi tốt nghiệp, trả lời Giaoduc.net.vn, ông Trần Văn Nghĩa - Cục phó Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng - lý giải: Các môn thi tốt nghiệp hoàn toàn được bốc thăm xác xuất, không có sự can thiệp nào trong này, do vậy năm nay không có môn Lịch sử trong danh sách thi cũng là bình thường. Về điều này, GS.TS Đỗ Thanh Bình nhận định như vậy một lần nữa cho thấy ngay ở cấp quản lý cao nhất của ngành giáo dục cũng chưa xác định được tầm quan trọng của môn Lịch sử.

Ông thẳng thắn nói: “Hội Sử học đã đề nghị với Bộ Giáo dục nhiều lần rồi là phải đưa môn sử trở thành môn học và thi bắt buộc, nhưng Bộ nghe rồi để đấy chứ chẳng có ý kiến gì. Không phải vì tôi dạy môn Sử mà nói hay cho môn học này, mà thực tế là Sử cần được coi như kiến thức nền bắt buộc, nó có sự liên quan chặt chẽ tới tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc. Khi sinh ra, anh sinh ra thì phải biết mình là ai? Trưởng thành như thế nào? Đảng ta cũng rất coi trọng giáo dục con người, giáo dục chính trị mà nền tảng phải là lịch sử. Chúng ta tự hào truyền thống mấy nghìn năm dựng nước giữ nước, truyền thống quật cường như thế mà cuối cùng lại đưa vào bốc thăm”!

Kỳ thi đại học năm 2011 đã có hàng nghìn thí sinh bị điểm 0 môn Sử. Đây có lẽ là nỗi hổ thẹn lớn nhất trong lịch sử nền giáo dục nước nhà. Tuy vậy, sau sự kiện đầy tai tiếng ấy, môn Sử vẫn không được quan tâm đúng mức, điều đó rất có thể sẽ dẫn tới một loạt những hệ lụy đáng tiếc. Thí dụ điển hình nhất là ngay tại Hà Nội, nhiều em học sinh không biết Thủ đô của nước ta tên gì; có em hồn nhiên trả lời “Sơn tinh là thần nước”, không biết Hồ Gươm ở thành phố nào… đây là những hệ lụy đã và sẽ còn tiếp tục xảy đến khi mà ngay cả những nhà quản lý giáo dục (nắm quyền trong tay) cũng không đánh giá đúng mức tầm quan trọng của môn học này.

GS Nguyễn Thanh Bình chia sẻ: “Môn Lịch sử cần phải được đưa thành môn bắt buộc, điều này trước sau gì cũng phải như vậy, vì nó là khoa học, chứ không phải thích thì thi không thích thì thôi. Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã tổ chức nhiều hội thảo bàn về phương pháp đổi mới dạy và học môn Sử, nhiều lần kiến nghị lên Bộ Giáo dục, đề nghị có sự quan tâm hơn tới môn học này, đưa Lịch sử trở thành một môn học chính cơ bản, nhưng Bộ chỉ im lặng”.

Ngọc Quang