Vùng sâu, vùng xa chưa biết có 4,5 triệu USD hỗ trợ SGK theo dự án RGEP

09/08/2022 06:42
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều phòng Giáo dục và Đào tạo địa phương ngạc nhiên và không biết đến nguồn kinh phí cấp phát sách giáo khoa của Dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục RGEP

Năm học 2022 - 2023 là năm thứ 3 triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đây là năm đầu tiên áp dụng triển khai đối với lớp 3, 7 và 10, vì vậy, học sinh các lớp này đều phải dùng sách giáo khoa mới.

Trong khi thu nhập của nhiều người bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 mà giá sách giáo khoa tăng cao khiến phụ huynh lo lắng. Trước thực trạng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa, đưa vào thư viện trường, cho học sinh mượn, sử dụng nhiều lần. Đề xuất này của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thu hút sự chú ý của dư luận, đặc biệt là các thầy cô giáo vùng cao, vùng khó khăn.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bày tỏ băn khoăn rằng, trong Sổ tay thực hiện dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP) đã có dự toán khoản kinh phí 4,5 triệu USD để cung cấp sách giáo khoa cho các trường vùng khó khăn.

Cụ thể, theo sổ tay thực hiện dự án RGEP, tại trang 31, trong mục Tiểu thành phần 2.2 về cung cấp sách giáo khoa cho các trường vùng khó khăn nêu: "...Dự án sẽ hỗ trợ cấp phát sách giáo khoa cho thư viện các trường vùng miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, học sinh khuyết tật, học sinh gia đình thu nhập thấp. Học sinh các trường này sẽ được mượn để sử dụng suốt năm học". Mức dự toán cho khoản này là 4.500.000 USD.

Thế nhưng, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một số địa phương vùng khó khăn chưa biết đến phần kinh phí hỗ trợ này.

Cụ thể, thầy Phạm Văn Phôi – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sìn Hồ (Lai Châu) cho biết:

“Năm học này giá sách giáo khoa tăng cao nên nhiều phụ huynh, học sinh và nhiều nhà trường cũng cảm thấy lo lắng.

Đến thời điểm hiện tại, nhiều trường trên địa bàn Sìn Hồ vẫn còn loay hoay đi tìm cách khắc phục khi chính sách mới được áp dụng, đặc biệt là những trường nằm trên địa bàn xã đã đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo đó, những trường nằm trên địa bàn xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới thì học sinh ở những trường này không còn được hỗ trợ theo nghị định 81 (Nghị định 81/2021/NĐ-CP – phóng viên) nữa, phụ huynh học sinh sẽ phải tự lo chi phí sách vở, đồ dùng học tập cho con em mình”.

Nói về công tác xã hội hóa mua sách giáo khoa giúp đỡ học sinh khó khăn, thầy Phôi cho biết: “Những năm trước, các trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng đã chủ động liên hệ với một số đơn vị, tổ chức tình nguyện để làm tủ sách cho thư viện cho học sinh mượn để học tập.

Thế nhưng năm nay, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa liên hệ được với tổ chức nào. Chính vì vậy bài toán về sách giáo khoa của các trường trên địa bàn huyện Sìn Hồ còn vô cùng gian nan”.

Khi được hỏi về việc Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục (RGEP) có dành 4,5 triệu USD đề hỗ trợ cấp phát sách giáo khoa cho thư viện các trường vùng miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn… thầy Phôi tỏ ra ngạc nhiên và cho biết: “Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sìn Hồ chưa biết đến nguồn kinh phí này và cũng chưa được tiếp cận với thông tin này”.

Thầy Phôi cũng cho biết thêm: “Nếu nguồn kinh phí này được triển khai thì tốt quá. Các em học sinh trên địa bàn Sìn Hồ đỡ vất vả bao nhiêu, đặc biệt là các trường vùng đặc biệt khó khăn”.

Kinh phí được dự tính trong sổ tay của dự án Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục (RGEP). Ảnh chụp màn hình

Kinh phí được dự tính trong sổ tay của dự án Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục (RGEP). Ảnh chụp màn hình

Nói về khó khăn về sách giáo khoa năm học 2022 – 2023, thầy Nguyễn Quang Bách – Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Động (Bắc Giang) cho biết:

“Ở Sơn Động, nhiều học sinh còn khó khăn, việc mua sách giáo khoa năm nay cũng gặp vất vả. Các trường đều đã có những hình thức khắc phục khác nhau. Tuy nhiên, cái khó là sách giáo khoa hiện nay có phần cho học sinh viết vào sách. Nên các em học sinh học lớp 2, lớp 6 năm nay gặp nhiều khó khăn vì đi xin được sách cũ về thì đa phần sách đã bị viết vào rồi”.

Sách giáo khoa vẫn là bài toán khó với học sinh vùng sâu, vùng xa. Ảnh: LC

Sách giáo khoa vẫn là bài toán khó với học sinh vùng sâu, vùng xa. Ảnh: LC

Khi được hỏi về kinh phí của Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục (RGEP) hỗ trợ học sinh khó khăn, thầy Bách cho biết trên địa bàn Sơn Động chưa được tiếp cận với nguồn kinh phí này. “Nếu được triển khai thì tốt quá”, thầy Bách cho biết.

Năm học 2022 – 2023, với giá sách giáo khoa tăng cao, đối với nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) việc mua sắm đầu năm cho con em đi học thực sự là vấn đề nan giải.

Thầy Nguyễn Văn Tý - Hiệu trưởng Trường Tiểu học vàTrung học cơ sở Hướng Việt, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) cho biết:

“Với giá sách giáo khoa năm nay tăng cao trong khi hầu hết học sinh của trường là con em người dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên cứ mỗi đầu năm học, cán bộ, giáo viên nhà trường phải tranh thủ mọi hỗ trợ từ các cá nhân, tập thể hảo tâm nhằm có đủ dụng cụ học tập, cặp sách… đặc biệt là sách giáo khoa cho học sinh.

Kể từ khi chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai thì học sinh lớp 1, lớp 2 của trường nhận được hỗ trợ từ Đài truyền hình Quảng Trị để đưa về thư viện của nhà trường.

Kết thúc năm học, học sinh trả sách cho thư viện để học sinh khoá sau mượn học.

Với năm học 2022 - 2023, nhà trường cũng rất lo lắng vì chưa tìm được nguồn hỗ trợ sách giáo khoa mới cho gần 60 học sinh lớp 3 và 7.

Tuy nhiên, cũng đã có một số cá nhân hứa hỗ trợ cho các em học sinh nên nhà trường cũng tạm yên tâm.

Khi được hỏi về việc Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục (RGEP) có dành 4,5 triệu USD đề hỗ trợ cấp phát sách giáo khoa cho thư viện các trường vùng miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn…thầy Tý cho biết, trường chưa biết đến nguồn này và cũng chưa biết nguồn này đã được triển khai ra sao.

Để rộng đường dư luận về phần kinh phí hỗ trợ sách giáo khoa của dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục RGEP, ngày 22/6, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có câu hỏi gửi tới Bộ Giáo dục và Đào tạo. Được biết, ngay sau đó, bộ phận chức năng đã chuyển câu hỏi tới Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Tuy nhiên kể từ đó đến nay (8/8/2022), Toà soạn chưa nhận được câu trả lời.

Trần Phương