Vũng Tàu: Thành lập Ban kiểm tra dạy thêm, học thêm, hiệu trưởng là trưởng ban

06/10/2022 06:28
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ban kiểm tra từ 5 đến 7 thành viên do Hiệu trưởng là Trưởng ban, các Phó Hiệu trưởng là Phó ban; thành viên là Chủ tịch công đoàn, Tổ trưởng, Trợ lý thanh niên.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có công văn số 3248/SGDĐT-GDTrHTX ngày 3/10 gửi các Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, Hiệu trưởng các trường Trung học phổ thông và Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên để hướng dẫn dạy thêm, học thêm Chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh này.

Theo đó, Sở này lưu ý nguyên tắc tổ chức dạy thêm, học thêm trong các trường phải thực hiện đúng theo quy định tại Điều 3, Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cụ thể, các trường chỉ dạy thêm khi học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được sự đồng ý của phụ huynh học sinh; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình và học sinh học thêm.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao cho các Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo Hiệu trưởng thực hiện công tác tuyên truyền đến từng giáo viên về việc cấm dạy thêm, học thêm ở cấp tiểu học. Ảnh minh họa: Báo bariavungtau.com.vn
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao cho các Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo Hiệu trưởng thực hiện công tác tuyên truyền đến từng giáo viên về việc cấm dạy thêm, học thêm ở cấp tiểu học. Ảnh minh họa: Báo bariavungtau.com.vn

Đồng thời, không tổ chức dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau. Chỉ tổ chức dạy thêm đối với các lớp học đã được sắp xếp học sinh có cùng học lực theo môn.

Nội dung dạy thêm, học thêm phải góp phần cũng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; phù hợp với các đặc điểm tâm lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học. Không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa.

Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo Bà Rịa - Vũng Tàu cũng lưu ý về thời gian học thêm, phải được căn cứ theo nguyện vọng của học sinh và phụ huynh; mục tiêu giáo dục của từng khối, lớp; điều kiện cơ sở vật chất và nhiệm vụ được phân công của giáo viên để bố trí số tiết, số buổi học thêm trong chương trình.

Qua đó Sở này nhấn mạnh việc, không dạy thêm tất cả các buổi trong tuần để học sinh có thời gian tự học, tự nghiên cứu, tham gia các hoạt động tập thể, hoạt động giáo dục trải nghiệm, hướng nghiệp, ngoài giờ lên lớp và các hoạt động khác trong nhà trường.

Tổng số tiết học thêm và số tiết học chính khóa/ ngày không vượt quá số tiết định mức/ ngày theo quy định về dạy 2 buổi/ ngày. Không tổ chức dạy thêm các bộ môn văn hóa trong nhà trường vào các buổi tối, ngày chủ nhật và các ngày nghỉ lễ theo quy định. Không xếp thời khóa biểu dạy thêm, học thêm cùng với các buổi học chính khóa của nhà trường.

Để thực hiện nghiêm túc các yêu cầu nêu trên, Sở Giáo dục và Đào tạo Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã giao trách nhiệm cho Phòng Giáo dục và Đào tạo các địa phương như sau:

Đối với cấp Tiểu học, các Phòng Giáo dục và Đào tạo cần chỉ đạo Hiệu trưởng thực hiện công tác tuyên truyền đến từng giáo viên về việc cấm dạy thêm, học thêm ở cấp Tiểu học theo quy định của pháp luật và hướng dẫn tại Công văn số 754/UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục Tiểu học; Chỉ thị số 5105/CT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm đối với giáo dục Tiểu học.

Các trường cần tuyên truyền, giải thích để nhân dân, đặc biệt là các bậc cha mẹ nắm vững các quy định của ngành về dạy thêm, học thêm và đổi mới đánh giá học sinh tiểu học để tạo sự đồng thuận; phối hợp tốt giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc đấu tranh chống tiêu cực và triển khai đổi mới ở bậc tiểu học.

Bên cạnh đó, cần tham mưu Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố lập các đoàn thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Ủy ban nhân dân tỉnh và của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về dạy thêm ở cấp Tiểu học; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đối với cấp Trung học cơ sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo các địa phương cũng cần chỉ đạo các Hiệu trưởng có đủ điều kiện về cơ sở vật chất xây dựng kế hoạch tổ chức dạy 2 buổi/ ngày theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Ngoài ra, cũng cần chỉ đạo các Hiệu trưởng trong việc yêu cầu giáo viên thực hiện cam kết không tổ chức dạy thêm, học thêm trái với quy định của pháp luật, chịu trách nhiệm trước thủ trưởng đơn vị và cơ quan quản lý khi thực hiện trái quy định của pháp luật.

Qua đó, các Phòng cũng cần căn cứ vào hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo để ra các văn bản hướng dẫn việc dạy thêm, học thêm cho các trường hợp tổ chức dạy thêm, học thêm có nội dung thuộc chương trình trung học cơ sở. Thông báo đến phụ huynh, học sinh và giáo viên hộp thư và địa chỉ email góp ý về dạy thêm, học thêm.

Đồng thời, thực hiện việc quản lý dạy thêm, học thêm trong nhà trường theo quy định. Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp huyện và Sở Giáo dục và Đào tạo về quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Phổ biến, chỉ đạo các trường, các tổ chức và cá nhân liên quan thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm.

Sở Giáo dục và Đào tạo Bà Rịa - Vũng Tàu cũng lưu ý việc, tổng số tiết học thêm và số tiết học chính khóa/ ngày không vượt quá số tiết định mức/ ngày theo quy định về dạy 2 buổi/ ngày. Ảnh: Báo bariavungtau.com.vn

Sở Giáo dục và Đào tạo Bà Rịa - Vũng Tàu cũng lưu ý việc, tổng số tiết học thêm và số tiết học chính khóa/ ngày không vượt quá số tiết định mức/ ngày theo quy định về dạy 2 buổi/ ngày.

Ảnh: Báo bariavungtau.com.vn

Đối với Hiệu trưởng và thủ trưởng các cơ sở giáo dục có trách nhiệm, phổ biến, niêm yết tại bảng thông báo của nhà trường và tại phòng giáo viên về kế hoạch tổ chức dạy thêm của nhà trường đã được Hội đồng trường phê duyệt.

Bên cạnh đó, cần quán triệt đến đội ngũ giáo viên trong nhà trường các trường hợp không được dạy thêm theo quy định. Đồng thời, thành lập Ban kiểm tra tư cách cán bộ, giáo viên và điều kiện của địa điểm dạy học.

Ban kiểm tra từ 5 đến 7 thành viên do Hiệu trưởng là Trưởng ban, các Phó Hiệu trưởng là Phó ban; thành viên là Chủ tịch công đoàn, Tổ trưởng, Trợ lý thanh niên, Bí thư chi đoàn giáo viên, Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh..v.v. Ban kiểm tra họp thường kỳ để xét đề nghị dạy thêm hoặc mở lớp dạy thêm của cán bộ, giáo viên trong trường.

Ngoài ra, cần lập hồ sơ và lưu trữ để quản lý việc dạy thêm của cán bộ, giáo viên trong trường và báo cáo về Phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với trường Trung học cơ sở), về Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với các trường Trung học phổ thông và Trung tâm Giáo dục thường xuyên).

Hiệu trưởng nhà trường cũng phải có trách nhiệm yêu cầu giáo viên thực hiện cam kết không tổ chức dạy thêm học thêm trái quy định của pháp luật, chịu trách nhiệm trước thủ trưởng đơn vị và cơ quan quản lý khi thực hiện trái quy định đề ra.

Trung Dũng