Vướng Luật, vướng quy hoạch khiến việc triển khai Nghị quyết 35 gặp khó

07/10/2022 06:33
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nghị quyết 35 đã đánh giá rất xác đáng vai trò của hệ thống trường ngoài công lập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Ngày 6/10, tại Trường Đại học Phú Xuân (Huế), Câu lạc bộ các trường đại học, cao đẳng tư thục (trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) đã tổ chức hội thảo: “Ba năm thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025: Các vấn đề và giải pháp”.

Tham dự hội thảo về có Phó Giáo sư Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Nhà báo Nguyễn Tiến Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kiêm Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam; Tiến sĩ Lê Trường Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại học FPT cùng lãnh đạo nhiều trường đại học, cao đẳng ngoài công lập trên cả nước.

Nghị quyết 35 rất “sát sườn” với các trường ngoài công lập

Được biết thời gian qua Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam - cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã "khơi dậy" và triển khai loạt bài nhìn lại 3 năm triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP ghi nhận những thuận lợi cũng như khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn.

Phó Giáo sư Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tham dự hội thảo: “Ba năm thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025: Các vấn đề và giải pháp” (ảnh: Doãn Nhàn)

Phó Giáo sư Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tham dự hội thảo: Ba năm thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025: Các vấn đề và giải pháp” (ảnh: Doãn Nhàn)

Tại hội thảo, Nhà báo Nguyễn Tiến Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kiêm Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã chia sẻ nhiều thông tin mà Tạp chí nhận được phản hồi từ phía các địa phương trong cả nước cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo về quá trình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP.

Nhà báo Nguyễn Tiến Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kiêm Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Doãn Nhàn

Nhà báo Nguyễn Tiến Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kiêm Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Doãn Nhàn

Chia sẻ tại hội thảo, Tiến sĩ Lê Trường Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Chủ tịch Quản trị Trường Đại học FPT cho rằng, Nghị quyết 35 đã có những đánh giá về hệ thống trường ngoài công lập như sau: “Sự phát triển của các cơ sở giáo dục đào tạo ngoài công lập đã góp phần thúc đẩy việc áp dụng những cách tiếp cận giáo dục tiên tiến của thế giới, nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.

“Đó là một đánh giá rất xác đáng của Nghị quyết 35 về hệ thống trường ngoài công lập để thể hiện vai trò cực kỳ quan trọng của trường ngoài công lập”, Tiến sĩ Tùng nói.

Chủ tịch Hội trường Đại học FPT cũng dẫn ra hệ thống dữ liệu thống kê về tổng số trường ngoài công lập, tỷ lệ số người học ngoài công lập ở các bậc học từ mầm non, bậc phổ thông, đến giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Thầy Lê Trường Tùng dẫn con số, năm 2020, bậc mầm non có 12.123 trường công lập, 6.702 trường ngoài công lập. Còn bậc đại học có 172 trường công lập, 65 trường đại học ngoài công lập.

Bảng thống kê về tỷ lệ trường cũng như tỷ lệ số người học ngoài công lập năm 2020. Ảnh chụp màn hình.

Bảng thống kê về tỷ lệ trường cũng như tỷ lệ số người học ngoài công lập năm 2020. Ảnh chụp màn hình.

“Nhìn vào bảng thống kê có thể nhìn được số liệu tổng thể về số trường ngoài công lập, trường công lập cũng như tỷ lệ người học ngoài công lập. Số liệu ấy đặt ra cho chúng ta nhiều suy nghĩ. Tỷ lệ giáo dục mầm non và giáo dục nghề nghiệp ở khối ngoài công lập khá cao, thấp nhất là khối giáo dục phổ thông rồi đến giáo dục đại học.

Vì sao bậc mầm non và giáo dục nghề nghiệp thì hệ thống ngoài công lập lại chiếm tỷ lệ lớn như vậy? Bởi việc mở trường mầm non rất dễ, chỉ cần đi thuê cơ sở vật chất là có thể mở trường, dựng lớp.

Đối với giáo dục nghề nghiệp cũng thế, không đòi hỏi phải xây dựng tốn kém. Về mặt nguyên tắc có thể triển khai hoạt động một cơ sở cao đẳng, dạy nghề mà không cần phải xây dựng cơ sở vật chất quá nhiều.

Nếu như giáo dục đại học cần đến 10 năm mới xây dựng được một thương hiệu thì cao đẳng chỉ cần 10 tháng là trưng biển hoạt động. Đó cũng là lý do vì sao mầm non và giáo dục nghề nghiệp thì trường ngoài công lập lại phát triển mạnh mẽ như vậy”, Tiến sĩ Lê Trường Tùng nêu quan điểm.

Thầy Tùng phân tích tiếp, một trong những trở ngại trong phát triển khối ngoài công lập là đòi hỏi về cơ sở vật chất.

“Có thể có những yêu cầu khắt khe về quản lý chất lượng nhưng đừng vì quy định “phải có đất xây trường” mới cho hoạt động thì như vậy sẽ rất khó”, thầy Tùng nói.

Sửa đổi quy định cũ để thực hiện ưu đãi cho giáo dục

Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, chia sẻ tại hội thảo là nhiều Nghị định, Thông tư đã cũ, chưa điều chỉnh kịp thời khiến cho việc huy động nguồn lực của xã hội đầu tư cho giáo dục gặp khó.

Tiến sĩ Lê Trường Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Chủ tịch Quản trị Trường Đại học FPT cho rằng các quy định về xã hội hóa giáo dục đã cũ cần phải điều chỉnh, thay đổi để phù hợp với tình hình mới. Ảnh: Doãn Nhàn

Tiến sĩ Lê Trường Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Chủ tịch Quản trị Trường Đại học FPT cho rằng các quy định về xã hội hóa giáo dục đã cũ cần phải điều chỉnh, thay đổi để phù hợp với tình hình mới. Ảnh: Doãn Nhàn

Cụ thể, các chính sách về ưu đãi xã hội hóa được nêu trong Nghị định số 69/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa, được sửa đổi bởi Nghị định số 59/2014; Quyết định số 1466 năm 2008; Quyết định số 693 năm 2013 và Quyết định số 1470 năm 2016.

Trong đó quy định về danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.

Điều kiện để được hưởng chính sách xã hội hóa là phải phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển ngành và kế hoạch phát triển xã hội hóa của ngành, quận, huyện... Để thành lập một trường đại học cực khó vì nó bắt buộc phải nằm trong quy hoạch...”.

Thầy Tùng cũng chỉ ra những vướng mắc về ưu đãi theo Luật Đầu tư. Cụ thể, Luật Đầu tư 2014 và sau này là Luật Đầu tư 2020 trong mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư đều không có giáo dục đại học.

“Vì không có ưu đãi nên khi làm việc với các địa phương họ không xem xét. Đến nay vấn đề này vẫn chưa được sửa.

Do đó, chúng tôi kiến nghị, các quy định chỉ cần nêu rõ là khi đầu tư cho giáo dục là được ưu đãi. Đừng yêu cầu về loại hình, quy mô, tiêu chí…”, thầy Tùng kiến nghị.

AN NGUYÊN