Xã hội hóa giáo dục: Nhìn từ bài “Ai cho tiền thì bảo vệ người ấy"

02/12/2013 07:35
Tác giả: Vân Đăng
(GDVN) - Ngày 15 tháng 12 năm 1988, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp ra Quyết định cho phép thành lập Trung tâm Đại học dân lập Thăng Long, đến nay hệ thống các trường CĐ-ĐH NCL đã có 25 năm phát triển. Với hơn 80 trường CĐ-ĐH và gần 13% sinh viên theo học, các trường NCL đã có đóng góp đáng kể vào sự nghiệp giáo dục đào tạo nước nhà.
Trường ĐH Chu Văn An (tỉnh Hưng Yên)
Trường ĐH Chu Văn An (tỉnh Hưng Yên)


Tuy vậy, cho đến nay chủ trương xã hội hóa giáo dục đang gặp nhiều khó khăn mà nguyên nhân một phần là do các cơ chế, chính sách không phù hợp, đặc biệt là một số quy định hiện hành và sự can thiệp của chính quyền, tổ chức, đoàn thể địa phương vào hoạt động của trường dưới danh nghĩa “theo quy định pháp luật hoặc theo điều lệ…”

Có nhiều lý do giải thích vì sao một số trường NCL xảy ra hiện tượng mất đoàn kết kéo dài, chất lượng đào tạo giảm sút ảnh hưởng đến niềm tin của xã hội vào loại hình đào tạo này. Một bài báo trên Tuanvietnam/Vietnamnet ngày 27/9/2013 với cái tít ẩn chứa nhiều điều cần bàn luận: “Ai cho tiền thì bảo vệ người ấy”. Bài báo viết: “ăn cây nào rào cây ấy, ai cho tiền hoạt động thì bảo vệ người ấy; Công đoàn thời kỳ Đổi mới chưa bao giờ đứng ra tổ chức đình công để đấu tranh quyết liệt quyền lợi cho công nhân”. 

Điều mà Vietnamnet nêu không chỉ đúng với tổ chức Công đoàn mà cũng đúng với các tổ chức đoàn thể khác. Những quy định về vai trò, nhiệm vụ của các tổ chức, đoàn thể trong các cơ sở tư nhân hiện không theo kịp những biến đổi nhanh chóng của thực tiễn cuộc sống. Khuyến khích tư nhân đầu tư, khuyến khích xã hội hóa, đặc biệt là trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, ngoài chế tài giám sát cũng cũng cần có chính sách được luật hóa nhằm bảo vệ nhà đầu tư trước những thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh.

Để tìm hiểu vấn đề này xin nêu một dẫn chứng:

Ngày 14/8/2013 Ban Tổ chức thành ủy Hưng Yên ban hành công văn số 587-CV/BTC (CV587) gửi ông Đặng Văn Định, nguyên CT. HĐQT, nguyên Bí thư Chi bộ trường Đại học Chu Văn An. Điểm 1 của công văn nói trên có nội dung như sau:

“Tại công văn số 1053-CV/BTCTU ngày 02/7/2013 của Ban tổ chức Tỉnh ủy Hưng Yên gửi Ban Thường vụ thành ủy Hưng Yên có nội dung: “…Ngày 27/5/2013, Ban Thường vụ Thảnh ủy tiếp tục có công văn số 665-CV/TU xin ý kiến về trường hợp đồng chí Đặng Văn Định có được làm Bí thư chi bộ trường Đại học Chu Văn An nữa hay không; sau khi xem xét, Ban Tổ chức Tỉnh ủy có ý kiến như sau: Căn cứ tiết a, mục 30.1, điểm 30, Quy định số 45-QĐ/TW về “thi hành điều lệ Đảng”, quy định: “Cấp ủy viên khi có quyết định nghỉ công tác chờ nghỉ hưu, quyết định nghỉ hưu hoặc có quyết định thôi làm công tác quản lý thì thôi tham gia cấp ủy đương nhiệm từ thời điểm nghỉ công tác chờ nghỉ hưu, thời điểm nghỉ hưu, thời điểm thôi làm công tác quản lý…” đối chiếu với quy định trên, đồng chí Đặng Văn Định đã có các quyết định thôi làm công tác quản lý của trường Đại học Chu Văn An, thì thôi tham gia Chi ủy đượng nhiệm và đương nhiên thôi làm Bí thư Chi bộ trường Đại học Chu Văn An nhiệm kỳ 2010-2015 kể từ thời điểm thôi làm công tác quản lý”.

Chuyện rất bình thường về việc tham gia hay không tham gia cấp ủy của một Đảng viên lại trở thành không bình thường vì cách hiểu “lạ lùng” của các cấp ban hành công văn 1053 và 587 nêu trên. Có thể nhận thấy việc vận dụng các quy định trong Điều lệ Đảng và QĐ45 áp dụng cho trường hợp của ông Định là không thích hợp, vì sao vậy?

Ông Đặng Văn Định là đảng viên 46 năm tuổi đảng, vốn là một giảng viên đại học, trình độ tiến sĩ, đã từng làm công tác quản lý giáo dục cấp vụ. Sau khi nghỉ hưu ông Định về quê, đầu tư mở Trường Đại học Chu Văn An, hiện vẫn đang sở hữu khoảng 20% vốn điều lệ. Ông  cũng là người đứng ra xây dựng chi bộ từ ngày đầu (năm 2007), và tiếp tục được bầu làm Bí thư Chi bộ nhiệm kỳ 2010-2015.

Tháng 4/2012 ông Định thôi giữ chức CT.HĐQT Đại học Chu Văn An, vin vào lý do “hết nhiệm kỳ” CT.HĐQT nhiệm kỳ mới đã đơn phương miễn nhiệm tất cả các chức vụ chuyên môn, khoa học khác của ông Định. Đây là lý do được viện dẫn để ban hành các công văn 1053 và 587 nhằm miễn nhiệm chức vụ Bí thư của ông Đặng Văn Định.

Như viện dẫn trong CV 587, việc thôi tham gia cấp ủy đương nhiệm đối với đảng viên được thực hiện khi một trong hai điều sau đây được thỏa mãn:

- Từ thời điểm nghỉ công tác chờ nghỉ hưu, thời điểm nghỉ hưu, hoặc

- Thời điểm thôi làm công tác quản lý để chờ nghỉ hưu, (trường hợp thay đổi vị trí quản lý thì không phải thôi cấp ủy).

Về chuyện nghỉ hưu: ông Định không nghỉ hưu ở Đại học Chu Văn An, ông là người chủ trì sáng lập trường, góp vốn, là cán bộ cơ hữu của trường, theo quy định pháp luật hiện hành ông là một trong các chủ sở hữu nhà trường. Không thể viện dẫn bất kỳ lý do gì để kết luận một chủ doanh nghiệp tư nhân, một chủ sở hữu trường tư thục lại “nghỉ hưu” tại nơi mình đang có tới 20% cổ phần?

 Về việc thôi làm công tác quản lý: Ở đây cần phải hiểu “thế nào là công tác quản lý”?  

Trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, Luật Doanh nghiệp quy định: “Người quản lý doanh nghiệp là chủ sở hữu, giám đốc doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh công ty hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành  viên, Chủ tịch công ty, thành viên Hôi đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc và các chức danh quản lý khác do Điều lệ công ty quy định”.

Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, Quy chế ban hành kèm Quyết định 61/2009/QĐ-TTg (QĐ 61) của Thủ tướng Chính phủ chi rõ: “ góp vốn là đưa tài sản vào nhà trường để trở thành chủ sở hữu nhà trường”. Quyết định 63/2011/QĐ-TTg, sửa đổi bổ xung QĐ 61 qui định: “Đại hội đồng cổ đông gồm tất cả các cổ đông. Đại hội đồng cổ đông là cơ quan có quyền quyết định cao nhất của trường”.

Một thực tế hiển nhiên là ở trường đại học ngoài công lập, các cương vị quản lý từ ban giám hiệu trở xuống đều có thể là những người không góp vốn, họ làm việc theo hợp đồng lao động và họ có thể bị chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của luật lao động. Chỉ có cổ đông góp vốn là gắn bó bền vững với trường. Theo quy định của pháp luật hiện hành “quyền quyết định cao nhất”, cũng là “quyền quản lý cao nhất” thuộc về cổ đông (người góp vốn) chứ không phải người làm việc theo hợp đồng lao động, kể cả khi người đó là Hiệu trưởng.

Câu hỏi đặt ra với các cấp ban hành các công văn nêu trên là: với các doanh nghiệp tư nhân, trường tư thục, nếu những người góp vốn (cổ đông) không có quyền lao động và quản lý cơ sở do mình bỏ tiền ra xây dựng thì ai có quyền đó? 

Trường hợp cụ thể của ông Bí thư chi bộ Trường Đại học Chu Văn An, cho dù không đảm nhận bất kỳ chức vụ nào ở Ban Giám hiệu, khoa, phòng thì ông vẫn là cán bộ cơ hữu, vẫn là một trong những người quản lý chính của nhà trường. Theo quy định trong QĐ 63 ông Định chỉ thay đổi vị trí quản lý chứ không mất quyền quản lý nhà trường.

Với cách diễn giải trong công văn 587 có thể hiểu là:

1. Một cấp ủy viên đang giữ một chức vụ quản lý nào đó thì phải cố giữ chức vụ đó để không bị miễn nhiệm, cũng không được từ chức nếu muốn tiếp tục tham gia cấp ủy, nói cách khác chức vụ quản lý là điều kiện để có thể tham gia cấp ủy?

2. Cách xuy diễn trong công văn 587 không phù hợp với tinh thần hướng dẫn tại tiết a, mục 30.1, điểm 30, Quy định số 45-QĐ/TW vì “thôi làm công tác quản lý thì thôi tham gia cấp ủy đương nhiệm từ thời điểm nghỉ công tác chờ nghỉ hưu”. 

Chỉ khi nào chứng minh được rằng ông Định thôi làm công tác quản lý để chờ nghỉ hưu thì mới có thể kết luận ông phải thôi cấp ủy, thôi Bí thư Chi bộ.

Chỉ liên hệ với Điều lệ Đảng thì cách hiểu của văn bản 587 đã xung đột với Khoản 2, Điều 3, Khoản 1, Điều 12 và Khoản 4 Điều 13 của Điều lệ. Chính vì vậy, việc áp dụng Tiết a, Mục 30.1 QĐ45 vào trường đại học ngoài công lập nói riêng và các cơ sở tư nhân nói chung là chưa thỏa đáng. Trường hợp ở Chi bộ Trường Đại học Chu Văn An chỉ tác động trực tiếp đến sinh mệnh chính trị cuả một đảng viên, nhưng nếu được vận dụng rộng rãi trên phạm vi toàn quốc thì hệ lụy thật khó lường. Liên quan đến việc ban hành các công văn 587 và 1053 nêu trên còn có một số vấn đề cần làm sáng tỏ:

1. Nếu các cấp ủy viên là người làm việc theo hợp đồng, khi bị chủ doanh nghiệp đồng loạt miễn nhiệm công tác quản lý thì họ cũng đồng loạt phải thôi cấp ủy và chi bộ phải ngừng hoạt động?

2. Bằng quyết định hành chính, chủ doanh nghiệp hoàn toàn có thể chi phối hoạt động của Chi bộ thông qua việc bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm chức vụ quản lý của đảng viên? Nói cách khác, chủ doanh nghiệp có thể gián tiếp cách chức Bí thư Chi bộ khi miễn nhiệm chức vụ quản lý của người này?

 3. Theo điều lệ trường đại học, chi bộ sẽ có đại diện tham gia Hội đồng Quản trị. Bằng cách chi phối cấp ủy (cho một chức vụ quản lý), HĐQT hoàn toàn có thể khống chế vị đại diện này bởi lẽ nếu không “nghe lời” chỉ cần cách chức là mất “cấp ủy”. 

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI nhấn mạnh “Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế”. Tới đây, thành phần kinh tế này càng phát triển mạnh và công tác xây dựng Đảng ở đây nên được xem là một nhiệm vụ mang tính thời sự của Tiểu ban Điều lệ Đảng.

Mong rằng công tác xây dựng Đảng tại các doanh nghiệp, trường học tư sẽ được nghiên cứu thấu đáo, hạn chế sự can thiệp  không khách quan, đặc biệt là những quyết định dưới sự tác động của các cá nhân theo kiểu “lách luật” nhằm đem lại lợi ích cho một nhóm người, đi ngược lại lợi ích của đa số người lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đường lối, chủ trương của Đảng và nhà nước.
Tác giả: Vân Đăng