Kéo dài thời gian nghĩa vụ quân sự, con em nông dân thiệt thòi?

22/11/2014 08:04
Ngọc Quang
(GDVN) - Đại biểu Lê Thị Tám: "Theo báo cáo, các con em đang làm nghĩa vụ quân sự ở những nơi nóng nhất như Hoàng Sa, Trường Sa vẫn 90% là con em nông dân".

Thảo luận về dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), nhiều Đại biểu Quốc hội bày tỏ sự băn khoăn về quy định kéo dài thời gian đi nghĩa vụ quân sự từ 25 lên 27 và thời gian phục vụ tại ngũ kéo dài từ 18 tháng lên 24 tháng.

Đại biểu Lê Thị Tám (đoàn Nghệ An) băn khoăn về thời hạn gia nhập của quân nhân trong quân đội.

“Tôi thấy nhiều đại biểu phát biểu trước tôi đa số thống nhất với ý kiến thời hạn phục vụ trong quân đội của quân nhân là 24 tháng, riêng tôi có lập luận khác. Chúng ta đang bàn về Luật nghĩa vụ quân sự, nghĩa là các thiết chế, chế định của luật thì nên hướng tới đối tượng thực hiện nghĩa vụ quân sự phổ thông, ở đây tôi thấy thời hạn tham gia quân đội, phục vụ trong quân đội của quân nhân làm nghĩa vụ quân sự thì đồng đều, nhất loạt là 24 tháng, tôi thấy nó không phù hợp”, bà Tám nói.

Nhiều Đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc việc kéo dài thời gian nhập ngũ từ 25 lên 27 tuổi và thời gian thực hiện nghĩa vụ từ 18 tháng lên 24 tháng.
Nhiều Đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc việc kéo dài thời gian nhập ngũ từ 25 lên 27 tuổi và thời gian thực hiện nghĩa vụ từ 18 tháng lên 24 tháng.

Đại biểu Tám phân tích làm rõ hai lý do:

Thứ nhất, theo lập luận của ban soạn thảo là nhằm mục tiêu xây dựng quân đội của chúng ta chính quy, hiện đại hơn, tinh nhuệ hơn, tôi thấy Luật sĩ quan Quân đội nhân dân cũng có lập luận như thế, cũng hướng vào cái luật riêng như thế, tôi thấy không thỏa mãn với lập luận đó.

Thứ hai, trong thực tiễn, hiện nay lực lượng tham gia làm nghĩa vụ quân sự mới đạt 5-6% người trong độ tuổi được tham gia nghĩa vụ quân sự, 5-6% tính  trên tổng số là khoảng 7 triệu người/năm thì có 500-600 người tham gia làm nghĩa vụ quân sự, trong đó 80% lại là con em của nông dân nghèo.

“Vậy thì chúng ta kéo dài thời gian là 24 tháng thì đối tượng thiệt nhất vẫn là con em của nông dân, một năm kéo dài thời gian phục vụ trong quân đội trở về chính sách địa phương không thể bù đắp nổi cho các anh, các chị tham gia nghĩa vụ quân sự về. Một thời gian của một con người trong độ tuổi lao động vàng như thế thì mất bao nhiêu cơ hội, tôi đề nghị Bộ Quốc phòng cũng như Quốc hội phải tính toán điều này. Chúng ta cái gì cũng dồn thiệt hại vào cho người nông dân như thế tôi thấy mất công bằng.

Nếu như chúng ta mở rộng đối tượng tham gia nghĩa vụ quân sự, cân đối với các lực lượng tham gia nghĩa vụ quân đội sắp tới thì liệu có đảm bảo sự công bằng trong quá trình huy động người tham gia nghĩa vụ quân sự không?”, bà Tám đặt vấn đề.

Cũng theo Đại biểu Lê Thị Tám, các con em đang làm nghĩa vụ quân sự ở những nơi nóng nhất như Hoàng Sa, Trường Sa vẫn có tới 90% là con em nông dân.

“Tôi đề nghị Bộ Quốc phòng nghiên cứu lại, có thể tách luật này ra và bổ sung một số chế định nữa để xây dựng đối với lực lượng bộ đội chuyên nghiệp như một số đại biểu trước tôi có gợi ý. Chúng ta không nên cào bằng việc huy động nghĩa vụ trong 24 tháng đối với tất cả người làm nghĩa vụ quân sự thì hoàn toàn không công bằng. Thực hiện chính sách tiết kiệm ngân sách cũng là từ đây.

Kéo dài 1 năm cho chừng ấy lực lượng, con người để làm một việc chỉ mang tính nghĩa vụ thì có nên hay không, có ảnh hưởng đến ngân sách của quốc gia hay không? Tôi nghĩ Quốc hội nên tính toán lại”, bà Tám nêu quan điểm.

Đồng quan điểm này, Đại biểu Hà Huy Thông (Thừa Thiên – Huế) chỉ ra hai vấn đề bất cập khi luật điều chỉnh thời gian kéo dài tuổi nhập ngũ và thời gian phục vụ trong quân ngũ:

Thứ nhất, kéo dài từ 18 tuổi lên 27 tuổi và nâng từ 18 tháng nghĩa vụ quân sự lên 24 tháng sẽ tạo ra một sự khác biệt giữa những người tham gia nghĩa vụ quân sự và tỷ lệ những người không tham gia nghĩa vụ quân sự.

“Tôi lấy thí dụ, hàng năm chúng ta có khoảng 1-1,5 triệu sinh viên ra trường. Nếu ta nâng từ 25-27 tuổi, có nghĩa là chúng ta có thêm khoảng 2,5-3 triệu người trong diện thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa là tỷ lệ không phải 5,85% mà tỷ lệ này sẽ xuống khoảng 4%, có nghĩa sẽ tạo ra một khoảng cách giữa những người thực hiện nghĩa vụ quân sự trên thực tế và những người không thực hiện nghĩa vụ quân sự, nó sẽ bất bình đẳng hơn”, ông Thông nói.

Thứ hai, nếu nâng từ 18 tháng lên 24 tháng thì sẽ có một sự bất bình đẳng khác, đó là giữa những người thực hiện nghĩa vụ quân sự sẽ phải đóng góp tham gia thời gian dài hơn với tỷ lệ lớn hơn không thực hiện nghĩa vụ quân sự.

“Tôi nghĩ tính đơn thuần về mặt kinh tế và toán học thì nó sẽ có  một sự không ổn ở đây rồi”, ông Thông nhấn mạnh.

Ngọc Quang