Mã số 62

Xót thương người vợ đảm đang 30 năm chăm chồng, con điên dại

21/06/2012 06:00
Hữu Sơn - P. Hải
(GDVN) - Mỗi khi chồng và con lên cơn, rên rỉ, trong nhà lại không có một đồng nào để mua thuốc nên dù rất thương chồng con nhưng bà chỉ biết khóc theo..
Ở thôn Hùng Sơn, xã Yên Hùng (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá) không ai là không thương xót cho hoàn cảnh của bà Lê Thị Bích (57 tuổi). Mặc cho căn bệnh thấp khớp đang ngày đêm hành hạ nhưng bà đang phải cật lực “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” làm lụng mò cua bắt ốc để nuôi chồng và con điên dại.

Đi lòng vòng qua nhiều con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo và tối tăm, chúng tôi tìm đến gia đình bà Lê Thị Bích khi mặt trời đã khuất núi. Đến đầu ngõ hiện ra trước mắt tôi là một căn nhà gỗ xiêu vẹo, mục nát chỉ rộng khoảng 30 mét vuông. Lúc này, cả gia đình bà Bích đang ăn bữa cơm tối, trên mâm cơm chỉ lèo tèo vài lá rau dại, một bát muối vừng đen ngòm để lâu đã bị hẩm.

Trong căn nhà tối thui đó, bà Bích với khuôn mặt khắc khổ, làn da đen sạm, dáng người gầy gò, lam lũ đang bón từng thìa cơm cho đứa con ăn với trông hết sức khó khăn, vất vả.

Đã hơn 30 năm nay, mọi việc từ ăn uống, tắm rửa, vệ sinh cho chồng và con đều do một tay bà Bích lo toan chăm sóc.
Đã hơn 30 năm nay, mọi việc từ ăn uống, tắm rửa, vệ sinh cho chồng và con đều do một tay bà Bích lo toan chăm sóc.

Nhìn quanh trong căn nhà trống hơ trống hoác không vật gì đáng giá, chỉ có một cái bàn tiếp khách đã mục nát, trên bàn là vài cái chén sứt mẻ bám đầy bụi,và một cái giường cũ kỹ để gia đình bà ghé lưng.

Tâm sự với tôi bà bắt đầu câu chuyện: "Tôi lấy chồng năm 19 tuổi, trong một gia đình nông dân nghèo, lúc đấy cả nước đang còn đánh Mỹ nên đói khổ lắm. Chồng tôi vì bị dị tật từ khi còn trẻ nên không phải ra tiền tuyến đánh giặc, hai vợ chồng ra sức cày cuốc để lấy cái ăn nuôi sống gia đình, chờ đến khi đất nước thống nhất mới sinh con.

Hòa bình lập lại được vài năm thì tôi sinh con gái đầu lòng, cả gia đình vui mừng lắm bởi lúc mới sinh ra đứa bé trông rất bụ bẩm, trắng trẻo, khoẻ mạnh cả hai vợ chồng kỳ vọng lắm. Chỉ mong sao sau này nó chăm ngoan, học hành thành đạt và đỡ đần cho bố mẹ. Vậy mà trời không thương khi năm lên 8 tuổi, nó đang khỏe mạnh như thế bỗng chốc trở nên điên dại, suốt ngày ngơ ngơ ngẩn ngẩn, nói cười một cách vô thức. Cũng từ đấy cả gia đình tôi không còn tiếng cười nữa… " - bà Bích nghẹn lời.

Từ lúc lấy nhau đến nay, vợ chồng bà sinh ra được cả thảy là bốn người con gồm 3 gái một trai. Đứa con gái đầu thì ngã bệnh trở nên điên dại suốt ngày nói cười.

Chồng bà là ông Lê Xuân Khang 60 tuổi cũng vì lo lắng làm lụng để lấy tiền chạy chữa cho con nhưng bao nhiêu tiền của cũng theo nhau đội nón mà đi, chính vì thế, do chán nản, thất vọng mà ông đổ bệnh trở nên điên dại nằm liệt giường, thỉng thoảng lại lên cơn la khóc, nói năng lảm nhảm suốt ngày mà không ai biết ông nói gì.

Bà Bích nói trong nước mắt: “Không hiểu làm sao cái số tôi sao lại khổ thế, con thì đang khỏe mạnh thì bỗng dung đổ bệnh, đến chồng là chỗ dựa duy nhất cho tôi và cả nhà mà cũng vì lo nghĩ nhiều cho con mà cũng trở nên như vậy!”, dòng lệ len theo khoé mắt chảy xuống gò má nhăn nheo của bà.

Nhìn khuôn mặt khắc khổ hằn lên từng nếp nhăn của người phụ nữ lam lũ, khổ cực, chúng tôi cũng cảm thấy quặn lòng xót thương thay cho cuộc đời của bà.

Mặc dù nhiều lần bà vay mượn anh em làng xóm láng giềng đi chạy chữa cho chồng và con nhưng “tiền thì mất, tật vẫn mang”, bệnh tình của hai người thì chẳng thấy thuyên giảm. Thu nhập chính của cả gia đình bà hiện nay chỉ dựa vào mấy sào ruộng.

Chồng con bệnh tật thì đã đành, bà thì cũng chẳng khỏe mạnh gì khi đau ốm triền miên, mổi khi trái gió trở trời căn bệnh thấp khớp lại hành hạ nhưng bà vẫn phải cố gắng gượng để làm lụng kiếm lấy cái ăn, tiền thuốc thang cho chồng và con. 

Do cuộc sống khó khăn như vậy nên ba người con sau của bà cũng đã phải bỏ học từ rất sớm để đi vào tận Bình Dương để làm thuê, làm mướn. Bà con lối xóm ai nấy cũng thương cho hoàn cảnh gia đình bà nên nay cho củ sắn, củ khoai, mai cho bát gạo để cầm cự qua ngày. Chính quyền địa phương dù rất hiểu và cảm thông cho hoàn cảnh gia đình bà nên năm 2009 đã cố gắng trợ cấp cho chồng và con bà Bích mỗi tháng 120 nghìn đồng.

Đã hơn 30 năm nay, mọi việc từ ăn uống, tắm rửa, vệ sinh cho chồng và con đều do một tay bà lo toan chăm sóc. Bà kể rằng mỗi khi chồng và con lên cơn la khóc, rên rỉ, trong nhà lại không có một đồng nào để mua thuốc thang nên dù rất thương chồng, thương con, bà cũng đành chỉ biết khóc theo mà không thể làm gì được.

Hiện nay bà sức đã cạn, lực đã kiệt nhưng đang phải gồng mình nuôi chồng và con điên dại. Trước khi chia tay bà, chúng tôi có hỏi mong ước gì nhất bà đã nói rằng: “Tôi chỉ cầu mong ông trời thương tình cho tôi được khỏe mạnh, đôi chân được cứng, đôi tay được mạnh để còn lo cho chồng và con”.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

1. Bà Lê Thị Bích, thôn Hùng Sơn, xã Yên Hùng (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá)

Mã số 62 

2. Hoặc gửi về Quỹ Tấm Lòng Việt Nam - Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

- Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888

3. Qua Ngân hàng:

- Tên Tài khoản: Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu Giấy.

- Swift Code: VBAAVNVX

- Email: tamlongvietnam@giaoduc.net.vn


Hữu Sơn - P. Hải