Xử lý thế nào với những "khối u" của nền kinh tế Việt Nam?

22/12/2016 08:59
Mai Anh
(GDVN) - Theo các chuyên gia kinh tế, nếu rà soát kỹ từng bộ, ngành, địa phương thì có thể còn phát hiện thêm các dự án, nhà máy hoạt động kém hiệu quả.

Chính phủ vừa bổ sung sơ bộ thêm 7 nhà máy, dự án vào danh sách các nhà máy, dự án thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương.

Như vậy, cùng với 5 nhà máy, dự án thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả mà Quốc hội đã nêu lên tại Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 vừa qua, ngành Công Thương đang phải đối diện với 12 dự án thua lỗ lớn.

Điều đó đồng nghĩa ngân sách Nhà nước đứng trước nguy cơ mất thêm hàng trăm thậm chí hàng nghìn tỷ đồng từ số nhà máy, dự án thua lỗ mới này.

Nhà máy đạm Ninh Bình là một trong 5 dự án thua lỗ đã được nêu ra tại Quốc hội - ảnh VTC.
Nhà máy đạm Ninh Bình là một trong 5 dự án thua lỗ đã được nêu ra tại Quốc hội - ảnh VTC.

Nhiều dự án thua lỗ không phải chuyện bất ngờ

TS.Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế cho biết, việc Ban chỉ đạo giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý những tồn tại, yếu kém của một số nhà máy, dự án thua lỗ thuộc ngành Công Thương bổ sung thêm 7 dự án, nhà máy vào danh sách “đen” không phải điều bất ngờ.

“Nếu rà soát ở các bộ, ngành khác thì có thể còn phát hiện số nhà máy, dự án thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả sẽ tiếp tục tăng lên”, TS.Nguyễn Minh Phong nhận định.

Theo TS.Nguyễn Minh Phong nguyên nhân dẫn đến nhiều dự án do nhà nước đầu tư thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả không phải bây giờ mới được mổ xẻ, vì thế ông không bất ngờ khi biết có thêm 7 dự án thua lỗ thuộc ngành Công Thương.

TS.Nguyễn Minh Phong cho rằng con số nhà máy, dự án thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả tăng lên là điều không bất ngờ/ ảnh nguồn VietQ
TS.Nguyễn Minh Phong cho rằng con số nhà máy, dự án thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả tăng lên là điều không bất ngờ/ ảnh nguồn VietQ

“Trước đây, chúng ta không xử lý hoặc xử lý chưa triệt để, dẫn đến yếu kém tại các dự án đầu tư kéo dài, ngân sách nhà nước chịu thiệt hại lớn.

Vì vậy, việc bổ sung thêm 7 dự án, nhà máy thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả vào danh sách cho thấy quyết tâm của Chính phủ muốn giải quyết dứt điểm 'khối u' của nền kinh tế”, ông Phong đánh giá.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, Chính phủ quyết tâm xử lý dứt điểm các nhà máy, dự án thua lỗ thuộc ngành Công Thương chắc chắn sẽ nhận sự quan tâm, ủng hộ lớn của nhân dân.

Điều cần thiết lúc này là Chính phủ nhanh chóng chỉ đạo rà soát, làm rõ tất cả các dự án, các nhà máy xem những đơn vị nào hoạt động kém hiệu quả, đang thua lỗ để có biện pháp xử lý dứt điểm, ngăn chặn không để bị biến thành 'ung nhọt' mới.

Đồng quan điểm, TS.Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận định, nhà máy, dự án thua lỗ, hoạt động yếu kém thuộc ngành Công Thương do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chủ yếu do kiểm tra, kiểm soát không nghiêm túc.

“Nguyên nhân xuất phát từ chính sách, điều hành, quản lý, năng lực cán bộ và đặc biệt vấn đề kiểm tra kiểm soát. Đáng nói hơn những yếu kém đó kéo dài trong nhiều năm không sửa chữa, chỉnh đốn, do đó đến khi phát hiện ra thì những thiệt hại gây ra cho nền kinh tế đã lên đến con số hàng nghìn tỷ đồng”, TS.Kiêm đánh giá.

Ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng, các nhà máy thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả hầu hết nằm ở dự án sử dụng vốn ngân sách để đầu tư kinh doanh. Như vậy có thể thấy khâu kiểm soát, sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong đầu tư có lỗ hổng quá lớn.

Xử lý thế nào với những "khối u" của nền kinh tế Việt Nam? ảnh 3

Thêm 7 dự án, nhà máy lớn ngành Công Thương thua lỗ, kém hiệu quả

“Có khi cũng dự án như vậy, quy mô tương tự nhưng tư nhân hay nước ngoài đầu tư hiệu quả, trong khi doanh nghiệp nhà nước sử dụng vốn ngân sách lại thua lỗ hoặc không hiệu quả.

Nói như vậy để thấy nguyên nhân thua lỗ chủ yếu đến từ chủ quan, do quản lý điều hành của chúng ta”, ông Kiêm nói.

Theo ông Cao Sỹ Kiêm, khi những vấn đề như điều hành, quản lý, kiểm tra kiểm soát các dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước làm không tốt, để tồn tại ấy kéo dài rồi trở thành cái nếp có tính chất phổ biến thì danh sách nhà máy, dự án thua lỗ sẽ tiếp tục tăng.

Tránh việc “kéo chỗ này lòi chỗ khác”

Theo TS.Cao Sỹ Kiêm, con số các nhà máy, dự án thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả dần được bộc lộ là hậu quả của một thời kỳ quản lý lỏng lẻo, dẫn đến chấp hành không nghiêm quy định của pháp luật. 

Mặt khác, không quy trách nhiệm người đứng đầu dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”, cuối cùng nhà nước và nền kinh tế phải gánh chịu hậu quả.

“Sau khi đưa ra danh sách nhà máy, dự án thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả. Để tránh tình trạng này tiếp diễn Chính phủ cần chỉ đạo bộ, ngành thực hiện đồng bộ giải pháp tránh việc hở chỗ này lòi chỗ khác”, ông Kiêm nói.

Theo ông Kiêm có ba việc cần làm ngay:

Thứ nhất, phải thanh tra kiểm tra nếu cần thiết chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ nguyên nhân của thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả. 

“Trong hoạt động đầu tư hay sản xuất phải làm rõ thua lỗ đến từ khâu nào, thua lỗ bao nhiêu cũng như tình hình hoạt động thực tế của doanh nghiệp. Rồi từ đó có báo cáo lên Chính phủ để quyết định có tiếp tục đầu tư hay xóa bỏ.

Xóa bỏ dù đau nhưng phải làm, không thể để những dự án thua lỗ này như viên đá kéo chìm nền kinh tế, kéo chìm doanh nghiệp xuống”, ông Kiêm nêu quan điểm.

Theo TS. Cao Sỹ Kiêm có 3 việc cần làm ngay để giải quyết vấn đề tại các nhà máy, dự án thua lỗ yếu kém thuộc ngành Công Thương/ ảnh H.Lực
Theo TS. Cao Sỹ Kiêm có 3 việc cần làm ngay để giải quyết vấn đề tại các nhà máy, dự án thua lỗ yếu kém thuộc ngành Công Thương/ ảnh H.Lực

Thứ hai, phải kiểm tra xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Đây là việc làm không chỉ có tính chất giải quyết vấn đề trước mắt mà còn tạo cơ sở để răn đe những sai phạm tương tự trong tương lai.

Thứ ba, rà soát lại các dự án đã làm, đang làm để nắm được hoạt động thực tế. Từ đó chúng ta quyết định có đầu tư hay không.  

“Nếu thấy dự án có vấn đề cần phải chấn chỉnh ngay từ đầu thậm chí loại ra để tránh gây hậu quả nghiêm trọng hơn. Trên cơ sở đó bổ sung thể chế, bố trí con người có năng lực, điều hành chính sách vĩ mô hợp lý, cơ cấu ngành kinh tế…

Có làm đồng bộ, thường xuyên, từ cấp trên đến cấp dưới và thành nề nếp, có kỉ cương mới  có khả năng giải quyết vấn đề tồn tại trên”, ông Kiêm cho biết.

Theo TS.Kiêm, phải tránh việc làm một chỗ, một nơi, một thời gian. Bởi nếu không đồng bộ, thiếu sự quyết tâm của cả bộ máy thì "kéo chỗ này lòi chỗ khác" không dứt điểm được.

Tại sao mới chỉ kiểm tra các dự án ngành Công Thương?

Theo các chuyên gia kinh tế, nếu làm chặt chẽ, rà soát các doanh nghiệp, dự án đầu tư tại ngành khác cũng có thể sẽ phát hiện không ít các nhà máy, dự án hoạt động kém hiệu quả. 

“Không chỉ riêng gì ngành Công Thương, tuy nhiên những yếu kém tồn tại Công Thương là điển hình. Thể hiện ở số nhà máy, dự án thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả ngày càng bộc lộ”, TS. Kiêm cho biết.

Ông Kiêm nhận định, khâu cốt lõi chủ chốt dẫn đến yếu kém ngành Công Thương là việc quản lý, bố trí sử dụng nhân sự có sự lỏng lẻo.

Trong khi đó theo, theo TS.Nguyễn Minh Phong việc nhà máy, dự án thua lỗ, hoạt động yếu kém được đưa ra gần đây chủ yếu thuộc ngành Công Thương do đây là ngành quản lý hầu hết các điểm nóng kinh tế là công nghiệp và thương mại. 

Ông Phong cảnh báo, cũng cần lưu ý kiểm tra, rà soát dự án ở các ngành khác có tính chất đặc thù như nông nghiệp, y tế.

Ngoài vấn đề quản lý nhân sự, theo TS.Cao Sỹ Kiêm nguyên nhân dẫn đến doanh nghiệp thuộc ngành Công Thương quản lý có nhiều dự án thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả do Bộ này đang phải làm cả hai việc quản lý nhà nước và điều hành kinh doanh.

"Vừa qua việc phê duyệt quyết định đầu tư, thực hiện đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty do ngành Công Thương quản lý dẫn đến thua lỗ không quy được trách nhiệm cá nhân, nguyên nhân xuất phát từ việc vừa làm chính sách vừa quản lý kinh doanh.

Về chính sách vĩ mô cần rạch ròi, tách biệt vai trò quản lý nhà nước và kinh doanh", ông Kiêm cho biết thêm.

Mai Anh