Xu thế phát triển đô thị ĐH của thế giới và những thách thức đặt ra với Việt Nam

27/12/2022 06:51
TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các nghiên cứu chỉ ra rằng ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, thách thức trong việc xây dựng và vận hành đô thị ĐH đến từ nhiều nguyên nhân.

“Trường đại học” và “đại học” là hai khái niệm đã có định nghĩa cùng những tiêu chí phân định tương đối rõ được quy định trong Luật Giáo dục đại học 2018. Vậy mà khi công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội, đã có không ít ý kiến từ thắc mắc về tên gọi cũng như cách phân định trường đại học với đại học.

Thực ra, việc chuyển từ trường đại học thành đại học là một bước phát triển về chất của nhà trường cả về quy mô đào tạo, lĩnh vực đào tạo, cơ cấu đào tạo, trình độ đào tạo, sứ mệnh và quản trị nhà trường, nhưng vì cái "vỏ" tiếng là: “trường đại học” và “đại học” không những không nói lên được sự khác biệt mà còn có thể gây nhầm lẫn, nên những tranh cãi là không tránh khỏi.

Mới đây, trong Nghị quyết số 138 ngày 25/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045, khi nói về định hướng phát triển các ngành hạ tầng xã hội liên quan đến giáo dục đại học, đã có quy định “Phát triển một số khu đô thị đại học”. Quy định này phản ánh một xu thế phát triển trong mô hình tổ chức giáo dục đại học, nhưng khái niệm “đô thị đại học” nếu không được định nghĩa rõ ràng cũng sẽ dẫn đến những tranh cãi không cần thiết.

Bài viết này muốn làm rõ khái niệm đô thị đại học cùng một số xu thế phát triển không gian giáo dục đại học trong bối cảnh ngày nay mà Việt Nam có thể và cần tham khảo khi xây dựng quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học.

Trụ sở Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc. Ảnh: VNU

Trụ sở Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc. Ảnh: VNU

Thế nào là đô thị đại học

Theo Bách khoa toàn thư Việt Nam thì đô thị là “không gian cư trú của cộng đồng người sống tập trung và hoạt động trong những khu vực kinh tế phi nông nghiệp. Đô thị được phân loại theo các chức năng kinh tế - xã hội như: đô thị công nghiệp, đô thị hành chính, đô thị cảnh quan, đô thị du lịch…”.

Đô thị đại học hoàn toàn được hiểu theo nghĩa trên. Đó là không gian cư trú của cộng đồng dân cư có liên quan chủ yếu đến giáo dục đại học. Chẳng hạn, tính trung bình trong khoảng 350 đô thị đại học của Mỹ thì 64% dân cư là sinh viên, giảng viên, hoặc cán bộ, nhân viên trường đại học.

Đô thị đại học đã có từ lâu trên thế giới, nhưng ít được nghiên cứu. Tháng 10/2009 mới có công trình nghiên cứu công phu đầu tiên của Phó Giáo sư Blake Gumprecht về đô thị đại học Mỹ [1].

Theo đó, các đô thị này, tuy rất đa dạng, nhưng đều có một số đặc điểm chung, khác biệt với các loại đô thị khác. Dân cư ở đây trẻ và có trình độ cao: tính trung bình thì 33% có tuổi từ 18 đến 24, 35% có trình độ từ cử nhân trở lên, 4% là tiến sĩ. Đô thị đại học cũng là nơi lưu động, thu hút người từ mọi miền của đất nước và trên thế giới. Vì thế, nó không chỉ là trung tâm văn hóa địa phương mà còn là nơi có sự tiếp biến văn hóa độc đáo và mạnh mẽ. Thậm chí, đó cũng là cái nôi của một số lối sống phi truyền thống như hippie những năm 1970...

Tuy nhiên, đô thị đại học không có nghĩa là đại học đó có vị thế hành chính như một đô thị. Theo đúng thuật ngữ university town mà người Mỹ dùng thì thuật ngữ đô thị đại học mà chúng ta hiện đang sử dụng chỉ nên hiểu đơn giản là không gian cư trú của một cộng đồng dân cư ở cấp độ thị trấn (town) gắn liền với một đại học. Nghĩa là đại học đó tạo ra xung quanh nó một không gian đô thị cùng một cộng đồng dân cư với đời sống kinh tế - xã hội bị chi phối rất nhiều bởi tổ chức và hoạt động của nhà trường. Chẳng hạn, đô thị đại học Berkeley có nghĩa là trong thành phố nhỏ Berkeley, với khoảng 100.000 dân, có đại học Berkeley toạ lạc trong khuôn viên đất 2700 ha mà hệ thống trường, lớp, labo, nhà xuất bản, ký túc xá, sân vận động, rạp hát, bệnh viện, đường phố, công viên, cửa hàng, dịch vụ…, không ngừng phát triển và hiện đại hóa suốt 150 năm nay, đóng góp chính cho kinh tế - xã hội địa phương.

Nhìn lại quá trình hình thành của đô thị đại học

Đô thị đại học về cơ bản là một sản phẩm của xã hội Mỹ. Nó gắn liền với sự ra đời của các đại học Mỹ, vốn do tư nhân thành lập ở các thành phố nhỏ, nơi được lãnh đạo thành phố ủng hộ, với mong muốn nhà trường sẽ góp phần phát triển kinh tế địa phương. Vì thế nhà trường mới đầu chỉ chiếm một vị trí khiêm tốn trong không gian địa-kinh tế cũng như địa-chính trị của thành phố.

Sau Thế chiến 2, với xu thế đại chúng hóa giáo dục đại học, nhà trường đại học Mỹ phình ra về dân cư và địa lý cùng những tác động lớn về kinh tế và chính trị đối với chính quyền địa phương. Đại học không đơn thuần là nơi giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phục vụ xã hội, mà còn là ông chủ lao động lớn nhất, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều dịch vụ ăn theo như nhà hàng, quán cà phê, rạp hát, rạp chiếu bóng, bệnh viện, câu lạc bộ, các loại cửa hàng...

Đại học cũng bành trướng về đất đai để phát triển thêm chi nhánh, mở rộng ký túc xá cho sinh viên, xây nhà cho cán bộ, giảng viên thuê để họ có thể đi bộ hoặc đi xe đạp đến trường. Cung không đáp ứng nổi cầu, bên ngoài khuôn viên nhà trường, nhiều ngôi nhà được dân cư địa phương dựng lên hoặc nhượng lại để cho sinh viên thuê. Hệ thống hạ tầng cơ sở, theo năm tháng, được nâng cấp và hoàn thiện dần, tạo thành một không gian đô thị cùng cảnh quan kiến trúc và môi trường văn hóa đặc trưng của riêng nó.

Các đô thị đại học ở Mỹ đã hình thành một cách tự phát như vậy, trung bình mất khoảng 130 năm kể từ khi đại học được thành lập đến khi có bộ mặt đô thị như hiện nay. Ở Châu Âu, trừ một số ngoại lệ như Cambridge và Oxford, các đại học lâu đời được xây dựng trong lòng các thành phố lớn và vì vậy không thể phát triển thành đô thị đại học. Chỉ các đại học nằm trong thành phố nhỏ (như Bologna, Poitiers…) hoặc đại học mới xây nằm ven ô các thành phố, mới có điều kiện phát triển thành đô thị đại học để một mặt đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô giáo dục đại học, mặt khác góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Từ đô thị đại học đến công viên khoa học

Có thể coi đô thị đại học là một mô hình thành công của giáo dục đại học trong thế kỷ 20. Tuy nhiên, ngay từ những thập niên cuối của thế kỷ 20 đã xuất hiện mô hình phát triển mới tương thích với bước chuyển từ văn minh công nghiệp sang văn minh trí tuệ. Mô hình này có nhiều tên gọi, như công viên công nghệ (technology park), công viên nghiên cứu (research park), phổ biến hơn cả là tên gọi công viên khoa học (science park).

Công viên khoa học là mô hình trong đó đại học phối hợp hoạt động với các công ty công nghệ cao trong cùng một khuôn viên để cùng phát triển thông qua tương tác. Đặc trưng cơ bản của các công ty trong công viên khoa học là hướng tới canh tân và sáng tạo. Điều đó được thực hiện nhờ vai trò trung tâm của đại học trong công viên khoa học. Mối quan hệ tương tác ở đây là đại học mở ra với thế giới sản xuất hiện đại, chuyển giao công nghệ mới cho công ty, còn công ty đặt hàng và cung cấp thêm nguồn thu cho nhà trường.

Về cơ bản, công viên khoa học hoạt động không nhằm mục đích lợi nhuận. Nó thường được chính phủ các nước hỗ trợ để công viên khoa học là vườn ươm công nghệ mới, ngành công nghiệp mới, công ty mới, tạo ra việc làm mới. Vì thế mối quan hệ cơ bản trong công viên khoa học là quan hệ ba bên: nhà nước, đại học, các công ty tư nhân vừa và nhỏ. Động lực phát triển của nó là hợp tác sáng nghiệp vì sự phát triển kinh tế và năng lực cạnh tranh của địa phương.

Công viên khoa học lớn hơn đô thị đại học. Ở Mỹ, dân số cao nhất của đô thị đại học vào khoảng 200.000 người (như đô thị đại học Wisconsin-Madison), còn dân số công viên khoa học có thể lên tới 500.000 người.

Đại học Wisconsin-Madison phát triển theo mô hình đô thị đại học. Ảnh: Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ)

Đại học Wisconsin-Madison phát triển theo mô hình đô thị đại học. Ảnh: Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ)

Công viên khoa học đầu tiên trên thế giới là công viên khoa học của Đại học Stanford (bang California, Mỹ) được thành lập vào năm 1951. Chính nơi đây đã là cái nôi của công ty Hewlett-Packard, nhà sản xuất máy tính cá nhân hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, vai trò của công viên khoa học này còn ghê gớm hơn nhiều. Chính nó cùng với đại học Stanford, đại học Berkeley, cùng một số tác nhân nữa, như sự phát triển của các công ty về bán dẫn và máy tính trong khu vực, sự đầu tư của nhà nước vào công nghiệp quốc phòng địa phương, việc hình thành mạng lưới các nhà đầu tư mạo hiểm, kể cả khí hậu tuyệt vời của vùng Bắc California, đã dẫn đến sự ra đời của công viên khoa học lớn nhất và nổi tiếng nhất thế giới, đó là Thung lũng Silicon.

Từ công viên khoa học đến tổ hợp công nghiệp

Thung lũng Silicon không chỉ là công viên khoa học. Nó là sự mở rộng của công viên khoa học thành tổ hợp đào tạo đại học - nghiên cứu khoa học - sản xuất công nghiệp, gọi tắt là tổ hợp công nghiệp (industrial cluster).

Tổ hợp công nghiệp là mô hình liên kết của bốn nhà trên cùng một địa bàn: nhà nước, nhà trường (đại học), nhà khoa học (viện nghiên cứu), nhà máy (doanh nghiệp). Mục đích của sự liên kết này là hỗ trợ và bổ sung nhau trong việc sản sinh, truyền bá và áp dụng tri thức. Thành công của Thung lũng Silicon chứng tỏ rằng khi cơ quan nhà nước, đại học, viện nghiên cứu khoa học, công ty công nghệ cao phối hợp hoạt động với nhau trên cùng một địa bàn thì năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của địa phương và của quốc gia sẽ được tăng cường mạnh mẽ.

Có một sự thật hiển nhiên là tổ hợp công nghiệp nào muốn thành công cũng phải có sự hiện diện của một đại học mạnh. Ảnh minh họa: Trường Đại học Phenikaa

Có một sự thật hiển nhiên là tổ hợp công nghiệp nào muốn thành công cũng phải có sự hiện diện của một đại học mạnh. Ảnh minh họa: Trường Đại học Phenikaa

Đó là vì do được đứng trên cùng một địa bàn nên giữa các đơn vị hình thành hai loại liên kết: liên kết dọc giữa cơ quan nhà nước, đại học, viện nghiên cứu khoa học, công ty; liên kết ngang giữa các công ty với nhau. Liên kết dọc giúp nâng cao hiệu quả của hiệu ứng lan toả, rút ngắn quá trình từ ý tưởng đến sản phẩm, giảm bớt chi phí giao dịch, thúc đẩy hợp tác. Liên kết ngang tạo điều kiện sản sinh ý tưởng, khuyến khích sự đa dạng, thúc đẩy cạnh tranh. Như thế, động lực cho sự phát triển thành công của tổ hợp công nghiệp là hợp tác và cạnh tranh.

Liệu đại học có phải là nhân vật trung tâm của tổ hợp công nghiệp hay không, vấn đề này vẫn còn nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, có một sự thật hiển nhiên là tổ hợp công nghiệp nào muốn thành công cũng phải có sự hiện diện của một đại học mạnh trên địa bàn vì chính đại học đó sẽ cung cấp nhân lực trình độ cao phù hợp nhất cho các yêu cầu của tổ hợp.

Công viên khoa học Cambridge, một công viên khoa học lâu đời nhất của nước Anh, thành lập năm 1970, ngày nay cũng là một tổ hợp công nghiệp với hơn 100 công ty gắn bó mật thiết với Đại học Cambridge. Thành phố khoa học Daedeok của Hàn Quốc, xây dựng năm 1973, cũng là một vành đai công nghiệp tích hợp các công ty, công viên khoa học, Đại học Chungnam, và các viện nghiên cứu. Tổ hợp công nghiệp Hsinchu của Đài Loan (Trung Quốc), thành lập năm 1980, gắn liền với hai đại học danh tiếng là Đại học quốc gia Tsing Hua và Đại học quốc gia Chiao Tung. Ở Malaysia, siêu hành lang đa phương tiện MSC, được triển khai từ năm 1996, cũng là một tổ hợp công nghiệp lớn hướng tới nền kinh tế tri thức, trong đó đại học đa phương tiện có nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu kỹ năng và nhân lực trình độ cao của các công ty đặt trong tổ hợp đó.

Các thách thức với Việt Nam

Đề án xây dựng đô thị đại học ở nước ta đã được đề xuất và bàn thảo vào năm 2009, nhưng những tranh cãi không ngã ngũ về cả học thuật, chữ nghĩa và pháp lý đã khiến những hồ sơ thiết kế được đưa vào lưu trữ.

Trước đó, ý tưởng xây dựng đô thị Hòa Lạc thành một tổ hợp công nghiệp với khu công nghệ cao kết nối với Đại học quốc gia Hà Nội và trung tâm R&D đã có từ đầu những năm 1990 và được triển khai bước đầu với Quyết định 72 ngày 27/01/1995 của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt nhằm xây dựng Đại học quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc thành đô thị đại học hiện đại, đạt chuẩn quốc tế.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, cả về quyết tâm trong chỉ đạo, triển khai cũng như khó khăn về nguồn lực và giải phóng mặt bằng nên việc triển khai diễn ra rất chậm, hầu như giậm chân tại chỗ. Phải đợi 25 năm sau, với quyết tâm rất lớn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Quyết định 705 ngày 28/5/2020 được ban hành, theo đó đô thị Hòa Lạc được định hướng là đô thị khoa học - công nghệ, nơi tập trung trí tuệ và công nghệ tiên tiến, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ cao của cả nước, trung tâm đại học quốc gia và cao đẳng dạy nghề, trung tâm y tế, khám chữa bệnh, nghỉ dưỡng. Và hai năm sau, ngày 19/5/2022, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chính thức chuyển trụ sở đến cơ sở mới tại Hòa Lạc. Đó là một bước tiến đáng mừng nhưng để góp phần xây dựng đô thị Hòa Lạc thành đô thị khoa học - công nghệ như mong muốn thì còn rất nhiều thách thức cần nhận dạng đầy đủ.

Đó là vì sự vận hành thành công của đô thị/công viên khoa học - công nghệ dựa trên mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa ba nhà (nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp) trong đó: Nhà nước tạo ra môi trường chính sách cần thiết để nhà trường và doanh nghiệp có năng lực, động lực và niềm tin đến với nhau. Tuy nhiên, mối quan hệ hợp tác này, ở các nước đang phát triển, thường chỉ dừng lại trên văn bản.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, các thách thức trong việc xây dựng và vận hành từ đô thị đại học, đến công viên khoa học, tổ hợp công nghiệp đều gắn liền với một hạ tầng còn nhiều bất cập cả về thể chế, về chất lượng đào tạo, về năng lực R&D, về đội ngũ nhân lực chất lượng cao, về mô hình sản xuất và kinh doanh. Trong đó văn hóa quan liêu của các cơ quan chính phủ cùng thói quen phân mảnh trong tổ chức cũng như hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp là rào cản lớn cho sự hình thành và vận hành hiệu quả của các liên kết và quan hệ hợp tác cần thiết [2].

Đó là những thách thức chung, còn riêng với Việt Nam, còn phải kể đến một số thách thức dai dẳng là tính duy ý chí trong xây dựng chính sách cùng những bất cập trong năng lực tổ chức thực hiện và sự thiếu nghiêm minh của chế tài khiến cho giữa chính sách và tổ chức thực hiện luôn có khoảng cách khó bị lấp đầy.

Vì vậy trong quy hoạch sắp tới về mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, rất cần làm rõ các thách thức này để việc đề xuất về tái cơ cấu hệ thống các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam theo hướng hình thành các đại học, đô thị đại học, công viên khoa học, tổ hợp công nghiệp là thực sự cần thiết, phù hợp và khả thi.

Tài liệu tham khảo

[1] Blake Gumprecht. 2009. The American College Town. Published by University of Massachusetts Press

[2] Saad, M. & Zawdie, G. 2011. Theory and practice of the triple helix system in developing countries: issues and challenges. New York: Routledge

TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến