Yêu cầu báo cáo xử lý, kiểm điểm vụ Hiệu trưởng độc quyền 30 năm trước tháng 12

27/10/2016 10:31
Bài và ảnh: Trúc Linh
(GDVN) - Chủ tịch tỉnh Cà Mau vừa có công văn yêu cầu trước tháng 12, Chủ tịch huyện Đầm Dơi phải kiểm điểm, xử lý và báo cáo xong vụ Hiệu trưởng độc quyền 30 năm.

Thông tin tiếp vụ việc “30 năm “độc quyền” làm Hiệu trưởng, một thầy giáo ở Cà Mau bị tố nhiều sai phạm”, mới đây Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau vừa có công văn chỉ đạo xử lý trách nhiệm tập thể các cá nhân liên quan đến vụ việc.

Công văn do ông Trần Hồng Quân (Phó Chủ tịch) ký nêu rõ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đầm Dơi chỉ đạo kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan và phải có báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh trước tháng 12/2016.

Trường Trung học Cơ sở Thanh Tùng, nơi có Hiệu trưởng độc quyền hơn 30 năm.
Trường Trung học Cơ sở Thanh Tùng, nơi có Hiệu trưởng độc quyền hơn 30 năm.

Như đã thông tin, bài viết “30 năm “độc quyền” làm Hiệu trưởng, một thầy giáo ở Cà Mau bị tố nhiều sai phạm” đã phản ánh nhiều vấn đề sai phạm tại trường Trung học Cơ sở Thanh Tùng (xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi) và dấu hiệu lạm quyền của Hiệu trưởng dẫn đến nhiều bức xúc trong nội bộ giáo viên, phụ huynh và người dân.

Trong đó có việc ông Trần Vũ Cương đã “độc quyền” làm Hiệu trưởng suốt 30 năm, tự ý mở cổng phụ đi lại và “độc quyền” kinh doanh đồ ăn thức uống cho học sinh và giáo viên…

Sau khi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết trên, trong ngày, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau đã có công văn chỉ đạo xác minh thông tin phản ánh và xử lý đúng thẩm quyền.

Mặc dù xác định thông tin là đúng sự thật, nhưng báo cáo của Ủy ban Nhân dân huyện Đầm Dơi đưa ra lý do dẫn đến tình trạng trên được cho là có ý bênh vực ông Trần Vũ Cương, khiến dư luận không đồng tình.

Cụ thể, Báo phản ánh trường hợp của ông Lê Công Cuộc đã đóng bảo hiểm cho con nhưng đến khi con ông bị tai nạn mới phát hiện nhà trường không đăng nộp bảo hiểm.

Công văn chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau.
Công văn chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau.

Theo báo cáo “giải thích”, việc này là do giáo viên chủ nhiệm lớp đã thu và đăng nộp tiền bảo hiểm tai nạn (năm học 2014 – 2015) về văn phòng trường đúng vào thời điểm văn phòng trường hết thẻ và văn phòng trường đã yêu cầu ông giữ lại số tiền, khi nào có lai thì văn phòng trường sẽ thu và ra lại…

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, con gái của ông Lê Công Cuộc bị tai nạn trong giờ thể dục nên dẫn đến không có bảo hiểm.

Yêu cầu báo cáo xử lý, kiểm điểm vụ Hiệu trưởng độc quyền 30 năm trước tháng 12 ảnh 3

Huyện Đầm Dơi có ý bênh vực Hiệu trưởng độc quyền 30 năm

Đối với việc trường học thu học phí không ra lai phiếu thì báo cáo cho rằng, do giáo viên "sơ suất, đến khi quyết toán xong mới phát hiện là vẫn chưa ra lai và sau khi báo chí phản ánh, giáo viên này đã trả tiền lại cho học sinh" (?!).

Về nguyên nhân dẫn đến việc Hiệu trưởng Trần Vũ Cương “độc quyền” làm Hiệu trưởng một trường suốt hơn 30 năm thì báo lập luận, có điều chuyển ông Cương đi trường khác 1 năm nhưng do không có nhà công vụ, điều kiện đi lại khó khăn nên huyện đã luân chuyển ông về nhận lại nhiệm vụ Hiệu trưởng tại trường Trung học Cơ sở Thanh Tùng cho đến nay

Mới đây, khi tiếp xúc phóng viên, cô Mai Lệ Cẩm, bức xúc cho biết, cô vừa gửi đơn đến lãnh đạo trường và cơ quan chức năng huyện Đầm Dơi do bức xúc, yêu cầu được phân công đúng chuyên môn nghiệp vụ.

Được biết, trước đây Hiệu trưởng đã không nói một lời mà phân công cô làm công thư viện nhưng khi cô Nguyễn Thị Hải Nhung không nhận nhiệm vụ phổ cập giáo dục thì Ban Giám hiệu lại bất ngờ điều cô sang làm công tác phổ cập, trong khi cô đang chuẩn bị tinh thần nhận nhiệm vụ làm thư viện nên cô đã nhất quyết không đồng ý.

(nhân vật trong bài viết - “30 năm “độc quyền” làm hiệu trưởng, một thầy giáo ở Cà Mau bị tố nhiều sai phạm” – PV).

Báo cáo của Ủy ban Nhân dân huyện Đầm Dơi.
Báo cáo của Ủy ban Nhân dân huyện Đầm Dơi.

Khi điều tôi sang làm công tác thư viện, lãnh đạo không hề nói trước với tôi một lời nào.

Nay, khi cô Nhung không nhận nhiệm vụ phổ cập, lãnh đạo lại bất ngờ điều tôi sang vị trí đó là hết sức bất công... Tôi là con người chứ không phải trái banh mà ai muốn đá đi đâu thì đá”, cô Cẩm bức xúc.

Một giáo viên khác xin được dấu tên hài hước nói:

Sao Hiệu trưởng không điều con gái ruột của ông cũng là giáo viên dạy môn Văn của trường vào vị trí dôi dư mà lại nhất quyết là cô Nguyễn Thị Hải Nhung và tại sao không điều con gái mình sang làm công tác phổ cập và thư viện mà phải nhất quyết là cô Nhung với cô Cẩm…”.

Trở lại nội dung báo cáo vụ việc của Ủy ban Nhân dân huyện Đầm Dơi, nhiều người cho rằng, lý do “không có nhà công vụ” và “điều kiện đi lại khó khăn” mà Ủy ban Nhân dân huyện Đầm Dơi đưa ra trong báo cáo là có ý bênh vực cho ông Trần Vũ Cương và cái sai của địa phương.

Bởi, cả nước nói chung và tỉnh tỉnh Cà Mau nói riêng, có rất nhiều giáo viên, lãnh đạo trường không có nhà công vụ nhưng họ vẫn vượt hàng chục cây số, thậm chí là hăng cây số đến trường thì tại sao lãnh đạo “không thèm” để ý, quan tâm đến họ?

Dư luận đang chờ câu trả lời thỏa đáng của cơ quan chức năng huyện Đầm Dơi và tỉnh Cà Mau!

Bài và ảnh: Trúc Linh