(GDVN) - Lam Trường là một trong vài ca sĩ được đánh giá “là người tiên phong trong việc khơi dậy dòng nhạc trẻ tại Việt Nam”, khởi nghiệp vào thời điểm nhạc trẻ trong nước bước đầu lột xác. Sau bao năm, Lam Trường “quay về” với dòng nhạc xưa với album Người yêu tôi khóc.
{iarelatednews articleid='1130'}
Có một điều có lẽ ít khán giả biết là từ hồi nhỏ, vào những buổi ngủ trưa, Lam Trường thường được anh, chị của mình đàn và hát cho nghe những tình khúc xưa bất hủ như: Ngậm ngùi, Con đường tình ta đi, Hương xưa… của các nhạc sĩ Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng… Theo thời gian, những giai điệu mượt mà, những lời ca tình tứ ấy được gieo, tưới tẩm vào tâm hồn anh qua suốt thời ấu thơ.
- Được biết, album lần này có ý nghĩa như sự giãi bày của anh về một thời đã qua, anh có thể nói rõ hơn đó là những cung bậc cảm xúc thế nào? Phải chăng chỉ có nhạc xưa mới đủ thể hiện điều anh mong muốn?
Những tình khúc xưa đúng thật là cả một kho tàng to lớn và quý báu. Với Trường, khi mình được hát, được suy ngẫm, được cảm nhận và sống trong từng ca khúc là một hạnh phúc. Có nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, có vui có buồn, có niềm hân hoan và cả sự khổ đau bên trong. Đó mới chính là cuộc sống và theo Trường mỗi một ca khúc là một hình ảnh rõ nét và rất sâu sắc ở một góc trong tâm hồn.
- Rõ ràng, hát lại những tình khúc xưa là một xu hướng của nhiều ca sĩ nổi tiếng, nhưng nếu gọi là mang đến sự thành công mới hơn thì chưa nhiều. Anh có áp lực gì không khi thực hiện album này? Anh nghĩ ai sẽ là đối tượng chính của album?
Đây là một nhận định đúng. Có rất nhiều các ca sĩ đã thể hiện dòng nhạc xưa, thông thường người ca sĩ khi đã chọn dòng nhạc này là dòng nhạc mà mình sẽ đi theo, thì họ sẽ chọn ngay từ thời điểm đầu khởi nghiệp, cho nên khó có thể gọi đây là bước đi mới hơn được. Bản thân Trường cũng không chọn đây là dòng nhạc duy nhất để hát. Trước hết, Trường nghĩ đó là sự thỏa mãn niềm đam mê của mình.
Lam Trường "trở lại" nhạc xưa với những bài hát mà anh yêu mến từ nhỏ. |
Với album lần này, Trường mong muốn đem đến cho người nghe ở nhiều lứa tuổi những cảm nhận sâu sắc hơn và yêu thích ca từ của dòng nhạc này, hơn nữa sẽ có cái nhìn khác một chút về con đường âm nhạc của Trường. Lúc thực hiện chắc chắn là có áp lực nhưng Trường gạt bỏ mọi thứ sang một bên và thể hiện với tinh thần riêng của mình.
- Hát nhạc xưa không chỉ cần cái tình, tâm hồn mà cả giọng hát có phần “mềm mại” hơn. Anh làm thế nào để xử lý tốt những ca khúc trong album?
Đúng thật là những ý bạn nêu rất quan trọng khi thể hiện những ca khúc như thế này. Ban đầu, Trường chuẩn bị bằng cách bắt đầu nghe lại những ca khúc trong album qua những giọng ca khác. Trường thấy mỗi người khi hát họ đều có những điểm chung và riêng. Chẳng hạn như ca khúc mang nào mang yếu tố hoài niệm rõ nét, ít ai phá cách bằng cách chọn một bản phối và cách hát quá hiện đại. Điều khó nhất là làm sao thể hiện sự hoài niệm, một giá trị đẹp có từ lâu trong thể loại nhạc này không qua tính hiện đại nhưng vẫn có nét mới của bản phối.
Còn điểm riêng thì Trường nghĩ đó là cảm nhận riêng, phong cách riêng của từng người ca sĩ, quan trọng nhất là ai cũng cố gắng đưa tình cảm vào trong ca khúc cho nên Trường vẫn sẽ hát theo cách của mình.
- Tại sao anh lại chọn thời điểm này anh thực hiện Người yêu tôi khóc? Anh nghĩ mình đã đủ “trải nghiệm” để hát lại những ca khúc một thời vang bóng?
Thật ra Trường đã mê mẩn những ca khúc này ngay từ khi còn nhỏ. Trường cũng đã nhiều lần hoài niệm về những giai điệu đẹp của dòng nhạc này. Có những buổi tối đi diễn xa cùng với bạn bè đồng nghiệp ngồi đàn hát thâu đêm suốt sáng… 15 năm ca hát, Trường đã có nhiều kỉ niệm, nhưng vẫn chưa lần nào thực hiện một album riêng cho mình về dòng nhạc này. Vì vậy, đây là cơ hội để Trường thực hiện một trong những ước mơ của mình.
Trường nhớ có một bài hát ý nói rằng: ca khúc chính là hình ảnh cho mỗi một câu chuyện về tình yêu, mà tình yêu thì sẽ giúp cho cậu bé lớn nhanh… Sự trải nghiệm ở mỗi người sẽ có mỗi một mức độ khác nhau. Mặc dù Trường không còn là cậu bé và cũng chưa phải là một người đã đủ sự từng trải, nhưng Trường có suy nghĩ của riêng mình. Trường mong mình sẽ tìm ra được một câu trả lời cho bản thân, chí ít Trường cũng thấy được là âm nhạc và niềm đam mê của mình cũng có thể trở thành động lực cho mình có thêm cảm xúc và sự yêu thương.
- Là người thành công với dòng nhạc trẻ, anh nghĩ thế nào về sự khác nhau giữa nhạc xưa và nhạc trẻ hôm nay?
Đây là một sự so sánh bao quát và khá rộng, tuy nhiên trong hai dòng nhạc của hai thế hệ mà Trường đều yêu thích này thì Trường thấy có một điểm chính khác nhau rõ nét chính là ca từ. Trong ca từ của những tình khúc xưa đa số có chất thơ, ý nhị và hàm chứa sự lãng mạn, sâu sắc, chẳng hạn: “Da em trắng chẳng cần ánh sáng, tóc em mềm anh chẳng thiết mùa xuân. Trên đời này sẽ chẳng có giai nhân vì anh gọi tên em là nhan sắc”.
Đối với ca khúc nhạc trẻ hôm này thì ca từ vẫn lãng mạn, tình cảm nhưng cách dùng từ thì gần gũi với những gì đang xảy ra trong xã hội thực tại hơn, mang hơi thở của thời đại rõ nét. Ví dụ như: “Sao không ôm anh như lần đầu tiên em đến, Sao không hôn anh như ngày nào còn lưu luyến, Sao không vui lên như một thời bao thương mến, Màu mắt em sao hôm nay muộn phiền”.
- Theo anh, đâu là lý do khiến nhạc trẻ hiện này rơi vào tình trạng “sớm nở tối tàn”? Ở góc độ ca sĩ, anh mong muốn điều gì ở các nhạc sĩ trẻ hiện nay?
Là một ca sĩ định hình trong thể loại nhạc trẻ, Trường thấy những ca khúc hay là những ca khúc có sự đầu tư về ca từ và giai điệu. Nhạc trẻ rất hấp dẫn và luôn nhận được sự quan tâm to lớn từ người nghe. Sở dĩ có tình trạng “sớm nở tối tàn” vì bên cạnh đó xuất hiện rất nhiều ca khúc không đạt chất lượng đặc biệt là về ca từ. Cẩu thả và dễ dãi, thiếu sự tôn trọng khán giả, chính điều này làm xấu đi cái đẹp trong âm nhạc và công chúng mau chán.
Trường chỉ muốn nói một điều là chúng ta rất may mắn khi có được một cái nghề thật đẹp, vậy thì mình hãy làm mọi điều tốt nhất để gìn giữ nó. Đó chính là âm nhạc!
- Chia sẻ một chút về đời sống của anh. Những tan vỡ và khó khăn trong cuộc sống riêng, theo anh đó có là trở ngại cho cảm xúc thăng hoa và sáng tạo mới không?
Trường không nghĩ thế. Tuy Trường không muốn đan xen giữa công việc và gia đình, nhưng đâu phải mình muốn là được (cười). Những khó khăn trong cuộc sống của mỗi người ai cũng có và đều cố gắng để vượt qua. Vì vậy, Trường thấy không nên cứ ngồi đó và đưa ra những lý do để biện minh cho những vấp ngã của mình. Là người của công chúng, Trường luôn muốn khán giả cảm nhận được sự lao động nghiêm túc và hướng đi tích cực trong âm nhạc và cả cuộc sống riêng.
- Trải qua quãng thời gian dài gắn bó với nghề, anh nghĩ sau này mình sẽ cho con theo nghiệp cha? Anh sẽ khuyên con mình điều gì?
Trường muốn để con trai quyết định lấy cái nghề mà con yêu thích. Trường vẫn mong Kiến Văn có thể đàn hay hát giỏi không phải vì đó là một cái nghề ba nó là Trường đã từng theo đuổi, mà chỉ bởi vỉ đó là âm nhạc. Âm nhạc tốt cho mọi người. Trường chỉ muốn nói với con là nghề nào chân chính trong xã hội đều tốt, đều cần thiết, chỉ cần chúng ta nhờ là phải có đam mê và tận tụy với công việc mà mình đã chọn thì mới có được sự thành công!
- Cám ơn Lam Trường!
Khánh Hưng thực hiện