Theo tiến sĩ Keya Lahiri, trưởng khoa Nhi của Bệnh viện D.Y. Patil, danh mục đồ chơi dưới đây sẽ giúp bé phát triển kỹ năng nhận thức và ngôn ngữ:
1. Khối hình
Từ nhiều thập kỷ, khối hình đã trở thành món đồ chơi giúp bé phát triển kỹ năng tốt nhất. Ưu điểm của các khối hình là sẵn có tại nhiều nơi và giá cả phải chăng. Bạn có thể lựa chọn nhiều loại khối hình khác nhau như khối hình bằng gỗ truyền thống, khối hình học sặc sỡ hoặc khối hình mềm mại và phù hợp với bàn tay bé. Ngoài ra, các khối hình hỗ trợ điều chỉnh kỹ năng vận động của bé.
5 bệnh nguy hiểm do ăn tối không đúng cách
2. Đồ chơi chuyển động
Theo tiến sĩ Keya, bé bị cuốn hút với những loại đồ chơi bé nhỏ, ngộ nghĩnh. Một món đồ chơi chuyển động đơn giản có thể phủ đầy trí tưởng tượng của bé theo nhiều chiều. Hơn nữa, đồ chơi chuyển động tăng cường sự phát triển giác quan, kiểm soát tầm nhìn, kỹ năng theo dõi trực quan, đồng thời cải thiện sự tập trung và khả năng nhận biết âm thanh của bé. Bạn hãy chọn mua đồ chơi chuyển động có độ tương phản lớn, nhiều hình khối phong phú và phát ra tiếng nhạc, vì âm nhạc thực sự thu hút bé. Hãy lưu ý để đồ chơi trong tầm nhìn nhưng xa tầm tay của bé.
3. Gương
Đối với mọi lứa tuổi, nghệ thuật ngắm nhìn trong gương được hình thành từ rất sớm. Bé rất thích ngắm nhìn các em bé khác hoặc chính mình trong gương. Bạn hãy cân nhắc lựa chọn một tấm gương an toàn làm từ nhựa dẻo. Gương dành cho trẻ rất phong phú về kích thước và hình dáng. Gương giúp bé tăng cường nhận diện khuôn mặt và các kỹ năng hoạt động xã hội, rất tốt cho việc phát triển tập trung thị giác.
4. Xếp chồng ly
Giống với các khối hình, trò chơi xếp chồng ly hỗ trợ bé hình thành kỹ năng vận động quan trọng và điều chỉnh sự phối hợp mắt và tay. Thay vì chọn mua những món đồ chơi đắt tiền, bạn hãy đầu tư một bộ đồ chơi xếp chồng ly với nhiều kiểu thiết kế đa dạng và rất tốt cho sự phát triển trí tuệ của bé.
5. Thú nhồi bông ngộ nghĩnh
Để cải thiện khả năng phối hợp giữa mắt và tay, kỹ năng cầm nắm và nhận diện màu sắc, bạn nên tìm mua đồ chơi thú nhồi bông mềm mại với nhiều màu sắc tươi sáng và kiểu dáng phong phú. Bé sẽ chú ý đến những gam màu tươi sáng rất nhanh và điều này giúp bé hình thành kỹ năng phản xạ và cầm, nắm đồ vật.
6. Đồ chơi phát ra tiếng nhạc
Âm nhạc êm dịu có khả năng tác động đến sự phát triển não bộ và chức năng của bé. Hãy chuẩn bị cho bé một chiếc nôi phát ra âm thanh có nút bấm hoặc treo một chiếc chuông gió ở vị trí bé có thể ngắm nhìn và lắng nghe. Điều này giúp bé tạo thói quen chìm vào giấc ngủ sau khi lắng nghe một đoạn nhạc hoặc bé có thể trở thành một nhạc sĩ vĩ đại khi lớn lên.
7. Trái bóng mềm
Những trái bóng với nhiều màu sắc và kích thước khác nhau trở thành món đồ chơi yêu thích số một của các bé. Đẩy quả bóng về phía bé sẽ kích thích kỹ năng cầm, nắm đồ vật, cải thiện sự phối hợp giữa thị giác và cơ thể. Vui chơi với trái bóng mang lại nhiều lợi ích cho trẻ ở mọi lứa tuổi.
8. Thảm ghép hình
Những tấm thảm với nhiều hình đồ chơi và kiểu dáng phong phú rất tốt cho bé. Thảm ghép hình giúp bé đứng và ngồi thoải mái. Loại thảm này giúp bé phát triển sự phối hợp mắt và tay, thị lực, kiểm soát cơ bắp và các kỹ năng vận động toàn diện. Nó cũng có lợi trong việc tăng cường cơ bắp của bé vì trò chơi thảm ghép hình đòi hỏi bé vận động thường xuyên hơn.
9. Chơi với cha mẹ
Chơi là cách để trẻ học hỏi và phát triển, do vậy bạn hãy thực sự để tâm vào trò chơi. Bạn có thể đọc cho bé nghe, cổ vũ, tham gia các trò chơi tương tác, nói chuyện và âu yếm bé để giúp bé nhận thức mọi thứ tốt hơn. Cuối cùng, đồ chơi tốt nhất mà bé cần đến để phát triển kỹ năng chính là bạn.
10. Sách
Bạn nên đầu tư một cuốn sách đặc biệt với chất liệu không thấm nước và khó xé rách dành riêng cho bé. Những cuốn sách là sự đầu tư tốt nhất để cải thiện khả năng nhận thức, kỹ năng ghi nhớ và giao tiếp. Đọc sách cùng bé để kích thích sự phát triển ngôn ngữ của bé. Bé sẽ phấn khích khi lật từng trang sách để khám phá nội dung bên trong.
Theo Tiền phong