Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại đi đầu trong ứng phó biến đổi khí hậu

28/11/2012 09:41
Diện Hứa
(GDVN) - Là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, nhưng cuộc sống của Bác rất bình dị, gắn bó với thiên nhiên. Bất kể sống ở đâu và trong môi trường nào, tình yêu thiên nhiên của Bác luôn là tấm gương sáng, để lại nhiều bài học có ý nghĩa sâu sắc đến tận hôm nay.

Ngôi nhà sàn, nơi ở của Bác khi đã trở thành vị lãnh tụ đất nước là minh chứng sống động nhất cho lối sống bình dị của Người. Nằm dưới những tán cây râm mát trong Phủ Chủ tịch, quanh nhà luôn rộn tiếng chim rộn rã vào buổi sớm mai. Mảnh đất nhỏ trước nhà sàn, Người dành trồng đủ các loại cây hoa hoa mộc, hoa nhài, hoa sói, hoa dạ hương, hoa bưởi, hoa ngâu có hương thơm dịu mát, có hàng rào hoa dâm bụt chạy quanh nhà như ở Làng Sen Phía sau nhà là vườn cam quê hương, bên kia bờ ao cá là vườn trồng rau xanh và một số cây ăn quả như cam, bưởi, hồng, táo, xoài, dừa… bốn mùa có hoa thơm, quả ngọt và rau xanh. Đầu nhà sàn là cây vú sữa, trước nhà là những cây dừa đều là những cây của đồng bào miền Nam ruột thịt gửi tặng.

Chăm sóc cây là thói quen hàng ngày của Bác.
Chăm sóc cây là thói quen hàng ngày của Bác.

Những lúc mát trời, Người vẫn ngồi đọc sách, tiếp khách bên giàn hoa giấy trong một không gian thiên nhiên thoáng đãng phía sau tòa nhà Phủ Chủ tịch. Bảo vệ thiên nhiên, Người nâng niu cả một cây bụt mọc bên bờ ao cá bị sâu mục và mối ăn làm rỗng ruột đến quá nửa thân. Người không đồng ý chặt bỏ với một lời giải thích hết sức đơn giản và thuyết phục: việc chặt bỏ một cây thì dễ nhưng trồng được cây to, có bóng mát như vậy thì phải mất hàng chục năm mới có được, và Người đã hướng dẫn cho người làm vườn cách cứu chữa cho cây bụt mọc bị sâu mục và mối xông khỏi bệnh.
Trong công tác bảo vệ môi trường, Người rất chú ý tới vấn đề nâng cao nhận thức cho tất cả mọi người. Người từng căn dặn: “Cần giáo dục rộng khắp cho nhân dân biết giữ vệ sinh. Phải tuyên truyền một cách thiết thực và rộng khắp trong nhân dân, làm cho đồng bào hiểu rõ: phải giữ gìn vệ sinh, ăn sạch, uống sạch, mặc sạch, ở sạch”. Người chỉ ra mối quan hệ hữu cơ giữa lao động, vệ sinh và sức khỏe: “Muốn lao động sản xuất tốt thì phải giữ gìn sức khỏe. Muốn giữ gìn sức khỏe thì phải ăn sạch, uống sạch, mặc sạch, ở sạch”.

Thời kháng chiến, Người tận tình chỉ ra nguyên nhân của một số bệnh thường gặp: “Đồng bào mình còn nhiều người sốt rét, các cháu bé thường đau mắt hột, bụng to. Vì sao? Vì không biết giữ vệ sinh. Đồng bào muốn có sức khỏe để sản xuất không? Có muốn con cháu mình không đau mắt hột không? Không bụng to thế này không? Muốn thế phải giữ gìn vệ sinh, ăn uống sạch sẽ, nhà cửa sạch sẽ, vườn cũng sạch sẽ”.

Bác Hồ là người luôn đi đầu trong những phong trào chống biến đổi khí hậu.
Bác Hồ là người luôn đi đầu trong những phong trào chống biến đổi khí hậu.

Để vận động toàn dân hiểu biết tầm quan trọng của môi trường và có ý thức bảo vệ môi trường, Người đã đưa công tác vệ sinh phòng bệnh vào phong trào thi đua yêu nước. Người đã khởi xướng phong trào “Vệ sinh yêu nước” và được nhân dân cả nước nhiệt tình hưởng ứng tạo thành một phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp. Người rất chú ý tới việc giữ vệ sinh nơi đông người, nơi tập thể vì nơi đó nếu thiếu vệ sinh sẽ rất dễ phát sinh dịch bệnh.

Người phát động toàn dân quan tâm đến việc trồng cây gây rừng góp phần làm trong sạch lành mạnh môi trường. Ngày 28/11/1959 với bút danh Trần Lực, Người viết bài báo Tết trồng cây phát động phong trào trồng cây rộng khắp. Từ đó phong trào này đã ăn sâu vào mọi làng xóm thôn xã phố phường để rồi mỗi mùa xuân về người người đều hưởng ứng Tết trồng cây. Người chỉ ra tầm quan trọng của rừng trong việc giữ nước phòng chống thiên tai như sói mòn, lũ lụt.

Hiện nay, khi mà nhiều căn bệnh lạ, trong đó có bệnh ung thư đang hoành hành ở nhiều nơi, ngành Y tế cảnh báo trong đó có nguyên nhân là do sự biến đổi khí hậu, tác động trực tiếp là ô nhiễm môi trường. Lời cảnh báo đó liệu có đủ cảnh tỉnh nhận thức của hàng triệu người dân Việt? Soi rọi những hành động của Bác Hồ về môi trường vào thực tế hôm nay, chúng ta cảm nhận vô cùng xác thực.

Trái đất của ta đang kêu cứu, hậu quả mà nó gây ra đã đến mức báo động. Những vụ phá rừng, chặt trộm cây, đốt rừng vẫn diễn ra thường xuyên. Nạn ô nhiễm chất thải công nghiệp, nạn ô nhiễm không khí vì khí thải, nạn phun thuốc trừ sâu bừa bãi... đang ngày giờ diễn ra. Hơn lúc nào hết những lời dạy của Bác Hồ về biến đổi khí hậu, hôm nay chúng ta càng phải thấm nhuần sâu sắc hơn.
Diện Hứa