Tiền mặt đang ở đâu?

03/12/2012 16:01
Theo Diễn Đàn Kinh Tế Việt Nam
Các DN  kêu thiếu tiền, nhà đầu tư cũng cạn tiền mặt, ngân hàng căng thẳng thanh khoản. Vậy tiền đi đâu và đang ở đâu? Đây là câu hỏi đang được rất nhiều người quan tâm.

Xin giới thiệu bài viết  trong loạt bài về bài “Những biện pháp “phá băng” cho nền kinh tế” của Tiến sỹ Lương Hoài Nam.
 
Lâu nay tồn tại cách hiểu không hoàn toàn chính xác là tiền bị “chôn” trong bất động sản. Thực tế thì không phải như vậy. Nếu “đào bới” một dự án bất động sản dở dang, sẽ không tìm thấy bất kỳ một đồng tiền mặt nào ở đó cả; chỉ có đất, sắt thép, xi măng, các sản phẩm tồn kho… với giá trị sổ sách của chúng mà thôi, còn tiền mặt không nằm ở đó.
 
Về nguyên tắc, với một lượng tiền mặt (kể cả ngoại tệ và vàng) đã được đưa vào lưu hành, tại một thời điểm, chúng chỉ có thể nằm ở nhà nước, ở các doanh nghiệp (kể cả tiền gửi của doanh nghiệp ở ngân hàng) và ở trong dân (kể cả tiền gửi của người dân ở ngân hàng). Nếu giả định tổng giá trị tiền mặt là một số cố định thì nó chỉ dịch chuyển giữa ba chủ nhân này.


Công khai thu nhập nhân viên của 5

Công khai thu nhập nhân viên của 5 "ông lớn" ngân hàng Việt

Thống đốc Nguyễn Văn Bình:

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: "300 tấn vàng đang bất động trong nhà dân"

Tôi không tin còn 400 tấn vàng 'chết' trong dân

Tôi không tin còn 400 tấn vàng 'chết' trong dân

Theo những gì có thể cảm nhận được, lượng tiền mặt nằm ở nhà nước và các doanh nghiệp đang bị thiếu hụt (so với trước). Nếu điều này là đúng thì lượng tiền mặt đang nằm ở trong dân đã tăng lên (trong tổng số tiền mặt coi là cố định). Nhìn vào thực tế từng gia đình, điều này cũng logic: khi người dân hạn chế đầu tư vào BĐS, thị trường chứng khoán, cổ phần của các doanh nghiệp chưa niêm yết, việc giữ (hoặc gửi ngân hàng) tiền đồng, vàng, ngoại tệ là đương nhiên.
 
Vấn đề là làm thế nào để người dân sẵn sàng đưa tiền vào các hoạt động đầu tư để nền kinh tế sôi động trở lại, thay vì giữ tiền một cách thụ động như hiện nay (chưa nói đến chuyện chuyển tiền, đầu tư ra nước ngoài)? Điều này chỉ có thể xảy ra khi việc người dân bỏ tiền ra đầu tư có rủi ro ít, cơ hội lợi nhuận nhiều, khi giá BĐS, giá cổ phiếu đi lên một cách bền vững bằng các tác động hiệu quả của nhà nước. Đã có thời, dù làm tốt hay làm chưa tốt, kiểu gì cũng có lãi, còn bây giờ kể cả làm tốt thì vẫn bị lỗ, nhiều người không dám bỏ tiền ra đầu tư kinh doanh nữa.
 
Để thu hút được tiền của người dân vào các hoạt động kinh tế tích cực, bên cạnh các giải pháp chấn hưng thị trường BĐS, chứng khoán, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, còn một hướng nữa là đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) với các điều kiện thuận lợi cho các người đầu tư. Nếu làm tốt việc này, người dân sẽ bỏ tiền ra thay vì cất giữ.
 
Theo TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương, tính đến cuối năm 2010, số các doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% chỉ chiếm 0,3% tổng số doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế tại cùng thời điểm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này chiếm tới 40% tổng số vốn kinh doanh, 30% tổng số tín dụng, 45% tổng giá trị tài sản của khu vực doanh nghiệp nói chung. Theo các số liệu khác, tổng số các DNNN chưa cổ phần hóa hiện nay còn trên dưới 5000 doanh nghiệp. Điều đó cho thấy nếu việc cổ phần hóa DNNN được thúc đẩy, nhà nước có thể thu từ trong dân về một số tiền khổng lồ, một phần có thể được sử dụng ngược lại cho các chương trình tái cơ cấu kinh tế (ví dụ, đầu tư cho công ty mua bán nợ).

Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong những năm gần đây, tiến trình cổ phần hóa diễn ra rất chậm chạp, kế hoạch cổ phần hóa thường xuyên không hoàn thành, chủ yếu bị ách tắc do cơ chế. Các quy định hiện hành về cổ phần hóa DNNN đặt nặng trọng tâm vào việc định giá doanh nghiệp, làm sao mang về khoản thu tối đa cho nhà nước, trong nhiều trường hợp quy định nhà nước tiếp tục chiếm cổ phần chi phối (51% trở lên). Điều này có lợi về mặt kinh tế cho nhà nước, nhưng khó cho doanh nghiệp và kém hấp dẫn đối với dân là những người đầu tư.
 
Nhìn lại quá trình cổ phần hóa DNNN ở các nền kinh tế chuyển đổi, có thể thấy các nước Đông Âu (Tiệp Khắc, Hungary, Ba Lan, Bulgaria…) thực hiện việc cổ phần hóa DNNN được thực hiện rất đơn giản, nhanh gọn, nhiều doanh nghiệp nhà nước nhỏ ở các nước này thậm chí được “biếu không” cho người lao động theo các tiêu chí do nhà nước quy định. Đến nay, ở các nước này hầu như không còn DNNN hoạt động trong các ngành nghề kinh doanh thuần túy, chỉ còn một số ít các DNNN trong các lĩnh vực hạ tầng, công ích. Cách cổ phần hóa DNNN ở các nước Đông Âu giúp cải thiện đáng kể hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, tăng nguồn thu thuế, hình thành các thị trường chứng khoán rất nhanh, với hàng hóa đa dạng, quy mô giao dịch lớn. Trong khi cách cổ phần hóa DNNN ở Nga và các nước Liên-xô cũ đã tạo ra hàng loạt các đại gia tỷ phú đô-la trong số những người giàu nhất thế giới thì điều này hoàn toàn không xảy ra ở các nước Đông Âu, nơi tầng lớp trung lưu đã và đang là động lực phát triển kinh tế - xã hội.
 
Quay trở lại vấn đề cổ phần hóa DNNN ở nước ta, trong tình hình hiện nay, nên thúc đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa DNNN. Có lẽ nên coi các mục tiêu tái cơ cấu sở hữu để các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, đóng góp ngân sách cao hơn, thu hút tiền đầu tư từ trong dân nhiều hơn quan trọng không kém việc thu nhiều tiền về cho nhà nước từ việc cổ phần hóa. Nói cho cùng, tài sản của dân cũng là tài sản của nhà nước, của xã hội, quan trọng là chúng được sử dụng một cách tích cực để tạo nên sự thịnh vượng chung. Trong việc cổ phần hóa DNNN, nếu nhà nước “khôn” với dân thì dân cũng “khôn lại” với nhà nước, không hợp lực với nhau được.

Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!


Theo Diễn Đàn Kinh Tế Việt Nam