1. GS Ngô Bảo Châu ra mắt cuốn sách Ai và Ky
“Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình” - cuốn tiểu thuyết được viết chung bởi hai tác giả: Giáo sư Toán học Ngô Bảo Châu và Nguyễn Phương Văn ra mắt vào tháng 3 vừa qua. Từ trước khi phát hành, cuốn sách đã gây chú ý cho đông đảo bạn đọc bởi tên tuổi của tác giả. Sau khi ra mắt, cuốn sách ngay lập tức leo lên vị trí đầu trong các bảng xếp hạng sách tiêu thụ trong nước và đứng đầu trong Top 10 sách bán chạy nhất tại Hội sách Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 7, với 10 nghìn bản in được tiêu thụ chỉ trong vòng 1 tuần.
Cuốn sách được đông đảo các bạn học sinh, sinh viên yêu thích bởi đã thể hiện được những cột mốc vàng son của nền văn minh toán học dưới hình thức truyện kể văn học, pha trộn giữa tính kì ảo, khoa học và triết luận. Tác phẩm hiện đang được đề xuất phát hành các bản tiếng Anh và Nhật ở nước ngoài.
|
GS Ngô Bảo Châu ra mắt cuốn sách Ai và Ky |
Các tác giả đã tự đặt vui cho cuốn sách một thể loại mới: “tiểu thuyết toán hiệp”. Giáo sư Hà Huy Khoái thì cho rằng tác phẩm là cuốn sách vỡ lòng về triết học của toán học. Nhà thơ Trần Đăng Khoa coi đây là “một cuốn sách giản dị đến mức ai đọc cũng được, kể cả những người không biết gì về toán”.
2. GS Vũ Hà Văn nhận giải thưởng Fulkerson 2012
GS Vũ Hà Văn và hai đồng tác giả A. Johansson (Thuỵ Điển) và Jeff Kahn (Mỹ) được tặng giải thưởng Fulkerson với công trình “Factors in random graphs” được in trên tạp chí Random Structurses and Algorithms số 33 (2008).
Giải Fulkerson là giải thưởng dành cho các công trình xuất sắc trong lĩnh vực Toán học rời rạc do Hội Toán tối ưu thế giới và Hội Toán học Mỹ trao tặng 3 năm một lần, bắt đầu từ năm 1979.
Cùng được trao giải Fulkerson kỳ này còn có năm tác giả của hai công trình xuất sắc khác. Điều thú vị là một trong số năm nhà toán học này là GS Lászlo Lovász (Hungary), người hướng dẫn GS Vũ Hà Văn làm luận án tiến sĩ ở Trường ĐH Yale (Mỹ) những năm 1994 - 1998.
Trong lịch sử các giải thưởng toán học danh giá của thế giới, ít khi có trường hợp nào thầy và trò cùng được trao giải một lần (với tư cách là hai tác giả của hai công trình khác nhau).
GS Vũ Hà Văn (42 tuổi), là con trai của nhà thơ Vũ Quần Phương. Tuy nhiên, gần đây GS Vũ Hà Văn nổi tiếng ở Việt Nam không kém gì cha mình bởi ông được đánh giá là tài năng toán học số 2 Việt Nam (số 1 là GS Ngô Bảo Châu với giải Fields danh giá bậc nhất).
Trước đây, GS Vũ Hà Văn học chuyên toán Trường THPT Chu Văn An và THPT Hà Nội - Amsterdam. Ông học ĐH ở Hungary, sau đó làm tiến sĩ ở ĐH Yale, Mỹ. Từ khi có học vị tiến sĩ (1998) đến nay, ông từng làm việc tại nhiều ĐH và viện nghiên cứu của Mỹ: IAS, Microsoft Research, ĐH Sandiego, ĐH Rutgers, ĐH Yale.
Từ năm 2011, ông là thành viên của Hội đồng Khoa học của Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán, nơi GS Ngô Bảo Châu hiện làm lãnh đạo.
3. Người đương thời Đỗ Việt Khoa tố cáo gian lận tại Đồi Ngô – Bắc Giang
Ngay sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012, chiều 4/6, trên mạng xã hội Youtube xuất hiện đoạn clip dài hơn 6 phút ghi lại cảnh thi cử rất lộn xộn trong một phòng thi, sau đó được khẳng định là tại Hội đồng thi trường THPT Dân lập Đồi Ngô (huyện Lục Nam – Bắc Giang). Thầy Đỗ Việt Khoa (giáo viên trường THPT Thường Tín – Hà Nội) cho biết chính thầy là người hướng dẫn quay clip này và trực tiếp đưa lên mạng.
Người đương thời Đỗ Việt Khoa nói về nguyên nhân của việc quay clip: Từ 3 năm nay, giáo viên một số tỉnh phía Bắc có cho tôi biết là tiêu cực thi cử đã quay trở lại, trong đó nghiêm trọng nhất là Bắc Giang. Thế là tôi quyết định tìm hiểu thực hư mức độ vi phạm này. “Đừng nói tôi “tung” clip, “cung cấp thông tin nhỏ giọt”! Chúng tôi sẵn sàng cung cấp toàn bộ những clip, hình ảnh gian lận của Đồi Ngô cho cơ quan chức năng xem xét, xử lí… Tôi hy vọng, clip môn tiếng Anh sẽ là clip cuối cùng tôi phải cung cấp cho báo chí…”, thầy Khoa chia sẻ
4. Hai thí sinh được Bộ Quốc phòng tuyển thẳng Đại học
Trong kỳ thi Đại học năm 2012, chàng trai nghèo Lê Đức Duẩn (xã Hoàng Long, Phú Xuyên, Hà Nội) đã xuất sắc trở thành thủ khoa của Đại học Dược Hà Nội. Duẩn cũng là Thủ khoa đại học đầu tiên và duy nhất của xã Hoàng Long, Phú Xuyên, Hà Nội.
Khi câu chuyện về cậu thủ khoa nghèo được truyền đi, nhiều tổ chức, đoàn thể và cá nhân từ Hà Nội và các tỉnh lân cận đã về địa phương gặp gỡ, chia sẻ và động viên gia đình Duẩn cả về vật chất lẫn tinh thần. Sau khi được biết câu chuyện về hoàn cảnh đặc biệt của Duẩn, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã chỉ đạo cho Ban lãnh đạo Học viện Quân Y tuyển thẳng Lê Đức Duẩn vào trường.
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã ký quyết định tuyển bổ sung học sinh em Ngô Văn Thuận - thí sinh đạp xe 300 km từ Nghệ An ra Hà Nội thi đại học vào thẳng trường Sĩ quan Tăng - Thiết giáp.
Được biết, trong kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua, để theo đuổi ước mơ vào đại học, Thuận đã đạp xe khoảng 300 km từ Yên Thành - Nghệ An ra Hà Nội để dự thi vào trường Sĩ quan Lục quân I. Tuy nhiên, sau khi trường Sĩ quan Lục quân 1 công bố điểm chuẩn là 16,5, Thuận rất tiếc vì không đủ điểm đỗ (em thi được 13 điểm, cộng điểm khu vực là 14 điểm). Với quyết định mà Bộ trưởng Quốc phòng ký ngày 29/8, thí sinh Ngô Văn Thuận đã chính thức trở thành học viên trường Sĩ quan Tăng thiết giáp và sẽ nhập học theo quy định.
Có lẽ đây là trường hợp thí sinh nghèo đầu tiên trượt đại học được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký quyết định được đặc cách vào thẳng đại học.
5. Tân SV Học viện Ngoại giao nhiều lần gửi tâm thư tới Bộ trưởng Giáo dục
Nguyễn Trung Dũng, cựu học sinh chuyên Anh THPT Phan Bội Châu, Nghệ An là người viết một bức tâm thư gửi tới Bộ trường GD&ĐT để phản ánh về lỗi sai trong đề thi tiếng Anh khối D, kỳ thi tuyển sinh ĐH - CĐ do Dũng phát hiện.
Nguyễn Trung Dũng đạt 25,5 điểm ở kỳ thi tuyển sinh khối D, khoa Quan hệ quốc tế - Học viện Ngoại giao, điểm số cụ thể là Văn 8,5 điểm, Toán 7,5 điểm, tiếng Anh 9,5. Quá trình làm bài thi môn tiếng Anh, Trung Dũng hoài nghi về đáp án câu hỏi số 23, mã đề 248 nên đã tiến hành kiểm tra, đối chiếu nhiều tài liệu, tham khảo giáo viên uy tín để tìm ra câu trả lời.
Sau hai ngày kể từ khi kết thúc thi ĐH đợt II, Nguyễn Trung Dũng đã phản ánh đến Bộ về sai sót này, sau đó gửi tâm thư đến Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Ngày 25/8, Nguyễn Trung Dũng có gửi thư cho thư ký Bộ trưởng.
Trong bức tâm thư của bạn Nguyễn Trung Dũng, có một ý rất đáng để các nhà quản lý giáo dục lưu tâm, đó là sự lắng nghe tiếng nói từ học sinh, từ mọi tầng lớp trong xã hội của lãnh đạo Bộ GD. Qua đó, Trung Dũng mong được củng cố thêm niềm tin của mọi người với các vấn đề giáo dục, tạo ra một tiền lệ tốt trong đối thoại dân chủ giữa học sinh cùng lãnh đạo cấp cao.
Đỗ Quyên (TH)