Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Môi trường và nguồn nước Nam Phi, bà Bomo Edna Molewa và Bộ trưởng NNPTNT Việt Nam Cao Đức Phát đại diện Chính phủ 2 nước ký Thỏa thuận hợp tác về bảo tồn và bảo vệ đa dạng sinh học và trao đổi các biện pháp tăng cường hợp tác giữa 2 nước. Một trong những nội dung hợp tác quan trọng nhất được thảo luận chính là việc ngăn chặn tình trạng buôn bán mẫu vật, sừng tê giác từ Nam Phi về Việt Nam.
Việt Nam được xem là điểm đến quan trọng của nạn buôn lậu sừng tê giác
CITES Việt Nam - cơ quan quản lý Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp cho biết, trước năm 2012, có khoảng 30-50 người Việt sinh sống tại Nam Phi, trong đó có một số nhóm chuyên xin giấy phép bắn tê giác hợp pháp.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2012, phía Nam Phi cấm người Việt Nam săn bắn tê giác hợp pháp. Bà Bomo Edna Molewa cho biết, năm 2009 có 85 giấy phép săn tê giác được cấp cho người Việt Nam, 2010 có 91 giấy phép, 2011 lên đến 140 giấy phép; năm 2012 chỉ có 8 giấy phép được cấp.
Tuy không được phép săn bắn nhưng lượng sừng tê giác nhập khẩu về Việt Nam đang gia tăng, năm 2009 là 14 sừng, 2010 là 16 sừng, 2011 là 32 và 8 tháng đầu năm 2012 là 36 chiếc.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là quốc gia có nhiều người buôn bán sừng tê giác trái phép. Tới nay, có 20 người Việt bị bắt giữ, 11 người đang bị giam giữ, 4 người bị kết án 7-12 năm tù tại Nam Phi. Đặc biệt, vụ việc cán bộ đại sứ quán bị bắt tại sân bay Mozambic vì vận chuyển trái phép tê giác; năm 2008, một cán bộ ngoại giao bị ghi hình khi đang mua sừng tê giác ngay trước cửa đại sứ quán Việt Nam ở Nam Phi càng làm xấu hình ảnh của Việt Nam trong công tác bảo tồn loài tê giác.
Tuy nhiên, đại diện Bộ NNPTNT cho rằng, Việt Nam không phải là địa bàn tiêu thụ chính mà chỉ là nơi trung chuyển sang Trung Quốc. “Thị trường sử dụng sử dụng sừng tê giác chủ yếu là Trung Quốc, nhưng Việt Nam cũng là nước bị mang tiếng” – báo cáo của CITES Việt Nam nêu. CITES Việt Nam cũng cho rằng, chỉ một bộ phận rất nhỏ ở Việt Nam sử dụng sừng tê giác để mài uống theo phương thức thủ công nên sức tiêu thụ không lớn; trong khi đó, Trung Quốc đang có công nghệ bào chế thuốc từ sừng tê giác.
Đặc biệt, cơ quan này dẫn số liệu của Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật, cơ quan chuyên giám định mẫu vật thì 70% mẫu vật sừng tê giác ở Việt Nam là giả.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn cho biết, Việt Nam đang tiến hành nhiều biện pháp ngăn chặn tình trạng sử dụng sừng tê giác như tăng cường tuyên truyền, đề xuất Chính phủ quy định cấm nhập khẩu sừng tê giác, tăng cường điều tra, xử lý các vụ vi phạm… Tại buổi làm việc, bà Bomo Edna Molewa bày tỏ sự hài lòng về sự quyết liệt của Việt Nam nhằm bảo vệ loài tê giác ở Nam Phi.