Google trốn thuế hàng tỷ USD

11/12/2012 11:21
Theo VnEconomy
Gã khổng lồ tìm kiếm đã trốn 2 tỷ USD tiền thuế thu nhập doanh nghiệp trên toàn cầu năm 2011 bằng cách chuyển 9,8 tỷ USD doanh thu vào một công ty “rỗng ruột” ở Bermuda.

Chuyển lợi nhuận từ các chi nhánh nước ngoài tới Bermuda, Google đã giảm số thuế phải đóng được khoảng một nửa...
Theo hãng tin tài chính Bloomberg, mức chuyển doanh thu của Google tới Bermuda trong năm ngoái tăng gần gấp đôi so với 3 năm trước đó.
Dẫn một báo cáo hồi tháng 11 của chi nhánh Google tại Hà Lan, Bloomberg cho biết, bằng cách chuyển trái phép lợi nhuận từ các chi nhánh nước ngoài tới Bermuda, nơi thuế thu nhập doanh nghiệp bằng 0, Google đã giảm số thuế phải đóng được khoảng một nửa. Số doanh thu mà Google chuyển tới “thiên đường thuế này” tương đương với khoảng 80% lợi nhuận trước thuế của công ty trong năm 2011.
Giới quan sát nhận định, những số liệu về hành vi trốn thuế của Google có thể sẽ gây nên những làn sóng phẫn nộ ở châu Âu và Mỹ. Chính phủ các nước Pháp, Anh, Italy và Australia đều đang điều tra hoạt động trốn thuế của Google như một phần trong nỗ lực tăng nguồn thu giữa lúc kinh tế suy giảm.


Lộ

Lộ "gót chân Asin" của Starbucks

Adidas Việt Nam rơi vào tầm ngắm của cơ quan thuế

Adidas Việt Nam rơi vào tầm ngắm của cơ quan thuế

Lộ

Lộ "gót chân Asin" của Starbucks

Tuần trước, Ủy ban châu ÂU (EC) đã tư vấn các quốc gia thành viên thành lập danh sách đen các “thiên đường thuế” và áp dụng các quy định chống lạm dụng các “thiên đường thuế” này. Hoạt động trốn thuế, né thuế ước tính khiến nguồn thu thuế của Liên minh châu Âu (EU) thiệt hại 1,3 nghìn tỷ USD mỗi năm.
“Chiến lược thuế của Google và nhiều công ty đa quốc gia khác là một mối quan tâm sâu sắc của các chính phủ ở châu Âu. Nhận thức chính trị đang được hình thành ở Anh, và với một cấp độ thấp hơn ở các nước khác, rằng: Chúng tôi hay là họ? Mọi người hiểu rằng, nếu Google không đóng thuế, thì sẽ có người khác phải đóng, không thì các dịch vụ công sẽ bị cắt giảm”, ông Richard Murphy, Giám đốc công ty nghiên cứu Tax Research LLP ở Norfolk, Anh, nhận định.
Google thì một mực khẳng định mình tuân thủ mọi quy định về thuế, và các khoản đầu tư của mình đã giúp nhiều quốc gia châu Âu. Tại Anh, “chúng tôi sử dụng trên 2.000 lao động, giúp hàng trăm nghìn doanh nghiệp tăng trưởng trên mạng, và đầu tư nhiều triệu USD để hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ mới ở London”, Google tuyên bố.
Giới quan sát nhận định, những số liệu về hành vi trốn thuế của Google có thể sẽ gây nên những làn sóng phẫn nộ ở châu Âu và Mỹ.

Theo Bloomberg, chiến lược trốn thuế hàng tỷ USD của Google dựa trên một số khe hở trong luật thuế của một số quốc gia, trong đó cho phép công ty chuyển tiền bản quyền từ chi nhánh ở nước ngoài tới Bermuda. Năm ngoái, thuế suất mà Google phải nộp tính trên lợi nhuận ở nước ngoài chỉ là 3,2%, trong khi thuế thu nhập doanh nghiệp tại các quốc gia châu Âu, khu vực đóng góp hầu hết doanh thu của công ty này ngoài thị trường Mỹ, dao động 26-34%.
Trong một phiên điều trần vào tháng trước, Quốc hội Anh đã gây sức ép buộc lãnh đạo các công ty lớn của Mỹ như Google, Amazon.com và Starbucks phải lý giải vì sao họ không nộp thuế nhiều hơn ở Anh.
Anh là thị trường lớn thứ nhì của Google, đóng góp 11% doanh thu, tương đương 4,1 tỷ USD, của hãng này trong năm ngoái. Tuy nhiên, Google chỉ đóng thuế có 6 triệu bảng, tương đương 9,6 triệu USD, cho nhà chức trách của xứ sương mù. Số thuế mà Google đóng trên toàn cầu trong cả năm 2011 là 1,5 tỷ USD.
Cơ quan thuế của Pháp năm nay đã đề xuất tăng thuế thu nhập mà Google phải nộp thêm 1,3 tỷ USD. Tại Italy, cảnh sát thuế đã bắt đầu kiểm toán Google vào tháng trước và mới đây đã rà soát văn phòng của công ty này tại Milan. Tại Australia, Thứ trưởng Bộ tài chính nước này vào tháng trước đã có bài phát biểu “vạch trần” chiến lược trốn thuế của Google.
Tại Mỹ, đã có nhiều lời kêu gọi cải cách quy định về thuế trong đó cho phép doanh nghiệp sử dụng các chi nhánh ở nước ngoài phục vụ cho việc chuyển giá nhằm trốn thuế. Từ năm 2009 tới nay, Bộ Tài chính Mỹ đã nhiều lần đề xuất các biện pháp nhằm ngăn chặn các công ty đa quốc gia trốn thuế bằng cách chuyển lợi nhuận sang các “thiên đường thuế”, nhưng chưa đạt được hiệu quả gì.

Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!


Theo VnEconomy