Năm 2005, ông Nguyễn Trọng Hỷ được bầu vào chức chủ tịch VFF. Ngày nhận chức, ông Hỷ đã trả lời báo chí rất rõ ràng, ông nói “từng là người lính nên một khi được giao nhiệm vụ là sẽ làm, tôi không ngại ghế nóng”. Có phóng viên cắc cớ hỏi, ông chuyên môn là bóng rổ, giờ làm chủ tịch liên đoàn bóng đá thì có ổn không? Ông Hỷ nói luôn: “Dù xuất thân từ bóng rổ nhưng tôi tin là sẽ làm được bởi tôi có một nghề mà bóng đá cần, đó là nghề quản lý”. Ngẫm cũng đúng, bởi ở Việt Nam đầy người chẳng có chuyên môn nhưng được giao trọng trách to lớn vì tổ chức xét thấy có nghề quản lý đấy thôi.
Đội TP.HCM, tiền thân là Cảng Sài Gòn đã xin lỗi khán giả ở trận đấu cuối cùng trước khi giải thể. Còn bao nhiêu lời xin lỗi mà người hâm mộ phải nhận? |
Trợ tá cho ông Hỷ, ông phó chủ tịch truyền thông Nguyễn Lân Trung càng khiến người hâm mộ suy nghĩ lung, mang trên người với gần chục chức danh của các hội, hơn nữa khi với tư cách là bí thư đoàn một trường đại học đã phát biểu hùng hồn: “Cần xoá bỏ hiện tượng “quan” đoàn và máy nói”.
Nói dễ, làm mới khó.
Tình trạng bạo lực trong và ngoài sân cỏ leo thang, thậm chí ẩu đả khiến cổ động viên tử vong cũng đã diễn ra. Chẳng hiểu có phải do bất lực trong việc điều hành các trận đấu xuất hiện khiến ông Hỷ tuyên bố một câu để đời “đi xem bóng đá có nhất thiết phải đông thế không?!”, dù ai cũng biết, bóng đá không khán giả là “bóng chết”.
Nhưng đó chỉ là bề nổi, bởi sự nguy hại ghê gớm hơn nằm ở các chính sách điều hành của những người “có nghề quản lý”. Lấy lý do, bóng đá Việt cần phải chuyên nghiệp, VFF dung túng cho chuyện một ông bầu hai đội bóng tồn tại rất lâu, gây phẫn nộ với người hâm mộ, bức xúc cho các đội bóng. Lần lượt các đội bóng tồn tại nhiều năm trời, có lượng cổ động viên lớn và trung thành mất đi bởi việc cho sang tay các suất tham dự ở các giải đấu. Thậm chí người ta còn thấy cả ông phó chủ tịch VFF, Lê Hùng Dũng làm đầu mối trong các vụ sang nhượng này như chuyển đội Quân khu 4 về TP.HCM với tên mới là Navibank Sài Gòn.
Việc có thể chuyển một đội bóng này sang một địa phương khác dễ như trở bàn tay đã khiến người hâm mộ Khánh Hoà đang giận dữ bởi họ chính là nạn nhân mới nhất. Bóng đá Khánh Hoà trải qua biết bao thăng trầm, thậm chí còn được coi là đối trọng đáng gườm nhất của Đà Nẵng ở dãy đất miền Trung nhưng chỉ với một chữ ký, toàn bộ đội Khánh Hoà đã phải dời ra Hải Phòng để thi đấu ở mùa bóng 2013 này. Người hâm mộ bị bỏ rơi, các cầu thủ Khánh Hoà từng chấp nhận ở lại với đội bóng vì “quê hương, màu cờ sắc áo” cũng chẳng nhận được lời giải thích thoả đáng nào ngoài việc “theo yêu cầu của trên”.
Không có sự ràng buộc bằng văn bản rằng, một ông bầu muốn nhận đội bóng phải chịu trách nhiệm về sự tồn tại của nó trong bao lâu, việc chuyển tên đội bóng có được quyền hay không và như thế nào, nên hàng loạt ông bầu “trúng quả” hay “trả nghĩa cho địa phương” như chính lời ông Tiến Anh - Chủ tịch đội Khánh Hoà từng nhận xét, đã coi việc nuôi đội bóng như một thú vui tiêu khiển, thậm chí có đội một mùa mang đến hai, ba tên như đội của bầu Thuỵ là ví dụ.
Navibank Sài Gòn sau ba năm mua suất thăng hạng từ Quân khu 4 đã giải thể, bầu Thuỵ mua suất thăng hạng của Hoà Phát đem vô Sài Gòn một đội bóng cũng doạ bỏ. Bầu Trường rút lui khỏi chức danh chủ tịch đội Ninh Bình coi như bước đệm để thoái lui, Bà Rịa - Vũng Tàu vừa thăng hạng Nhất đã giải thể ngay trước mùa 2013 bắt đầu…
Đương nhiên, khi để chơi ở V-League hay hạng Nhất, người ta có thể mua suất nên việc xây dựng các tuyến đào tạo trẻ không còn cần thiết. Đó là lý do mà ở các giải đấu U19, U21 gần đây người ta thấy tình trạng vay mượn cầu thủ của các đội bóng không còn là lạ. Đội Ninh Thuận vừa đoạt chức á quân giải U21 năm 2012 với đội hình vay mượn “trọn bộ” là một ví dụ cụ thể nhất.
Không thể tạo được sự ủng hộ từ “người tiêu dùng” địa phương nơi đội bóng gắn bó, chuyện nhà tài trợ quay lưng cũng là điều dễ hiểu. Bóng đá Việt luẩn quẩn, thiếu tiền, thiếu khán giả, sa sút chuyên môn...
Chính VFF, chính những người “có nghề quản lý” đã khiến bóng đá Việt Nam đi thẳng xuống đáy vực khi mùa giải 2013 hàng loạt ông bầu nghỉ chơi, hàng trăm cầu thủ thất nghiệp, hàng vạn khán giả bỗng dưng mất đi nhu cầu giải trí lành mạnh mỗi cuối tuần, và hàng triệu người hâm mộ không còn niềm tin vào đội tuyển quốc gia. Không thể nói khác được.