Ngày 17/12, tờ “Thời báo Kinh tế” Ấn Độ cho biết, cơ quan tình báo Ấn Độ đánh giá, Trung Quốc không ngừng tăng cường quan hệ với Maldives, có thể coi họ là một phần thống trị Ấn Độ Dương – tuyến đường hàng hải có ý nghĩa quan trọng chiến lược.
Báo Ấn Độ còn cho rằng, Bắc Kinh sở dĩ lôi kéo Maldives chính là để đi trước Mỹ, xây dựng căn cứ quân sự mới ở đảo Gan, cực nam của Maldives.
Đảo Gan là thắng cảnh du lịch của Addu Atoll, ở đây có một sân bay quốc tế khác ngoài Male – thủ đô của Maldives, hơn nữa được biết còn là một nơi neo đậu an toàn.
Theo nguồn tin từ cơ quan an ninh Ấn Độ, Mỹ đã cho biết họ quan tâm tới việc sử dụng căn cứ hải quân và không trước đây của Anh ở đảo Gan, tiện lợi cho hạm đội Hải quân Mỹ thực hiện nhiệm vụ tuần tra và tiếp tế quân sự.
Điều này thống nhất với chính sách chuyển trọng tâm chiến lược tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Tổng thống Mỹ Obama.
Mặc dù hiện nay Mỹ cũng đã thiết lập một căn cứ quân sự ở đảo Diego Garcia trên Ấn Độ Dương, nhưng thời hạn thuê căn cứ này dài 50 năm của họ sắp hết vào năm 2016.
Dựa vào quy định của thỏa thuận cho thuê, Mỹ có thể tiếp tục tiến hành đàm phán thuê thêm 20 năm nữa, nhưng xét tới Anh có xu hướng chấp nhận yêu cầu chủ quyền của Mauritius, để họ ổn định lại người dân bản xứ, vì vậy được biết Mỹ đang tìm kiếm một địa điểm thay thế có ý nghĩa chiến lược khác.
Thời hạn thuê căn cứ quân sự trên Diego Garcia ở Ấn Độ Dương của quân Mỹ sắp hết. |
Tuy nhiên, xét thấy Trung Quốc có tham vọng vượt Mỹ, trở thành siêu cường thế giới, vì vậy cơ quan tình báo Ấn Độ cho rằng, Trung Quốc sẽ không muốn nhìn thấy lợi ích quân sự của Mỹ ở Ấn Độ Dương không ngừng tăng lên.
Báo cáo của cơ quan tình báo Ấn Độ chỉ ra, lôi kéo Maldives không những có thể giúp Trung Quốc vượt lên kiềm chế các hành động của Mỹ, mà còn giúp Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự của họ ở Ấn Độ Dương.
Trong khi đó, tờ “Liên hợp Buổi sáng” Singapore cho biết, trong một cuộc hội thảo gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Sri Lanka, ông Gotabaye Rajapakse cho rằng, Trung Quốc đang tiến hành các chương trình hạ tầng cơ sở quan trọng ở Maldives, Bangladesh, Myanmar, Pakistan và cảng Ambalantota của Sri Lanka.
Tuy nhiên, dường như ông Rajapakse có ý “bênh vực” Trung Quốc khi cho rằng, Hải quân Trung Quốc tăng cường các hoạt động ở Ấn Độ Dương là điều có thể hiểu được, bởi vì an toàn và ổn định của Ấn Độ Dương rất quan trọng đối với việc bảo đảm cung ứng năng lượng cho Trung Quốc.
Rajapakse cho rằng, vai trò ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc tăng, hợp tác Trung Quốc-Sri Lanka mang “tính thương mại đơn thuần”; đồng thời bác bỏ quan điểm cho rằng Trung Quốc đang thúc đẩy chính sách xây dựng “chuỗi ngọc trai” ở Ấn Độ Dương. Thậm chí Rajapakse coi Trung Quốc là một “người bạn chân thành”. Rõ ràng, những lời nói “có cánh” này phản ánh Sri Lanka đang “được lợi” từ Trung Quốc.Tìm cách đẩy mạnh bán vũ khí cho các nước Nam Á
Gần đây, một số tờ báo điện tử Trung Quốc đã phản ánh một số động thái gây chú ý của Trung Quốc ở khu vực Nam Á, trong đó có các hoạt động thúc đẩy xây dựng hạ tầng cảng biển, thúc đẩy bán vũ khí trang bị cho các nước Pakistan, Bangladesh, Myanmar và Sri Lanka…
Hãng tin BBC Anh ngày 27/11 cho biết, Sri Lanka đã nhờ Trung Quốc sử dụng tên lửa đẩy Trường Chinh phóng vệ tinh thông tin đầu tiên của nước này lên quỹ đạo. Chính phủ Sri Lanka tiết lộ, vệ tinh này sẽ cung cấp các dịch vụ băng thông rộng, phát thanh và thông tin cho Sri Lanka.
Máy bay chiến đấu hạng nhẹ JF-17 Thunder |
Bên cạnh đó, tờ “Srilankamirror” ngày 9/12 dẫn lời xác nhận từ Bộ Quốc phòng và Phát triển đô thị Sri Lanka cho hay, Không quân Sri Lanka có kế hoạch mua 6 máy bay chiến đấu FC-1 Kiêu Long (hay JF-17 Thunder) của Trung Quốc. Kế hoạch mua sắm những máy bay chiến đấu này sẽ được quyết định cuối cùng vào năm 2013.
Máy bay JF-17 Thunder được giới thiệu là một loại máy bay chiến đấu đa năng hạng nhẹ, 1 chỗ ngồi, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, do Trung Quốc và Pakistan hợp tác chế tạo, có tính năng cơ động khá mạnh, có khả năng tấn công chính xác phía trước, chiến đấu cự ly gần, đánh chặn đường không cự ly trung bình và xa.
Ngoài ra, theo tờ “Jane’s Defense Weekly”, Tập đoàn công nghiệp Phương Nam Trung Quốc cũng đang thúc đẩy tiêu thụ xe chống mìn/phục kích 4x4 Type CS/VP3 lớp 15 tấn ở thị trường Nam Á với các nước gồm Pakistan và Sri Lanka.
Loại xe này vừa được trưng bày tại Triển lãm hàng không Chu Hải năm 2012. Theo giới thiệu, loại xe này có khung hình chữ V, có thể mang theo 12 người, đỉnh xe để 2 cửa sập, có thể lắp súng máy; loại xe này thích hợp với vận chuyển, cứu hộ trên chiến trường, chống bạo loạn, chống khủng bố và giữ gìn hòa bình, đồng thời có giá rẻ.
Xe chống mìn Type CS/VP3 do Trung Quốc sản xuất, nặng 15 tấn, trọng tải 2.000 kg, dài 7,58 m, rộng 2,45 m, cao 2,85 m, tốc độ tối đa 100 km/h. |
Không chỉ có vậy, trang mạng quân sự Nga ngày 14/12 dẫn lời Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina cho biết, Bangladesh đã bắt đầu trang bị cho quân đội nước này 44 xe tăng chiến đấu MBT-2000 và hệ thống radar đặt mua của Trung Quốc. Đây là loại xe tăng hiện đại đầu tiên được trang bị cho lực lượng vũ trang nước này. Bangladesh đã mua hoàn toàn bằng tiền mặt.
Được biết, ngày 4/6/2011, Bộ Quốc phòng Bangladesh đã ký với Tập đoàn công nghiệp Phương Bắc Trung Quốc hợp đồng mua 44 xe tăng MBT-2000 và 3 xe sơ tán, duy tu bọc thép, tổng trị giá 12,01 tỷ taka (tiền Bangladesh), khoảng 147 triệu USD.
Xe tăng một lần đổ đầy dầu có thể chạy 400 km, tốc độ tối đa 61 km/giờ. Xe tăng này trang bị bọc thép hoạt tính, vũ khí chính gồm 1 khẩu pháo nòng trơn 125 mm, 1 khẩu súng máy 12,7 mm và một khẩu 7,62 mm.
Xe tăng MBT-2000 sử dụng động cơ diesel của Ukraine, do Trung Quốc sản xuất, dùng để xuất khẩu. |
Bangladesh mua xe tăng MBT-2000 là để thay thế một phần xe tăng T-59 kiểu cũ hiện có. Có tin cho biết, Trung Quốc đã giành được hợp đồng từ Bangladesh trước các đối thủ đến từ Nga, Ukraine và Pakistan. Quân đội Bangladesh cho rằng, Trung Quốc báo giá rẻ, tính năng cũng tạm được.
Ngoài ra, Trung Quốc còn đồng ý đào tạo miễn phí nhân viên tổ lái xe tăng cho Bangladesh. Theo quy định của hợp đồng, tất cả 44 xe tăng phải được bàn giao xong trong thời gian 27 tháng kể từ ngày ký kết.