Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam và Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao tiến hành thanh tra và phát hiện ra phương tiện phát tán tin nhắn rác là một thiết bị có xuất xứ từ Trung Quốc.
Mỗi lần nhắn, 20 ngàn người khó chịu
Tại Công ty Cổ phần EMOBI (số 36, phố Hoàng Cầu, quận Đống Đa, Hà Nội), lực lượng chức năng phát hiện doanh nghiệp này đã dùng 5 điện thoại Nokia 3110C kết nối với máy tính và sử dụng phần mềm SMS Carter để phát tán tin nhắn rác tới các thuê bao di động nhằm quảng cáo, dẫn dụ người sử dụng nhắn tới các đầu số 8x41 của mình.
Trong 1 giờ, một máy có khả năng phát tán với tốc độ 800 tin nhắn tới người sử dụng. Nội dung tin nhắn do Công ty EMOBI cung cấp có cả nội dung liên quan tới bói toán, cờ bạc, lô đề.
Một số đối tác của Công ty EMOBI như Công ty SunMedia, Hello Media hay Công ty CP VNNET cũng sử dụng các thiết bị GSM/GPRS/CDMA Modem được lắp sim và kết nối với máy tính để phát tán tin nhắn rác quảng cáo cho đầu số 8x32.
Phương tiện phát tán tin rác bị thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông thu hồi |
Cán bộ Phòng Thanh tra viễn thông cho biết, việc phát tán tin nhắn được Công ty VNNET thực hiện trung bình 3 lần/tuần, mỗi lần phát tán tới khoảng 20.000 thuê bao di động.
Đoàn thanh tra Bộ Thông tin & Truyền thông đang tiếp tục làm rõ các sai phạm của VNNET cũng như việc phát tán tin nhắn rác của các đối tượng hiện đang hợp tác với VNNET để cung cấp dịch vụ.
Một thanh tra viên cho biết: "Các công ty phát tán tin nhắn rác sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật như đề nghị thu hồi mã số quản lý, không gia hạn hoặc không xem xét cấp mới mã số quản lý cùng với mức phạt tiền có thể lên tới 80 triệu đồng".
Nhà mạng hám lợi làm ngơ?
Theo thông tin từ Thanh tra Viễn thông (Bộ TT&TT), mặc dù đã tịch thu được 4 thiết bị phát tán tin nhắn rác trong đợt thanh tra tháng 4 vừa rồi nhưng việc phát tán tin nhắn rác chưa thể nói là xử lý được triệt để.
Thanh tra sẽ vào cuộc mạnh mẽ hơn và tích cực thanh kiểm tra các đầu mối dịch vụ tin nhắn. Hiện nay vẫn chưa có một công cụ nào hỗ trợ kỹ thuật cho các nhà quản lý để siết chặt nạn tin nhắn rác ngoài cách làm thủ công là thanh tra đến đâu thì xử lý được đến đó. Những tin nhắn rác được phát tán chủ yếu từ các sim khuyến mại nên rất khó cho quá trình điều tra.
Ngoài việc gây phiền toái cho người sử dụng thuê bao di động, không ít người còn bị các dịch vụ này móc túi trắng trợn. Với mỗi tin nhắn trả lời gửi tới các đầu số này, người dùng sẽ bị trừ ngay trong tài khoản 15 ngàn đồng/tin nhắn.
Theo nguồn tin từ Thanh tra viễn thông, số tiền này sẽ được nhà mạng và nhà cung cấp dịch vụ ăn chia theo tỷ lệ 50 - 50 hoặc 40 - 60. Chính vì thế, mặc dù các nhà mạng biết được những bất lợi của khách hàng nhưng vẫn nhắm mắt làm ngơ bởi đây là việc làm được cho là "hai bên cùng có lợi".
Bà Nguyễn Thu Hồng, đại diện truyền thông của Công ty Vinaphone cho biết: "Tin nhắn rác thường xuất phát từ những số của cá nhân mà thường là từ số Sim khuyến mại, hoặc từ những đầu số 8xxx, 6xxx... Vinaphone đã xử lý những sai phạm khi nhận được phản hồi từ khách hàng.
Một trang công khai bán máy phát tin nhắn rác |
Trên biên bản hợp đồng cung cấp nội dung, chúng tôi đã có cam kết về mức độ xử lý khi có sai phạm. Khi khách hàng trả lời những tin nhắn được gửi đi từ các đầu số rác, mà chưa kiểm tra được nội dung hoặc chưa có phản ánh gì thì số tiền đó vẫn thuộc về phần tin nhắn được chấp nhận".
Nhiều khách hàng đặt vấn đề: Những công ty làm dịch vụ tin nhắn này lấy đâu ra số lượng lớn các số điện thoại của khách hàng để nhắn tin? Danh sách khách hàng có thể lấy từ nhiều nguồn khác nhau như của chính khách hàng công ty, mua danh sách trên mạng, lấy từ các đại lý sim, thẻ điện thoại và cũng không loại trừ danh sách số điện thoại được lấy từ chính nhân viên của các nhà mạng?
"Chợ" online máy phát tin rác
Chỉ cần lên mạng internet, người ta không mất nhiều công sức để có thể tìm ra cách sở hữu một thiết bị hỗ trợ gửi tin nhắn hàng loạt. Chỉ cần gõ cụm từ "gửi tin nhắn hàng loạt qua điện thoại" vào trang web Google, ngay lập tức xuất hiện hàng triệu trang web hướng dẫn cách sử dụng cũng như nơi bán thiết bị này.
Chỉ với một cú điện thoại, phóng viên đã được anh Nguyễn Tiến Lâm, nhân viên kinh doanh IT của Công ty CP iN... tư vấn và gửi thông tin chi tiết về sản phẩm cho khách hàng. Người bán hàng này nhiệt tình cung cấp:
"Bên công ty em đang bán phần mềm gửi tin nhắn SMS hàng loạt, phần mềm này phải được kết hợp với 1 GSM modem hoặc USB 3G là có thể gửi tin nhắn SMS hàng loạt với tốc độ cao. Phần mềm này hoạt động hoàn toàn tự động gửi đi hơn 1.000 tin nhắn trong mỗi giờ và hệ thống có thể hoạt động liên tục 24/24 mà không hề trục trặc".
Người bán hàng này cho biết, loại GSM modem có giá 2,6 triệu đồng (xuất xứ Trung Quốc) và 3,9 triệu đồng (xuất xứ Australia), ngoài ra đối với USB 3G thì có giá 900 ngàn đồng.
Bên cạnh việc sử dụng những công cụ này, muốn phát tán tin nhắn hàng loạt còn cần có phần mềm gửi tin thường có giá từ 50 USD - 200 USD (khoảng 1,1 triệu - 2.2 triệu VNĐ).Tính ra, phương tiện kỹ thuật để phát tán tin nhắn SMS với số lượng lớn chỉ cần 1 chiếc máy tính cùng với khoảng 3 triệu đồng để đầu tư một số phương tiện hỗ trợ.
Theo Lại Quỳnh/ĐS&PL