Bộ Giáo dục để các trường "chết", xây lại còn khó hơn

19/12/2012 17:14
Xuân Trung
(GDVN) - Sáng nay (19/12), Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL tại khu vực Hà Nội đã tiến hành hội nghị lấy ý kiến kiến nghị giúp Bộ GD&ĐT hoàn thiện kế hoạch tuyển sinh năm 2013.
Theo ý kiến của các trường ĐH, CĐ NCL sáng nay cho thấy, phần lớn các trường không ủng hộ hình thức “ba chung”, nhiều bất cập trong chính sách đối với hệ thống NCL được mổ xẻ tận nơi. 
Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục, PGS Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL, đây là dịp để hiệp hội lắng nghe ý kiến các trường NCL, do nhiều quy định của Bộ GD&ĐT về tuyển sinh đã không phù hợp với thời đại ngày nay. Trên thế giới, học sinh học xong phổ thông đều được tự do lựa chọn học tiếp lên ĐH, CĐ nếu có nhu cầu, nhưng Việt Nam thì đang làm ngược lại. Điều đó khiến các trường NCL càng thêm khó khăn, xây dựng được một ngôi trường đã khó, nay Bộ Giáo dục cho trường đó “chết”, nếu sau đó muốn xây dựng lại thì càng khó hơn.

Hội nghị đóng góp ý kiến có sự tham gia của nhiều trường ĐH, CĐ NCL khu vực phía Bắc. Ảnh XT
Hội nghị đóng góp ý kiến có sự tham gia của nhiều trường ĐH, CĐ NCL khu vực phía Bắc. Ảnh XT

Theo suy nghĩ của GS Trần Hữu Nghị, năm 2013 nên chăng Bộ cho các trường nếu còn chỗ, còn thầy thì được tuyển học sinh vào học, như vậy sẽ giải quyết được vấn đề trường đủ chỗ và học sinh được vào học, làm như vậy sẽ tận dụng được cơ sở vật chất sẵn có, giảng viên sẵn có. Sau đó, đối với những học sinh này có thể bồi dưỡng kiểm tra lại bằng cách học theo tín chỉ, nếu đủ tín chỉ sẽ cho vào học tiếp, nếu Bộ làm chặt hơn có thể cho học sinh đi học theo diện dự bị, cuối năm sẽ có kiểm tra và nếu đủ điều kiện sẽ được ở lại học tiếp hệ chính quy.

Từng làm công tác quản lí trong cơ sở giáo dục đại học công lập, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Xây Dựng Hà Nội, hiện là Hiệu trưởng Trường ĐH Lương Thế Vinh (Nam Định) đặt câu hỏi: Trong bối cảnh hiện nay tại sao vấn đề tuyển sinh lại khó khăn và phức tạp tới vậy? Thực sự có sự công bằng giữa các trường công lập và NCL chưa? PGS Hùng khẳng định – chưa công bằng.

Theo PGS Hùng, không công bằng ở chỗ hai em chênh nhau 0,5 điểm nhưng một em vào học trường công lập được nhà nước hỗ trợ, học phí thấp, trong khi đó những em khác cũng là con em công dân, cũng phải đóng thuế, cũng là công dân tương lai lại không được hỗ trợ gì, vì vào học trường ngoài công lập. Điều đó tạo nên sự bất cập, những bất bình đẳng ban đầu sẽ dẫn đến nhiều bất cập sau này. Vấn đề nữa, theo PGS Hùng hàng năm chỉ tiêu tuyển sinh các trường công lập đã vét thí sinh tới tận đáy điểm sàn, việc các trường NCL ở vùng sâu, vùng xa không thu hút được người học là điều đương nhiên.

PGS. TS Nguyễn Văn Hùng - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Xây Dựng Hà Nội, hiện là Hiệu trưởng Trường ĐH Lương Thế Vinh (Nam Định) đặt câu hỏi rằng, trong bối cảnh hiện nay tại sao vấn đề tuyển sinh lại khó khăn và phức tạp tới vậy? Thực sự có sự công bằng giữa các trường công lập và NCL chưa? PGS Hùng khẳng định – chưa công bằng. Ảnh XT
PGS. TS Nguyễn Văn Hùng - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Xây Dựng Hà Nội, hiện là Hiệu trưởng Trường ĐH Lương Thế Vinh (Nam Định) đặt câu hỏi rằng, trong bối cảnh hiện nay tại sao vấn đề tuyển sinh lại khó khăn và phức tạp tới vậy? Thực sự có sự công bằng giữa các trường công lập và NCL chưa? PGS Hùng khẳng định – chưa công bằng. Ảnh XT

“Với cách làm hiện nay là đào tạo theo hình ống đẩy sinh viên vào học thì sản phẩm ra lò cũng vẫn là hình ống, không có hình chóp dẫn đến không có được người tài”, PGS. TS Nguyễn Văn Hùng nói. 

GS Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng Trường ĐH DL Hải Phòng cũng thừa nhận, trong 15 năm hình thành và phát triển của trường, chưa năm nào Trường DL Hải Phòng lại không tuyển đủ như năm nay, mặc dù xét về điều kiện giáo viên, cơ sở vật chất tốt, trường thuộc tốp 5 trường có tỉ lệ sinh viên có việc làm ngay khi tốt nghiệp. 

Theo GS Trần Hữu Nghị, chúng ta mỗi năm có khoảng 1,2 triệu học sinh tốt nghiệp nhưng lại không chọn được 3-4 trăm nghìn học sinh vào đại học, lỗi này ở tầm vĩ mô. “Có vẻ như chủ trương xã hội hóa giáo dục không được chăm sóc một cách triệt để, chủ trương hay nhưng chưa tạo cơ hội cho tất cả mọi người đều học”, GS Nghị nói.

GS Nghị cũng đề nghị, năm tới Bộ cũng cần phải xem xét lại tiểu ban ra đề, xem đã phù hợp với học sinh hiện nay chưa? Và thời gian tuyển sinh năm nay có nên kéo dài hết ngày 30/11? Vị Hiệu trưởng trường DL Hải Phòng cũng nêu ý kiến, năm nay nên chăng cách tính điểm nguyện vọng (NV) cũng nên khác trước, trước kia điểm NV sau cao hơn NV trước, nhưng năm nay có thể làm ngược lại, NV sau có thể bằng NV trước hoặc thấp hơn hay bằng điểm sàn.

Theo GS Trần Hữu Nghị, chúng ta mỗi năm có khoảng 1,2 triệu học sinh tốt nghiệp nhưng lại không chọn được 3-4 trăm nghìn học sinh vào đại học, lỗi này ở tầm vĩ mô. Ảnh XT
Theo GS Trần Hữu Nghị, chúng ta mỗi năm có khoảng 1,2 triệu học sinh tốt nghiệp nhưng lại không chọn được 3-4 trăm nghìn học sinh vào đại học, lỗi này ở tầm vĩ mô. Ảnh XT

TS. Lê Viết Khuyến – nguyên Vụ phó Vụ GDĐH (Bộ GD&ĐT), Trưởng Ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục (Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL) cho biết, chính sách giữa các trường công và trường tư thực tế hiện nay chưa có sự công bằng. Nếu cứ tiếp diễn tình hình tuyển sinh như những năm qua thì việc phá sản đối với các trường là điều không tránh khỏi. Theo chủ ý của ông Khuyến, nếu cần Hiệp hội và các trường có thể đối thoại trực tiếp với những người làm chính sách ở Bộ GD&ĐT để xem xét các chính sách đúng và đã hợp lí chỗ nào, còn chỗ nào chưa?

TS Khuyến thừa nhận, đúng là có chuyện chất lượng một số các trường NCL không đạt yêu cầu nhưng không phải là tất cả, chỉ nhìn vào một số trường chưa làm tốt để đánh giá cả hệ thống các trường ngoài công lập là không công bằng. Trong khi đó Bộ GD&ĐT lại áp dụng những tiêu chí “khác người” (25m2/1 sinh viên,…) để đánh giá các trường NCL, các tiêu chí này thực tế áp dụng đối với các trường công cũng không thể đạt được. 

“25m2 ở Hà Nội với 250 m2 ở vùng sâu, vùng xa khác nhau vô cùng, những tiêu chuẩn này vẫn là trên trời và vẫn được tồn tại qua năm này năm khác. Luật GDĐH đã nói, các trường ĐH được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhưng thực tế lại làm theo quy định của Bộ. Ngược nỗi, những quy định này lại do các chuyên viên làm ra, không tham khảo ở đâu, do vậy đánh vào trường nào là trường đó chết”, TS Khuyến cho biết.

TS. Lê Viết Khuyến – nguyên là Vụ phó Vụ GDĐH (Bộ GD&ĐT), Trưởng Ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục (Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL) cho biết, chính sách giữa các trường công và trường tư thực tế hiện nay chưa có sự công bằng. Ảnh XT
TS. Lê Viết Khuyến – nguyên là Vụ phó Vụ GDĐH (Bộ GD&ĐT), Trưởng Ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục (Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL) cho biết, chính sách giữa các trường công và trường tư thực tế hiện nay chưa có sự công bằng. Ảnh XT

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan TS Lê Viết Khuyến cho rằng nguyên nhân khiến các trường lâm vào thế bí là do tuyển sinh, chính sách đã có rất nhiều điểm khiến các trường lo ngại. Theo ông Khuyến, lâu nay các trường tin vào đề tuyển sinh của Bộ là rất chuẩn, đề của Bộ ra sẽ không bao giờ có sai sót, ba-rem chấm đưa ra cũng rất chính xác. Nhưng ít ai biết được, các trường ít có người hiểu được việc đo lường trong chất lượng giáo dục. Thực tế, lâu nay Bộ không dám công bố phổ chuẩn các môn.

“Năm trước tôi có đọc được thông tin trên báo chí phổ điểm ở cả 4 khối tính chung lại chỉ đạt từ 7-8 điểm, như vậy là lệch chuẩn (chuẩn là 15 điểm), nếu phổ điểm như vậy là đề thi không đạt chuẩn và đáp án cũng không chuẩn. Nếu đáp án không chuẩn sẽ không có cái gọi là điểm sàn. Năm nay, chúng ta phải yêu cầu Bộ công khai hóa đề thi, lúc đó mới thấy được điểm sàn bao nhiêu là chính xác”, TS Khuyến phân tích.

Hội nghị kết thúc với nhiều ý kiến từ các trường được Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL ghi lại và tổng hợp cùng ý kiến các trường phía nam sẽ diễn ngày mai để kiến nghị lên Bộ GD&ĐT, trong thời gian tới sẽ có những chính sách phù hợp hơn với các trường NCL. Các ý kiến thẳng thắn bày tỏ, có thể Hiệp hội và các trường sẽ có buổi đối thoại với các cơ quan chức năng trung ương về vấn đề này trong thời gian gần nhất. 
Xuân Trung