Cho đến bây giờ, khi ngồi viết những dòng này, tôi vẫn thầm cảm ơn nghiệp làm báo đã cho tôi có cơ may được gặp gỡ, trò chuyện với ông. Để rồi tôi nhận ra một triết lý sống của cuộc đời: sự vĩ đại bao giờ cũng hiện hữu trong những điều giản dị, khiêm nhường. Ông là thầy giáo Doãn Mậu Hòe, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Đà Nẵng, từng trực tiếp dạy văn hóa cho 6 vị tướng quân đội Việt Nam: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Hoàng Văn Thái, Thượng tướng Song Hào, Trung tướng Lê Quang Đạo, Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu và Trung tướng Phạm Kiệt.
Ngôi nhà của ông Doãn Mậu Hòe - số 98 đường Nguyễn Văn Thoại, TP Đà Nẵng dường như bắt đầu có kẻ ra, người vào đông đúc kể từ sau khi ông từ Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trở về. Nhìn thấy ảnh ông trên báo, xem phóng sự về ông qua truyền hình, một người dân ở Phường Mỹ An, Quận Ngũ Hành Sơn bất chợt thốt lên: “Bác Hòe ở khu phố mình hóa ra là người nổi tiếng. Hèn chi bác ấy tốt như thế!”.
Thế rồi người ta không chỉ nhắc nhớ đến những nghĩa cử đẹp đẽ mà ông Hòe đã làm, mà còn tới lui nhà ông nhiều hơn để hỏi chuyện về cái thuở ông được “gõ đầu trẻ” một cách đặc biệt oai hùng (được dạy tới 6 vị tướng tài). Một số học sinh cũ của thầy Hòe nay tóc đã chớm hoa râm cũng mừng vui khôn xiết khi biết được tin thầy, không quản xa xôi, tìm đến thăm…
Ông Doãn Mậu Hòe tại hội nghị biểu dương người có công. |
Còn tôi, khi đường đột tới gặp “thầy giáo của 6 vị tướng” mà không hẹn trước, đã cảm thấy một cảm tình đặc biệt đối với ông ngay từ phút ban đầu; từ nụ cười hiền lành phúc hậu, vẻ e ngại khi không kịp thay bộ pijama mặc ở nhà, đến cử chỉ ân cần, niềm nở tiếp khách. Chất giọng của một người thầy đã ở tuổi 80, không còn ấm và vang như trước nữa, nhưng những mẩu chuyện ông kể tự thân nó đã đặc biệt có sức thu hút với người nghe.
“Tôi suốt đời vừa làm anh bộ đội vừa là thầy giáo”, ông bắt đầu hồi tưởng về quá khứ của mình bằng những dòng giản dị như vậy! Năm 1954, chàng trai trẻ 22 tuổi Doãn Mậu Hòe từ Liên khu 5 tập kết ra Bắc, đóng quân tại Trung đoàn 108, Sư 305.
Năm 1957, ông được cấp trên cử đi học lớp “Bồi dưỡng giáo viên trợ lý văn hóa”, Đại học Sư phạm. Tốt nghiệp, ông về lại Tổng cục chính trị làm trợ lý văn hóa Tổng cục, đồng thời, tham gia dạy Vật lý, Hóa học cho các lớp bổ túc văn hóa tại chức cấp II, III (hệ 10 năm) cho cán bộ của cơ quan Tổng cục Chính trị. Chính trong thời gian này, ông có niềm vinh hạnh lớn là được chọn trực tiếp hướng dẫn cho 6 vị tướng học văn hóa tại nhà riêng, ở nhiều cấp học khác nhau: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh học Toán, Lý, Hóa cấp II; Trung tướng Phạm Kiệt học Văn, Toán cấp I; Đại tướng Hoàng Văn Thái; Thượng tướng Song Hào, Trung tướng Lê Quang Đạo và Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu học Hóa, Lý cấp III.
Ông dạy chung cả 6 vị tướng trong một lớp hay dạy riêng? Dạy vào những thời gian nào và lên lớp có cần phải dùng giáo án? Trí tò mò của người cũng từng một thuở lên bục giảng khiến tôi nôn nóng đặt câu hỏi ngắt quãng dòng hồi ức của ông. Ông đáp lời không kém phần hồ hởi: “Sáu vị tướng không học chung một lớp mà học riêng: ông Nguyễn Chí Thanh học từ cấp 2 học lên, một mình đến cơ quan để học; ông Hoàng Văn Thái, Phạm Ngọc Mậu ở cùng nhà, học chung chương trình; ông Song Hào và Lê Quang Đạo ở cùng nhà cũng học chung với nhau; ông Phạm Kiệt thì lại học riêng một mình. Tùy tình hình cụ thể, tôi xếp lịch học trong tuần, vừa đảm bảo công tác chung, vừa có thời gian học và làm bài của các thủ trưởng. Dạy có bài bản, giáo án hẳn hoi với từng lớp học”…
Cứ như thế, bằng giọng kể thủ thỉ, ông Hòe tái hiện trở lại những kỷ niệm sâu sắc nhất của những ngày dạy học trong quân ngũ: “Tướng và tôi gọi nhau bằng thầy giáo / Kính trọng - Thương yêu - Thân thiết - Tự hào / Thương các anh dở dang đường học vấn / Tuổi cao còn trở lại buổi thư sinh”.
Ông đã viết những dòng xúc động như thế và gọi đó là “nhật ký cuộc đời” mình. Rồi ông giải thích: “Tôi khi ấy mới 25 tuổi, còn họ đã là các tướng lĩnh nổi tiếng. Hồi bấy giờ, lên được một cấp bậc sĩ quan khó lắm, thường phải 7-8 năm một cấp bậc; nghe nói đến cấp tướng, cấp tá là giá trị lắm chứ như bây giờ thì…”, ông lắc đầu vẻ dè dặt. Hiểu sự bối rối của ông trong cách xưng hô trên lớp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đề xuất ý kiến: “Giáo viên nên gọi chúng tôi là anh, chúng tôi gọi giáo viên là thầy giáo”. Ông khen Đại tướng Nguyễn Chí Thanh học hành giỏi giang, thông minh; khi đã vào học, ai cũng nghiêm túc. Đồ dùng dạy học không sẵn có như bây giờ, thầy và trò đều phải tự tạo ra đồ dùng để giảng dạy sao cho dễ hiểu. Quan hệ thầy trò trên lớp cũng như thủ trưởng và cấp dưới ngày ấy tình cảm lắm, gắn bó tự nhiên lắm. Trung tướng Phạm Kiệt đánh giặc giỏi, từng là du kích Ba Tơ nổi tiếng, quân Pháp sợ nhất ông, nhưng học văn hóa có phần vất vả, không bằng 5 vị còn lại, ông chân tình và thẳng thắn bộc lộ nỗi niềm: “Đề nghị thầy Hòe dạy tôi, đừng phân công các cô giáo dạy vì trước đây tôi bị Pháp bắt, tù đày, đánh đập, bây giờ ảnh hưởng trí não, nói trước quên sau, nếu các cô giáo dạy khi hỏi bài mình không trả lời được thì xấu hổ lắm…”.
Ông Doãn Mậu Hòe - “người thầy của 6 vị tướng”. |
Và mãi đến sau này, khi đã dạy qua bao nhiêu lớp học, dạy tới 2.000 học viên từ binh nhì đến cấp tướng tại các trường, học viện quân đội, ông Hòe vẫn không thể nào quên vòng tay ôm mừng rỡ cùng nụ hôn nóng hổi của Trung tướng Phạm Kiệt mỗi khi thầy giáo yêu cầu ông nhắc nhớ kiến thức đã học, ông “trả bài trôi chảy”. Lần gặp gỡ cuối cùng của ông Hòe với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là vào một ngày đầu tháng 7/1967. Đại tướng rủ ông đi chùa Thầy, nhưng ông từ chối vì đã đến ngày phải lên đường vào Nam (đi B). Và sau đó, trên đường vào đến Khu IV thì ông được tin Đại tướng Nguyễn Chí Thanh qua đời vì bệnh tim, trước khi đại tướng trở lại chiến trường lần thứ hai.
Niềm hạnh phúc bất ngờ của người thầy giáo có tới 34 năm được làm thầy giáo (trong chặng đường 47 năm phục vụ quân đội) là vào tháng 8 năm 2010 mới đây, một người học trò cũ thời kỳ ông còn dạy ở trường thiếu sinh quân năm từ năm 1965, Đại tá Võ Minh Ân - Phó Cục trưởng Cục kỹ thuật Quân khu 5, hiện là Trưởng Ban liên lạc Thiếu sinh quân miền Trung tại Đà Nẵng sau bao năm thất lạc tin tức, đã tìm đến nhà gặp ông đúng vào dịp chuẩn bị kỷ niệm 47 năm ngày truyền thống trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi. Thầy giáo già như trẻ, khỏe ra khi được trở lại bầu không khí tràn đầy tình đồng chí, đồng đội, tình thầy trò, tình bè bạn, anh em thân thương như ruột thịt trong buổi gặp mặt với Ban liên lạc và các em cựu học sinh trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi ở miền Trung… Trong niềm vui, xúc động của ngày hội tụ, ông lại bùi ngùi nhớ lại những người học trò đã anh dũng hi sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc, trong đó có Võ Văn Dũng, con trai nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, học sinh khóa 5, rất thông minh, học giỏi, vui tính… Và cho đến khi trở về Đà Nẵng, ông đã ghi lại nguyên văn lời phát biểu của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trong buổi lễ kỷ niệm hôm ấy (Phó Thủ tướng cũng là cựu học sinh trường Thiếu sinh quân): “Có được như ngày hôm nay, một phần quan trọng là nhờ vào công lao của các thầy cô giáo đã dạy cho chúng em cái cần phải học, đã chỉ cho chúng em cái cần phải làm, đã hướng dẫn cho chúng en cái cần phải hiểu ở lứa tuổi học trò của chúng em lúc đó…”.
Mới hay, triết lý “không thầy đố mày làm nên” và truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc vẫn còn nguyên giá trị. Người thầy của 6 vị tướng năm xưa đã sống bằng niềm hạnh phúc ấy, mặc dù hôm nay, ông lặng lẽ trở về với đời thường, với những việc làm không tên tuổi nhưng lại làm nên bao tuổi tên. Người dân ở khu phố An Thượng mừng vui khi từ ngày có ông về, đường phố không còn lầy lội, nhà cửa không còn tối tăm, có điện chiếu sáng, có nước máy. “Tôi thấy bà con khổ quá, mới xin anh Nguyễn Bá Thanh mấy trăm để làm”, ông nói một cách giản dị như vậy về cái gọi là “nguồn vốn đầu tư”.
Đặc biệt, ông trực tiếp đề xuất ý kiến và được lãnh đạo Quận cho thành lập Quỹ Khuyến học Lê Văn Hiến, từ năm 2008 đến nay, Quỹ Khuyến học Lê Văn Hiến đã vận động được hơn 156 triệu đồng từ 55 tổ chức, cá nhân ngay tại Lễ công bố thành lập quỹ này. Từ năm 2008 đến nay, Quỹ Khuyến học Lê Văn Hiến đã góp phần bảo trợ dài hạn cho 111 học sinh mồ côi nghèo, cấp học bổng cho 145 HS giỏi, trao giải thưởng cho 24 HS lớp cuối cấp học phổ thông và 272 HS trúng tuyển vào đại học.