Ngày càng ít giáo sư vào trường đại học

27/12/2012 07:14
TP
Ngày 24/12 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước đã chứng nhận 42 Giáo sư (GS) và 427 Phó Giáo sư (PGS) đạt tiêu chuẩn.
Theo GS.TSKH Trần Văn Nhung - Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, trong đợt phong lần này, có số đông đang là giảng viên cơ hữu trong các trường đại học, nên đó là tín hiệu đáng mừng.
Các con số ông Trần Văn Nhung cung cấp cho thấy số tân GS là giảng viên đại học chiếm 69,05%, tân PGS là 77,75% trên tổng số. Tuy nhiên mật độ phân bố lệch hẳn về Hà Nội là 80,96%, TP.HCM chỉ có 7,14% và 11,09% dành cho toàn bộ các tỉnh thành còn lại trên toàn quốc.

Chùm ảnh: Phong tặng 42 Giáo sư, 427 Phó Giáo sư

Chùm ảnh: Phong tặng 42 Giáo sư, 427 Phó Giáo sư

Nhà nước có trách nhiệm vực dậy khối Đại học, Cao đẳng ngoài công lập

Nhà nước có trách nhiệm vực dậy khối Đại học, Cao đẳng ngoài công lập

Nếu như chủ trương phong chức danh GS, PGS để tạo ra đội ngũ nhà giáo và các nhà khoa học đào tạo ra nguồn nhân lực cao thì trường đại học chính là môi trường tốt nhất để họ phát huy năng lực của mình, đồng thời còn có thể tạo ra các nguồn tri thức mới qua quá trình thầy và trò cùng nghiên cứu.
Nhưng qua các đợt xét từ trước tới nay có 1.483 GS và 8.370 PGS được công nhận, trong đó chỉ chừng 3.000 là thuộc các, đại học và cao đẳng. So với 77.500 giảng viên đại học, cao đẳng toàn quốc, con số này chiếm chừng 4%. Vậy tất cả các GS, PGS còn lại đang ở đâu và sử dụng giấy chứng nhận học hàm học vị như thế nào?
Những câu hỏi kiểu này sẽ dài miên man bất tận nữa. Chẳng hạn, khi những GS, PGS về trường đại học, liệu họ có đất dụng võ trong các nhà trường quốc doanh không quan tâm đầu tư phát triển trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm... hay chăng? Hay cả hệ thống vẫn chỉ tập trung vào việc đào tạo ra nguồn nhân lực chỉ biết chép bài giỏi, không có tư duy phản biện, không tìm tòi. Đối với mục đích này, thì đừng hỏi vì sao giảng đường đại học, cao đẳng chỉ cần giảng viên “cơm chấm cơm”, 10% và 40% thạc sĩ là… quá đủ.

Mừng khi các tân giáo sư, phó giáo sư của ta ngày càng trẻ, như lời ông Trần Văn Nhung. Nhưng cũng lo khi họ sẽ sớm đối mặt với cám dỗ danh và lợi. Nếu phấn đấu cho chức danh giáo sư để vì lợi ích kinh tế thì rõ ràng họ sẽ tìm nó ở chỗ khác. Không thể kiếm sống chỉ trong các trường đại học, rồi lên các viện, các trung tâm, cộng với dăm bài viết khoa học cho các tạp chí hiếm hoi tại Việt Nam. Còn nếu leo lên các thang bậc hành chính để đảm đương chức vụ quản lý thì chả mấy ngày học hàm học vị chỉ còn để gắn trên cửa và đặt trên bàn làm việc. Nên, sau mỗi đợt phong chức danh, lại thêm băn khoăn chưa được giải đáp.

TP