Việt Nam là đất nước có nhiều tiềm năng về du lịch, có thể sánh ngang với bất kỳ cường quốc nào về du lịch trên thế giới. Dường như mỗi tỉnh, mỗi vùng, miền nào cũng có một vài thắng cảnh, một vài lễ hội văn hóa giúp cho ngành du lịch Việt Nam phát triển đa sắc màu.
Nhưng để nhận ra vấn đề này thì không phải ai cũng biết hoặc biết một cách đầy đủ. Rồi một ngày chúng ta chợt thấy rằng, đất nước mình đẹp thật qua một clip của người ngoại quốc.
ảnh minh họa (nguồn Internet) |
Nghĩ vừa vui và vừa buồn. Vui vì đất nước mình đẹp, thơ mộng nhưng buồn là vì chúng ta là người Việt Nam mà không nhận ra điều đó. Chúng ta không tự nhận thức được mình đẹp, không quảng bá một cách xứng tầm và cũng không gìn giữ để phát triển.
Đọc trên báo mấy ngày gần đây, tôi thấy những người có trách nhiệm quản lý ngành du lịch cũng than thở đất nước ta thiếu tiền làm clip quảng bá du lịch. Và để làm clip du lịch thì tốn kém số tiền gần cả triệu đô la.
Vậy không lẽ du lịch Việt Nam còn kém phát triển vì chúng ta thiếu tiền làm clip? Thiếu chi phí quảng bá? Thực tế thì nhìn lại còn những cái quan trọng hơn clip nhiều lần.
Nhìn qua có thể thấy, du lịch Việt Nam đang phát triển dựa vào tiềm năng có sẵn để khai thác, nhưng tư duy của người làm du lịch Việt Nam còn thấp, chưa quản lý, điều hành các khu du lịch một cách xứng đáng với tiềm năng sẵn có. Điều này dẫn đến khai thác du lịch theo kiểu "ăn xổi, ở thì".
Chúng ta chưa coi khách du lịch là khách hàng, mà coi họ là con mồi. Khi đến mỗi khu du lịch thường có vài người đến vỗ vai, chèo kéo dụ dỗ tham gia cái này, nghỉ chỗ kia,… nếu như không tỉnh táo thì khả năng bị lừa gần như cầm chắc. Các cửa hàng kinh doanh, mua bán hét giá trên trời, và đôi khi nếu lỡ trả giá mà không mua còn bị hăm dọa.
Thêm nữa, đi du lịch ở Việt Nam không an toàn. Nạn trộm cắp, cướp giật, trấn lột tài sản của khách dường như đâu cũng có. Đi du lịch mà cứ lo nơm nớp nhìn trước, nhìn sau, luôn có cảm giác bất an.
Đó là chưa kể đến phương tiện vận chuyển thô sơ. Tôi đã từng chứng kiến cảnh khi đi tham quan chợ nổi Cái Răng, 1 chiếc ghe bé xíu chở hơn 20 người, ai cũng nơm nớp lo sợ, chỉ cần 1 con sóng đánh mạnh là có thể lật bất cứ khi nào. Và hậu quả là tại vịnh Hạ Long đã xảy ra việc chìm thuyền dẫn đến thiệt mạng nhiều du khách nước ngoài.
Bây giờ ở Việt Nam mà nghe đến chuyện du khách nước ngoài bị cướp giật tài sản, bị lừa, bị chặt chém cảm giác như chuyện thường.
Một ví dụ từ Nha Trang, nơi có clip đẹp mê hồn từ những người Hàn Quốc: tôi đón taxi từ sân bay về khách sạn thay vì quãng đường chỉ có 30 cây số, nhưng xe chạy lòng vòng và tôi phải trả số tiền gần 600 ngàn.
Đi ra khỏi khách sạn thì gặp nạn xích lô, xe ôm chèo kéo. Đi ra chợ mua đặc sản thì bị hét giá gấp 2, 3 lần. Nghĩ lại thấy buồn nhưng tự an ủi, người Việt Nam là vậy, có trách là trách mình thiếu kinh nghiệm.
Làm một clip để quảng bá du lịch đẹp không khó. Với công nghệ hiện đại cũng như tư duy về cái đẹp của người Việt Nam tôi tin là chúng ta sẽ làm được những clip đẹp hơn vậy nhiều lần.
Với công nghệ mạng như ngày hôm nay, việc quảng bá những hình ảnh của Việt Nam ra nước ngoài không cần phải kinh phí đến hàng chục triệu USD.
Nhưng quan trọng là khi đã làm, đã quảng bá ra bên ngoài thì chúng ta cũng phải có cơ chế quản lý và chăm sóc khách du lịch để họ cảm thấy không bị hụt hẫng, không bị lừa.
Du lịch Việt Nam sẽ không phát triển nếu không thay đổi tư duy làm du lịch. Nhà nước nên tổ chức đào tạo, tuyên truyền ý thức du lịch cho các cá nhân. tổ chức từ dân địa phương cho đến người làm buôn bán, vận chuyển, lưu trú,… Chúng ta cần nâng tầm tư duy đi kèm với cơ chế quản lý vừa khai thác, chăm sóc và phát triển. Làm du lịch đâu chỉ qua clip.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Theo VnExpress