Ngày 25/12/2012, TAND tỉnh Tiền Giang đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” đối với 3 bị cáo là Ngô Thanh Phong, Nguyễn Văn Nên và Nguyễn Văn Út, nguyên là 3 sỹ quan cao cấp của Công an tỉnh Tiền Giang. Tuy nhiên, phiên tòa phải hoãn xử do bị cáo Nguyễn Văn Nên không có mặt tại Tòa.
Theo cáo trạng số 19, ngày 22/6/2012 của VKSND tỉnh Tiền Giang thì trong quá trình thi hành công vụ, với vai trò là điều tra viên và Phó thủ trưởng CQĐT, các bị cáo này đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ trong quá trình điều tra vụ án kinh tế mang bí số 502X, lấy vật chứng của vụ án đem gửi ngân hàng để lấy lãi chia nhau.
Trở lại vụ án này, năm 2002, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang khởi tố vụ án buôn lậu xảy tại Công ty TNHH Thành Phát, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Bị cáo Ngô Thanh Phong, lúc đó là Trưởng phòng CSĐT đã trực tiếp chỉ đạo điều tra vụ án với số lượng điều tra viên tham gia lên tới 10 người.
Tang vật vụ án là một lượng tiền mặt khá lớn khoảng 12,6 tỷ đồng và 245 nghìn USD. Ông Ngô Thanh Phong, cùng ông Nguyễn Văn Nên, Phó Trưởng phòng CSĐT và Nguyễn Văn Út đã không mở tài khoản tại kho bạc Nhà nước để quản lý tiền là tang vật, vật chứng của vụ án.
Ông Ngô Thanh Phong và Nguyễn Văn Nên đã chỉ đạo cấp dưới đem số tiền này gửi ngân hàng bằng 25 sổ tiết kiệm tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng NN&PTNT lấy tiền lãi tiêu xài cá nhân và chi cho một số cán bộ Công an tỉnh Tiền Giang. Tổng số tiền vật chứng được gửi tại ngân hàng là hơn 11 tỷ đồng và hơn 206 nghìn USD. Số tiền còn lại được “nhập kho” vật chứng và ông Ngô Thanh Phong cho để ngoài 800 triệu đồng để chi tiêu mà không thông qua kế toán.
Việc gửi tiền tiết kiệm tại các ngân hàng được thực hiện qua việc đứng tên một số cá nhân trong CQĐT Công an tỉnh Tiền Giang. Trong đó, hai cán bộ công an là Bùi Văn Nhất và Nguyễn Trường Sơn không phải là các điều tra viên trong chuyên án 502X cũng được giao nhiệm vụ đứng tên gửi tiền tiết kiệm đối với số tiền vật chứng thu được từ chuyên án. Tổng số tiền hai cán bộ công an này đứng tên gửi tiết kiệm lên đến hơn 11 tỷ đồng, thu được gần 1 tỷ đồng tiền lãi.
Số tiền lãi trên đã được bị cáo Ngô Thanh Phong và bị cáo Nguyễn Văn Nên chỉ đạo sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, như: sử dụng tiếp khách hết 100 triệu đồng, chi 100 triệu để mua 4 xe máy Honda Future và chi tiêu không có chứng từ hết hơn 58 triệu đồng. Ngoài ra, “lợi nhuận” từ việc gửi tiết kiệm tiền vật chứng còn được đem chia cho cấp dưới và cấp trên của các bị can này trong các dịp lễ, tết.
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Tiền Giang thì tổng số 3 lần đem tiền vật chứng của chuyên án 502X đi gửi tiết kiệm, bị cáo Ngô Thanh Phong và các đồng phạm đã thu được hơn 1,3 tỷ đồng tiền lãi. Ngoài việc mua sắm các tài sản và tiếp khách, các bị cáo đã chia nhau chiếm đoạt là hơn 623 triệu đồng. Do đó, VKSND tỉnh Tiền Giang đã truy tố 3 bị can Ngô Thanh Phong, Nguyễn Văn Nên và Nguyễn Văn Út về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo khoản 2, Điều 181, Bộ Luật hình sự.
Riêng bị cáo Nguyễn Văn Nên còn có dấu hiệu phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn giam giữ người trái pháp luật” và “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” trong quá trình thực hiện việc điều tra vụ án Năm Cam. Trong thời điểm đó, chụp mũ cho ông Bùi Mạnh Lân và một số cá nhân khác là “đệ tử” của Năm Cam, ông Nguyễn Văn Nên, dưới sự chỉ đạo của ông Nguyễn Việt Thành đã bắt tạm giam ông Bùi Mạnh Lân, Phạm Văn Hướng trong suốt 2 tháng mà không có phê chuẩn của VKSND tối cao.
Thậm chí, sau khi VKSND tối cao có quyết định hủy bỏ việc giam giữ đối với ông Bùi Mạnh Lân nhưng Nguyễn Văn Nên không thi hành mà tiếp tục giam ông Lân 5 ngày để ép ông Lân phải thỏa thuận trả lại sổ đỏ cho vợ chồng bà Huỳnh Thị Thu, người có tranh chấp tài sản với ông Lân và yêu cầu bà Thu nộp 5,25 tỷ đồng vào CQĐT Tiền Giang để “trả lại ông Lân”. Song, số phận 5,25 tỷ đồng này cũng giống như số tiền vật chứng trong chuyên án 502X, được đem gửi tiết kiệm để lấy lại chia nhau sử dụng.
Đây là vụ án được dư luận rất quan tâm vì các bị can trong vụ án này từng là những người có công “phá án” vụ án Năm Cam. Song, vì lợi riêng, họ đã tự biến mình thành tội phạm và làm xấu hình ảnh của lực lượng điều tra chống tội phạm.