Chỉ một bước nhảy, anh Chiến đã đến sát viên phi công và vung rìu lên. Nhưng rồi không hiểu sao anh dừng lại, buông rìu, ngồi thụp xuống khóc.
Trong số những kỷ vật của tôi, có một chiếc rìu. Chiếc rìu của phi công Mỹ, mặc dù đã cũ gỉ nhưng nhìn vẫn thấy đẹp. Khen một vật dụng chiến tranh đẹp thì hơi bị... phi nhân văn, nhưng quả thực không thể không khen vì nó đẹp thật.
Tôi có được chiếc rìu này trong trường hợp cũng khá đặc biệt. Năm 1972, Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại, gia đình tôi sơ tán sang Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Đã kéo nhau vào tận chân núi heo hút ấy rồi mà vẫn cứ bị máy bay tới ném bom. Nguyên do là ở đấy có đơn vị bộ đội đóng quân.
Chiếc rìu kỷ vật |
Một lần, còi báo động ở trên đồi công tiêu rú lên thảng thốt, báo có máy bay. Chỉ vài phút sau thì máy bay lao tới. Súng cao xạ bắn lên dữ dội chả kém gì bom dữ dội ném xuống mặt đất. Căn hầm nhà tôi trú ẩn rung lên, lắc lư như đưa võng. Rồi bất ngờ trong cái khói âm thanh ấy, có tiếng hét rất to:
nó ném trúng nhà bà Tuất rồi. Ngay sau đó lại có tiếng hô: cháy, máy bay cháy rồi. Tự dưng đất trời im bặt. Mọi người nhao ra khỏi hầm nhớn nhác chạy sang nhà bà Tuất. Một hố bom khổng lồ đã xóa bay căn nhà, đồ đạc, xác người bắn văng lên cả ngọn tre, lẫn với những rải nhiễu trắng lấp lánh.
Trên bầu trời một chiếc dù to kềnh đang lờ lững hạ xuống chân núi Hột. Dân quân vác súng đuổi theo hướng chiếc dù rơi. Một lúc sau thì viên phi công bị trói giật cánh khủy, dẫn qua khu nhà bà Tuất. Đó là một gã to, cao, mắt xanh biếc, tóc vàng, trông rất... đẹp. Có lẽ chỉ lũ trẻ bọn tôi thấy mới thấy gã đó đẹp, chứ người lớn thì không. Vì khi thấy viên phi công bị dẫn qua, ai ai cũng nghiến răng, mặt bừng bừng. Viên phi công thực sự hoảng sợ, gã vừa ngước nhìn mấy mảnh xác người vắt trên ngọn tre vừa đi giật lùi.
Anh Chiến, bạn trai của chị Liên, con gái bà Tuất, bất chợt giằng phắt lấy chiếc rìu mà người dân quân thu được của viên phi công. Anh hành động nhanh tới mức mọi người đều sững lại, không kịp phản ứng.
Chỉ một bước nhảy, anh Chiến đã đến sát viên phi công và vung rìu lên. Nhưng rồi không hiểu sao anh dừng lại, buông rìu, ngồi thụp xuống khóc. Dân quân vội vã giải viên phi công đi và quên luôn cả việc mang theo chiếc rìu.
Buổi chiều, anh Chiến mang chiếc rìu đưa cho tôi, bảo: cho mày làm kỷ niệm. Chiếc rìu bằng sắt, lưỡi rất sắc, đầu kia là búa. Nếu ấn vào cái lẫy, rút ra khỏi cán thì bên trong sẽ là một lưỡi cưa nhỏ. Chiếc rìu có nhiều công dụng, anh tôi dùng nó để chẻ củi, bố tôi dùng nó chữa xe đạp, tôi thì dùng nó để ra oai với lũ bạn cùng lứa. Rồi chiếc rìu bị gẫy và không thể dùng vào việc gì được nữa.
Mãi sau này, khoảng năm 1992, trong lần dọn nhà, tôi lại thấy nó, đã hoen gỉ, nằm trong một xó lẫn với những phụ tùng xe đạp như may-ơ, líp, xích, cũng đã hoen gỉ. Tôi thuê thợ hàn lại chiếc rìu, lau sạch nó và cất đi.
Bây giờ, thi thoảng tôi vẫn đem chiếc rìu ra ngắm và mỗi lần như thế, lại nhớ tới cái buổi trưa hôm ấy, với những tiếng nổ lộng óc, với những mảnh thân người vắt trên ngọn tre lẫn với những đám nhiễu trắng lấp lánh.
Và tôi nhớ nhất là anh Chiến, người cho tôi chiếc rìu. Sau trận bom đó, anh Chiến nhập ngũ và hy sinh tại Xuân Lộc năm 1975.
{iarelatednews articleid='10440,10441,10021,9783,9766,9832,8440,7973,6865'}
Theo Phương Linh (báo Đất Việt)