"Bán kích tác chiến của chiến đấu cơ T-50 Nga vượt F-22,F-35 Mỹ"

08/01/2013 07:38
Việt Dũng (nguồn báo Hoàn Cầu, TQ)
(GDVN) - Các chuyên gia cho rằng, máy bay T-50 sẽ là "ngôi sao" trong những máy bay cùng loại, có bán kính bay lớn hơn cả F-22 và F-35 của Mỹ.
Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm T-50 Nga
Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm T-50 Nga

Ngày 6/1, mạng tin tức “Bình luận Nga-Trung” Nga có bài viết cho rằng, trong thời gian tới, Quân đội Nga có kế hoạch tiếp nhận vài chiếc máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm T-50, đồng thời T-50 sẽ được biên chế cho Không quân Nga vào cuối năm 2015 hoặc đầu năm 2016.

Đây được cho là một quyết định đã “rất sớm”, bởi Không quân Mỹ đã trang bị máy bay cùng loại 7 năm trước, đó là F-22 Raptor. Trung Quốc cũng tìm cách theo đuổi và bắt đầu cho bay thử máy bay tiêm kích thế hệ thứ năm do họ tự chế tạo.

Cuối tháng 12/2012, Tổng tư lệnh Không quân Nga, Trung tướng Victor Bondalev cho biết, vào tháng 3/2013, sẽ tiến hành kiểm tra, thử nghiệm cấp quốc gia đối với 5 máy bay tiêm kích thế hệ thứ năm T-50 ở căn cứ Trung tâm kiểm tra, thử nghiệm không quân Akhtubinsk.

Tướng Bondalev nói: “3 máy bay đang tiến hành kiểm tra ở sân bay Zhukovski, ngoại ô Moscow; máy bay mẫu thứ tư đang kiểm tra tại nhà máy, máy bay mẫu thứ năm đã hoàn thành, đang trong quá trình nghiệm thu. Tháng 3/2013, 5 máy bay này sẽ được kiểm tra quốc gia ở Akhtubinsk. Tất cả những máy bay mẫu khác sẽ bay trực tiếp từ nhà máy đến căn cứ này. Đến cuối năm 2013, Akhtubinsk sẽ tiếp nhận 8 máy bay T-50”.

Theo giới thiệu của Tổng tư lệnh Không quân Nga, công tác thử nghiệm máy bay tiêm kích tương lai sẽ hoàn thành trong vòng 2-2,5 năm. Cuối năm 2015 hoặc đầu năm 2016, máy bay T-50 sẽ gia nhập biên đội của Không quân Nga.

T-50 đã trang bị radar mảng pha và thiết bị điện tử hàng không hoàn toàn mới. Loại máy bay này bay thử lần đầu tiên ở Komsomolsk bên bờ sông Amur vào ngày 29/1/2010, được công khai tại Triển lãm hàng không-vũ trụ Moscow vào năm 2011 – tổ chức tại Zhukovski, ngoại ô Moscow ngày 17/8/2011.

Hầu hết tính năng kỹ thuật của T-50 còn ở trạng thái giữ bí mật, nhưng dựa trên các nguồn tin công khai các chuyên gia nhận định rằng, các chỉ tiêu như tốc độ tối đa (gồm tốc độ cộng lực và không cộng lực), hành trình tối đa, tỷ lệ đẩy, tải trọng vượt mức cho phép của máy bay này phải ưu việt hơn máy bay cùng loại của nước khác.

T-50 do một phi công lái, tốc độ tối đa có thể đạt 2.600 km, hành trình tối đa 4.300 km với độ cao bay là 20 km, trọng lượng cất cánh tối đa 37 tấn, có thể mang theo 10 tấn vũ khí các loại, gồm 1 pháo hàng không 30 mm GSh-30-1, các loại tên lửa với tầm phóng khác nhau và bom dẫn đường hàng không. Ngoài ra còn có hơn 10 loại vũ khí kiểu mới nhất được chế tạo để trang bị cho T-50.

Các chuyên gia nước ngoài cũng đang bàn tán về ưu thế của máy bay Nga trước các máy bay Mỹ. Mùa thu năm 2012, các nhà phân tích quân sự “Air Power Australia” – cơ quan nghiên cứu quân sự Australia đã tiến hành so sánh, phân tích về máy bay T-50 của Cục thiết kế Sukhoi Nga và các máy bay F-22 Raptor, F-35 Lightning 2  của Mỹ.

Họ cho rằng, máy bay tiêm kích mới của Nga có ưu thế hơn máy bay cùng loại của Mỹ trên nhiều phương diện. Ví dụ, thiết kế của T-50 đã áp dụng hệ thống động lực khí động học mới nhất, có thể giảm tối đa khả năng dò được ánh sáng và nhiệt của ra đa dò máy bay.

Do đã áp dụng rất nhiều vật liệu composite (chiếm 70% vỏ ngoài máy bay, 40% kết cấu tổng thể), máy bay khó bị radar phát hiện hơn. Máy bay đã trang bị hệ thống radar mới nhất do Viện nghiên cứu V. Tikhomirov thiết kế.

Hệ thống này kết nối với 2 máy tính trên máy bay, có thể phát hiện các mục tiêu ngoài 400 km, đồng thời bám theo 60 mục tiêu trên không và phát động tấn công đối với 16 mục tiêu trong số đó.

Các chuyên gia cho rằng, hệ thống tác chiến điện tử và hệ thống nén đầu đạn dẫn đường hồng ngoại của T-50 có thể bảo vệ tốt hơn cho nó tránh bị hệ thống phòng không phát hiện, đặc biệt là hệ thống radar của quân Mỹ.

Các chuyên gia còn chú ý đến tính năng bay ưu việt của T-50. Máy bay này đã trang bị 2 động cơ phản lực tua bin AL-41F-1A có hệ thống kiểm soát số hóa tích hợp, ống phun đẩy véc-tơ có thể xoay nghiêng ở 2 mặt phẳng.

Sử dụng động cơ có hiệu suất cao hơn đã tạo được tỷ lệ đẩy có hiệu quả cao hơn, từ đó giúp cho máy bay có tính “siêu cơ động”, khả năng tải đạn, trần bay và tốc độ cao hơn.

Một đặc điểm khác của T-50 là thùng nhiên liệu lớn hơn nhiều các máy bay cùng loại. Điều này đã kéo dài rất lớn thời gian tác chiến cho nó, đồng thời bán kính bay cũng lớn hơn nhiều F-22 và F-35. Vì vậy, có thể nói, máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm T-50 PAK FA sẽ trở thành “ngôi sao” trong những máy bay cùng loại.

Chiến đấu cơ tàng hình T-50 Nga
Chiến đấu cơ tàng hình T-50 Nga
Việt Dũng (nguồn báo Hoàn Cầu, TQ)