Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị tổng kết năm 2012 (ngày 11/1), ông Hoàng Quốc Vượng - Chủ tịch Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã xác nhận năm 2012 EVN lãi từ 6.000 – 7.000 tỉ đồng. Theo đó, tổng doanh thu từ bán điện năm 2012 lên tới 143.000 tỉ đồng.
Năm 2012, EVN đã tăng thu hàng ngàn tỉ đồng từ hai lần tăng giá điện |
Nói đến con số lãi trên 6.000 tỉ đồng năm 2012, báo cáo EVN lý giải do tập đoàn điện lực Việt Nam trong năm qua đã huy động được nhiều thủy điện hơn năm trước. Con số vượt đến mức 5.5 tỉ kWh so với kế hoạch cùng với sản lượng phát điện bằng dầu cũng giảm tới 125 triệu kWh. Ngoài ra, năm 2012 EVN đã được tăng giá điện hai lần và mỗi lần EVN đều công nhận việc tăng giá giúp thu thêm được vài ngàn tỉ đồng...
Lãi 6.000 tỉ, EVN vẫn đòi tăng giá điện
Tuy con số lãi khủng nhưng theo phân tích của EVN về khó khăn như tình hình khô hạn miền Trung có thể khiến EVN phải phải huy động 1,8-2,4 tỉ kWh điện chạy dầu để đảm bảo điện cho miền Nam điều này có nghĩa EVN phải bù vào 10 nghìn tỉ đồng. Chính vì vậy nguy cơ tiềm ấn của việc tăng giá điện trong thời gian tới vẫn chực chờ. Trên góc nhìn của chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh – Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (Central Institute for Economic Management - CIEM) cho biết: “Tôi không lạ với con số lãi đến hơn 6.000 tỉ đông của EVN vì thực tế khi EVN độc quyền, với thông tin họ có lãi đến với số tiền “khủng” như vậy tôi cũng mừng và hi vọng giá điện sẽ không tăng hoặc không tăng cao nữa”. “Tôi thấy rằng điện là nguồn nhiên liệu đầu vào quan trọng cho mọi ngành sản xuất và cho đời sống người dân vì vậy chỉ cần có sự điều chỉnh tăng hoặc giảm giá điện sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân nhất là trong lúc kinh tế trong nước còn khó khăn như hiện nay” – TS Doanh nói.
Chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh – Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (Central Institute for Economic Management - CIEM) |
Nói đến “hiệu quả kinh tế” trong 2012 theo báo cáo của EVN, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, bên cạnh sự đầu tư của nhà nước nhiều hơn cho ngành điện thì một yếu tố quan trọng là mức độ tiêu thụ điện năm nay giảm. Theo lý giải của TS Doanh, nguyên nhân ngành điện lãi có thể đến từ việc sản xuất của các doanh nghiệp trong năm qua cầm chừng. Khi con số 100.000 doanh nghiệp đóng cửa, các doanh nghiệp thép cũng chỉ chạy với 30 – 40% công suất, với ngành xi măng, hàng tồn kho cũng rất lớn, trong khi đó, đã từ lâu, họ là những đơn vị tiêu thụ điện lớn, nay họ lại ít tiêu thụ điện. Nhờ vậy, EVN có thể cung cấp cho các hộ kinh doanh khác dẫn đến có lãi. Đánh giá về những ảnh hưởng về kinh tế nếu giá điện tăng trong thời gian tới, TS Lê Đăng Doanh cho biết, việc tăng giá điện trong năm 2013 sẽ khiến đời sống người dân sẽ càng điêu đừng vì giá điện tăng cũng như giá xăng sẽ kéo theo giá dịch vụ, sinh hoạt mọi thứ đều tăng. Hơn nữa, theo TS Doanh thì kinh tế năm 2013 sẽ còn khó khăn, thậm chí là khó khăn hơn năm 2012 chính vì vậy không thể tăng giá điện lúc này. “Tôi đề nghị rằng các cơ quan quản lý nhà nước cần lên tiếng trả lời việc giám sát giá điện như thế nào để người dân hiểu rõ tránh việc tăng giá điện hai lần như trong năm 2012” – TS Doanh cho biết. Cũng trong Hội nghị tổng kết EVN đã thẳng thắn thừa nhận năm qua nhiều đơn vị truyền tải và phân phối không tuân thủ đúng quy trình và kỷ luật gây ra những sự cố nghiêm trọng. Sự cố thấm nước thủy điện Sông Tranh 2, EVN cũng cho rằng đã có yếu kém trong quản lý dự án, giám sát thi công và quản lý chất lượng công trình.
Năm 2013, giá điện “chắc chắn sẽ tăng”
Trước đó, trả lời báo giới về việc giá điện trong thời gian tới sẽ tăng hay giảm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang khẳng định: “Giá điện chắc chắn sẽ tăng chứ không giảm bởi mức giá hiện tại rất thấp do nhu cầu năng lượng càng tăng, nguồn sơ cấp càng ngày càng giảm, bởi vậy, giá điện theo xu hướng sẽ tăng”.
Dự kiến trong tháng 12 này, Bộ chúng tôi sẽ trình Thủ tướng lộ trình điều chỉnh giá điện trong 2013 - 2015 theo hướng tác động ít nhất đến đời sống của người dân cũng như sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.Ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực
Theo Thứ trưởng Quang, từ năm 2008, Chính phủ đã có chủ trương giá điện sẽ dần theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, do trong giai đoạn 2011 - 2012 kinh tế quá khó khăn nên Chính phủ vẫn phải kiểm soát về giá điện. Còn trong thời gian tới, chắc chắn giá điện phải theo cơ chế thị trường.
(Theo VnEconomy)
Trước đó, trả lời báo giới về việc giá điện trong thời gian tới sẽ tăng hay giảm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang khẳng định: “Giá điện chắc chắn sẽ tăng chứ không giảm bởi mức giá hiện tại rất thấp do nhu cầu năng lượng càng tăng, nguồn sơ cấp càng ngày càng giảm, bởi vậy, giá điện theo xu hướng sẽ tăng”.
Dự kiến trong tháng 12 này, Bộ chúng tôi sẽ trình Thủ tướng lộ trình điều chỉnh giá điện trong 2013 - 2015 theo hướng tác động ít nhất đến đời sống của người dân cũng như sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.Ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực
Theo Thứ trưởng Quang, từ năm 2008, Chính phủ đã có chủ trương giá điện sẽ dần theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, do trong giai đoạn 2011 - 2012 kinh tế quá khó khăn nên Chính phủ vẫn phải kiểm soát về giá điện. Còn trong thời gian tới, chắc chắn giá điện phải theo cơ chế thị trường.
(Theo VnEconomy)
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
HL