Quân sự hóa không gian vũ trụ gợi mở sâu xa
Máy bay không gian không người lái X-37B của Mỹ phần nào đã đại diện cho phương hướng phát triển công nghệ vận tải hàng không vũ trụ.
Nhưng nhìn ở một góc độ khác, công nghệ này sẽ tiếp tục nới rộng khoảng cách về sức mạnh hàng không vũ trụ giữa Mỹ với các nước khác, đã phá vỡ sự cân bằng chiến lược vũ trụ hình thành trước đó, làm cho vũ trụ vốn không yên tĩnh lại càng trở nên bất ổn tiềm tàng.
Máy bay không gian MAKS Nga |
Chịu sự tác động từ Mỹ, việc nghiên cứu chế tạo máy bay không gian của nhiều nước trên thế giới đã nóng lên toàn diện. Công nghệ siêu thanh (tốc độ cao siêu âm) của Nga dẫn trước thế giới, hiện đã bước vào giai đoạn nghiệm chứng bay của máy bay “không gian”; Anh đang phát triển một loại máy bay vũ trụ có thể cất/hạ cánh trên đường băng sân bay, có thể đưa du khách vũ trụ vào quỹ đạo Trái đất với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh.
Nhật Bản cũng đã nắm được các công nghệ then chốt như kích hoạt, đo lực đẩy, điều tiết nhiên liệu và làm mát động cơ. Bộ Quốc phòng Ấn Độ cũng đã khởi động chương trình máy bay không gian cỡ nhỏ có thể tái sử dụng.
Các chuyên gia cho rằng, đứng trước công nghệ vũ trụ ngày càng mạnh của Mỹ, Trung Quốc không thể theo đuổi một cách mù quáng, mà phải áp dụng phương thức “bước đi bằng 2 đôi chân”, cùng với việc tìm hiểu, khám phá công nghệ máy bay không gian, lấy phát triển công nghệ laser để thúc đẩy đổi mới công nghệ hàng không vũ trụ.
Vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới Sputnik 1 được phóng lên đã đánh dấu loài người chào đón thời đại vũ trụ; con người cũng chứng kiến những thành tựu vượt bậc như người đầu tiên bay vào vũ trụ, người đầu tiên bước lên Mặt trăng.
Nhưng loài người cũng chứng kiến nhiều khó khăn trong sự nghiệp hàng không vũ trụ như tai nạn của các tàu vũ trụ Challenger, Columbia.
Máy bay không gian Skylon Anh. |
Báo Trung Quốc cho rằng, từ xưa đến nay, giấc mơ khám phá vũ trụ của loài người đơn thuần mà vĩ đại. Đến nay, một số nước vì tham vọng riêng và bá quyền, đang tiến hành liên tục các cuộc tranh đoạt trong không gian vũ trụ.
Lịch sử cho thấy, quân sự hóa vũ trụ đi ngược lại với hòa bình và phát triển của loài người, trong “chiến tranh vũ trụ” sẽ không có người thắng. Đối với cộng đồng quốc tế, thúc đẩy “lập pháp” phi quân sự hóa vũ trụ, sử dụng hòa bình tài nguyên vũ trụ mới là sự lựa chọn duy nhất của loài người.
“Máy bay không gian” giống như “tàu con thoi mini”
Boeing X-37B là máy bay không gian không người lái do công ty Boeing Mỹ nghiên cứu chế tạo. Thân máy bay đài 8,8 m, sải cánh 4,5 m, có thể sử dụng nhiều lần, giống một “tàu con thoi mini”.
Do được tên lửa đẩy phóng vào vũ trụ, là một loại máy bay đầu tiên vừa có thể bay trên quỹ đạo Trái đất, vừa có thể bay vào bầu khí quyển.
Sau khi kết thúc nhiệm vụ, X-37B còn có thể tự động quay trở về mặt đất, được cho là dáng dấp của máy bay chiến đấu vũ trụ tương lai.
Máy bay không gian X-37B Mỹ |
Cho đến nay, hãng Boeing chế tạo tổng cộng 2 chiếc X-37B, lần lượt được phóng vào tháng 4/2010 và 3/2011. Ngày 11/12/2012, X-37B đã hoàn thành nhiệm vụ bay lên quỹ đạo lần thứ ba, nhưng do Mỹ luôn giấu kín các thông tin về chương trình này, nên ý đồ của họ là gì đều rất mơ hồ.
Từ lâu, truyền thông quen gọi Boeing X-37B là “máy bay không gian X-37B”, “máy bay không gian” là gọi tắt của “tàu con thoi hàng không”.
Tên và nghĩa giống nhau, X-37B vừa có thể bay trong bầu khí quyển, vừa có thể bay trong vũ trụ, là công cụ vận tải tự do kết nối giữa “trời” và “đất”.
So với tàu con thoi, máy bay không gian đã có thêm một chức năng hàng không trong bầu khí quyển, ưu thế lớn nhất của nó ở chỗ có thể tái sử dụng.
Nhưng, gần đây có chuyên gia hàng không cho rằng, X-37B của Mỹ hoàn toàn không phải là “máy bay không gian”. Lý do ở chỗ khi cất cánh, máy bay không gian không cần sử dụng tên lửa đẩy, trong khi đó X-37B lại được tên lửa Atlas-5 phóng lên, vì vậy X-37B chỉ có thể gọi là “tàu con thoi không người lái cỡ nhỏ”.
Máy bay không gian không người lái X-37B Mỹ |