Khó xử lý sếp nếu chỉ bị đe dọa cưỡng dâm

16/01/2013 11:31
Giadinh.net.vn
Tôi là phụ nữ gần 30 tuổi. Sếp tôi thường xuyên gạ gẫm nhưng tôi luôn tìm cách để từ chối và tránh những tình huống nhạy cảm
Độc giả Thu Phương (Hà Nội): 
Tôi là phụ nữ gần 30 tuổi. Sếp tôi thường xuyên gạ gẫm nhưng tôi luôn tìm cách để từ chối và tránh những tình huống nhạy cảm

Gần đây, sếp tôi tuyên bố nếu tôi không "chiều" sẽ đưa tôi đi văn phòng đại diện của cơ quan tận miền Trung hoặc bị đuổi việc. Đây có phải hành vi cưỡng dâm và có bị pháp luật xử lý?        

Luật sư Nguyễn Phú Thắng  (Đoàn Luật sư TP Hà Nội):

Tội cưỡng dâm được quy định tại Điều 113 Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009. Tội phạm này xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự của con người, xâm phạm vào quyền tự do tình dục của người phụ nữ. Đối với tội cưỡng dâm, người phạm tội thường dùng các thủ đoạn khác nhau như lừa phỉnh, mua chuộc, dụ dỗ, đe dọa hoặc bằng tiền bạc, lời hứa khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu với mình. Loại tội phạm này thường xảy ra giữa sếp nam và nữ nhân viên, thầy giáo và nữ sinh, bác sĩ và nữ bệnh nhân, ông chủ và nữ giúp việc, chủ nợ và con nợ…

Tuy nhiên, tội phạm này là tội cấu thành vật chất. Điều này có nghĩa là tội phạm chỉ hoàn thành khi người phạm tội đã thực hiện được hành vi giao cấu một cách trái ý muốn với nạn nhân. Những hành vi của sếp bạn mới chỉ ở mức đe dọa bằng lời nói nên không có dấu hiệu cấu thành tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội cưỡng dâm”. Vì sếp bạn mới chỉ dừng lại ở mức độ gạ gẫm, doạ nạt để hướng tới hành vi giao cấu với bạn, chưa thực hiện được hành vi nên không có cơ sở để buộc anh ta phải chịu trách nhiệm hình sự.

Để có cơ sở pháp lý phòng ngừa, xử lý hành vi “sàm sỡ nơi công sở” ngày càng phổ biến hiện nay, Bộ luật Lao động mới do Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012 (chính thức có hiệu lực từ ngày 01/5/2013) đã chứa đựng một số quy định điều chỉnh hành vi quấy rối tình dục trong quan hệ lao động.

Việc điều chuyển địa điểm làm việc của nhân viên được căn cứ theo Hợp đồng lao động. Nếu hợp đồng không quy định, người lao động và người sử dụng lao động phải thoả thuận với nhau về các điều kiện khi thay đổi địa điểm làm việc.

Cụ thể: Điều 33 Bộ Luật lao động hiện hành quy định: “Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu bên nào có yêu cầu thay đổi nội dung hợp đồng thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất ba ngày. Việc thay đổi nội dung hợp đồng lao động được tiến hành bằng cách sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động đã giao kết hoặc giao kết hợp đồng lao động mới”.

Trường hợp hai bên không thoả thuận được việc sửa đổi, bổ sung hoặc giao kết hợp đồng lao động mới thì tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết hoặc chấm dứt theo quy định tại khoản 3 Điều 36 của Bộ luật này.

Giadinh.net.vn