Vụ nghi án Coca-cola chuyển giá, trốn thuế:

Vụ Coca-Cola: Sự trừng phạt của người tiêu dùng Việt

21/01/2013 07:47
Viết Cường
(GDVN) - Một vị Tiến sỹ đã chia sẻ trên trang mạng này rằng: “Đã hơn một tuần nay tôi quyết định không uống Coca-Cola nữa. Những thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng về việc hãng này đã không đóng một xu tiền thuế thu nhập doanh nghiệp nào cho Việt Nam trong suốt 10 năm qua do liên tục khai lỗ đã thôi thúc tôi hành động như vậy".


Bất ngờ từ báo cáo của Coca-Cola Việt Nam

Những ngày đầu tháng 12/2012, thông tin về báo cáo hoạt động kinh doanh của Công ty Coca-Cola tại Cục thuế TP.HCM cho thấy: Trong nhiều năm có mặt tại thị trường Việt Nam công ty liên tục thua lỗ. Bởi cũng chính vì liên tục thua lỗ nên hơn 10 năm có mặt tại thị trường Việt Nam, Coca-Cola chưa phải đóng một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào.

Chuyện không có gì đáng bàn nếu như trước đó (ngày 26/10), Tập đoàn Coca-Cola đã công bố khoản đầu tư mới trị giá 300 triệu USD (trong ba năm tới) nhằm nắm bắt các cơ hội tăng trưởng tại Việt Nam, thị trường được Coca Cola đánh giá là có tiềm năng lớn trên thế giới.

Tăng trưởng mạnh - thua lỗ - không đóng thuế - tiếp tục đầu tư - thua lỗ, vòng tuần hoàn “phi lý” này của Coca-Cola Việt Nam đến một người tiêu dùng bình thường cũng “không thể tin được”. Tại thị trường Việt Nam, nhiều năm qua, Coca-Cola là doanh nghiệp kinh doanh đồ uống có thị phần lớn nhất nhì vì thế, việc khai báo lỗ đã dấy lên nghi vấn cho rằng đây chính là chiêu bài “chuyển giá” hòng trốn khoản thuế khổng lồ của công ty này.

Chỉ cần làm một phép tính đơn giản, nếu nghi án “chuyển giá” hòng trốn thuế của Coca-Cola Việt Nam là thật thì với thị phần đồ uống được tiêu thụ lớn như hiện nay, trải qua hơn 10 năm có mặt tại Việt Nam dễ thấy số thuế mà doanh nghiệp này “tránh” được sẽ lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Người tiêu dùng lập ra nhiều trang trên Facebook, kêu gọi tẩy chay Coca-Cola nếu công ty này vẫn chưa minh bạch nghi án chuyển giá, né thuế.
Người tiêu dùng lập ra nhiều trang trên Facebook, kêu gọi tẩy chay Coca-Cola nếu công ty này vẫn chưa minh bạch nghi án chuyển giá, né thuế.
Và nếu đúng Coca-Cola đang dùng chiêu để trốn thuế, rõ ràng “ông lớn” này đang hàng ngày, hàng giờ bòn rút đồng tiền từ người tiêu dùng để đổ về công ty mẹ ở nước ngoài.

Đã có không ít người tiêu dùng thẳng thắn: "Nếu một khi nghi án được chứng minh là thật, một điều chắc chắn rằng, người tiêu dùng như chúng tôi sẽ tẩy chay Coca-Cola".

Khi người tiêu dùng Việt lên tiếng

Không chỉ vậy, thời gian gần đây, trên mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook, phong trào tẩy chay Coca-Cola được hiện thực hóa qua những trang mới liên tục được lập ra cùng lời bày tỏ: “Nơi thể hiện thái độ của người tiêu dùng Việt Nam về cách hành xử của các doanh nghiệp lớn từ chối trách nhiệm đóng góp cho xã hội nơi họ kinh doanh”.

Có một vị Tiến sỹ đã chia sẻ trên trang mạng này rằng: “Đã hơn một tuần nay tôi quyết định không uống Coca-Cola nữa. Những thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng về việc hãng này đã không đóng một xu tiền thuế thu nhập doanh nghiệp nào cho Việt Nam trong suốt 10 năm qua đã thôi thúc tôi hành động như vậy.

Báo chí trong nước và các cơ quan chức năng nghi ngờ Coca-Cola (và một số các doanh nghiệp FDI khác) đã tìm cách chuyển giá để gian lận thuế. Nghi ngờ này không phải là không có cơ sở. Bởi cái việc càng lỗ, càng đầu tư mở rộng sản xuất như cách Coca-Cola đang làm, nghe ra thật bất hợp lý.

Độc giả phát hiện thêm các chứng cứ khác về việc Coca-cola trốn thuế tại Việt Nam hoặc những bài viết, bình luận về vụ việc này xin gửi về địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc  BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!

Hoặc là có chuyện đầu óc không bình thường ở đây, hoặc là có chuyện đầu óc quá giảo hoạt ở đây. Sự thành đạt trên phạm vi toàn cầu của Coca-Cola cho phép chúng ta loại trừ khả năng thứ nhất. Vậy thì, hiện hữu chỉ là khả năng thứ hai. Tuy nhiên, với vị thế độc quyền về hương liệu, Coca-Cola có thể gửi giá vô tận vào đấy. Các cơ quan chức năng của Việt Nam có cố gắng điều tra, soi xét đến mấy đi chăng nữa, thì vẫn có thể hoàn toàn bế tắc trong việc xác định giá cả thật của hương liệu. Có đến “Tết Công-gô” các cơ quan chức năng cũng không thể xử phạt Coca-Cola được.

Tuy nhiên, Coca-Cola đã quên mất một điều hết sức cơ bản. Đó là các cơ quan chức năng có thể bất lực với hành vi chuyển giá của Coca-Cola, nhưng người tiêu dùng Việt Nam thì không. Chỉ cần các phương tiện truyền thông đại chúng tiếp tục bày tỏ sự nghi ngờ về cách hành xử của Coca-Cola, thì hình ảnh công chúng của doanh nghiệp này sẽ bị tổn hại nghiêm trọng.

Dấu X để minh họa cho việc NTD sẽ loại trừ Coca-Cola ra khỏi 'menu' nước uống mỗi ngày
Dấu X để minh họa cho việc NTD sẽ loại trừ Coca-Cola ra khỏi 'menu' nước uống mỗi ngày

Hình ảnh công chúng này còn bị tổn hại nghiêm trọng hơn, khi người tiêu dùng biết được rằng một doanh nghiệp của Việt Nam cũng sản xuất nước giải khát thông thường đóng góp cho tỉnh Đồng Nai đến 1.000 tỉ đồng mỗi năm. Với một hình ảnh công chúng như vậy, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng rằng sắp tới, không chỉ một mình tác giả của bài viết này mà sẽ có hàng ngàn, hàng vạn người tiêu dùng Việt Nam nói không với các sản phẩm của Coca-Cola. Và khi đã có hàng vạn người thì sẽ có hàng triệu người. Đó sẽ là sự trừng phạt không thể nào vô hiệu hóa được bằng khả năng lách luật".

Việc xác minh được Coca Cola đã né thuế như thế nào, hiện tại các cơ quan chức năng vẫn đang điều tra. Trả lời trên VTV về nghi án chuyển giá để trốn thuế của một số công ty đa quốc gia, ông Đặng Lê Nguyên Vũ – TGĐ Cà phê Trung Nguyên đã cho rằng, chuyển giá để trốn thuế là vi phạm về mặt đạo đức, trách nhiệm với xã hội. Họ đến đầu tư tại một xứ sở nào đó mà họ không có trách nhiệm với xã hội nước đó thì phải lên án, cộng đồng cẩn phải có ý kiến và phản ứng của mình thông qua vấn đề tiêu dùng.

Những ngày qua, khi càng cận kề ngày Tết nguyên đán, cái tết mà cứ theo thông lệ, Coca-Cola trở thành thức uống mà từ trẻ nhỏ đến người già ưa chuộng, thời điểm mà lượng Coca-Cola tiêu thụ trên thị trường lên cao nhất thì cũng là lúc, người tiêu dùng Việt giật mình: Tại sao phải uống Coca-Cola khi họ đang bòn rút túi tiền của dân mình hàng ngày, hàng giờ?

Theo báo cáo hoạt động kinh doanh của công ty Coca-cola tại cục thuế TP.HCM, trong nhiều năm có mặt tại thị trường Việt Nam công ty liên tục thua lỗ.

Theo đó, năm 2006 công ty này đạt doanh thu 1.026 tỉ đồng nhưng lỗ đến 253 tỉ đồng; năm 2007 lỗ 198 tỷ đồng; năm 2010 doanh thu lên đến 2.529 tỉ đồng nhưng chi phí lại lên đến 2.717 tỉ đồng, dẫn đến số lỗ 188 tỉ đồng và năm 2011 mức lỗ là 39 tỷ đồng. Theo số lũy kế đến năm 2011 công ty này đã lỗ tổng cộng 3.768 tỉ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỉ đồng.

Như vậy trung bình mỗi năm công ty này lỗ 100 tỷ đồng.


* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!


* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Viết Cường